Như chúng ta đã biết, có nhiều loại nụ hôn khác nhau. Nhưng các động thái không lời đó muốn nói lên những điều gì? Tùy theo ngữ cảnh và loại nụ hôn, mỗi loại đều hàm chứa những thông điệp tình cảm với các mức độ và ý nghĩa thân mật khác nhau.
Nụ hôn thuần khiết
Chúng ta đều khá quen thuộc với nụ hôn thân mật trong gia đình trên má. Mẹ bạn thường hôn như thế trên mặt bạn, hoặc khi bạn hôn bà nội yêu thương của bạn.
Tuy nhiên, những nụ hôn thuần khiết cũng có thể ẩn giấu những mối quan hệ lãng mạn. Nếu bạn thường thấy cuối cùng mình nhận được những nụ hôn thuần khiết của đối tượng, Carolyn Finch, chuyên gia giao tiếp và là một tác giả, nói đây thực sự có thể là “cử chỉ giống như một người cha, cho thấy anh ấy muốn chăm sóc bạn.” Tuy nhiên, có lẽ bạn không muốn mối quan hệ của mình bị mất đi tính lãng mạn. Finch khuyên bạn nên cải thiện thói quen tạm biệt của mình để tránh trao đổi những nụ hôn chỉ ở trên má mà thôi.
Nụ hôn thiên thần
Patti Wood, một chuyên gia ngôn ngữ cơ thể, nói rằng nụ hôn này bao gồm “chạm nhẹ vào mắt bạn tình bằng đôi môi của bạn”. Rất giống như một nụ hôn lên má, nụ hôn thiên thần không phải là cái hôn kêu thành tiếng, nhưng nó cũng không phải là nụ hôn thuần khiết.
Wood nói rằng nếu “nụ hôn lên má” có thể là một “cách chào hỏi thân thiện”, thì nụ hôn thiên thần “là một biểu lộ rất quan tâm và yêu thương”. Cô nói tiếp: “Đây là một kiểu hôn rất dịu dàng, ngọt ngào”.
Nụ hôn Eskimo
Nụ hôn Eskimo không giống như nhiều kiểu hôn khác vì nó không thực sự liên quan đến miệng. Trong văn hóa phương Tây, nụ hôn của người Eskimo có nghĩa là dụi mũi bạn vào mũi của người khác. Thuở nhỏ, có thể bạn đã trao đổi kiểu hôn này với cha mẹ bạn, nhưng nó không phải là nụ hôn dành cho người trong gia đình. Trên thực tế, nhà tâm lý học Holly Richmond nói rằng kiểu hôn này có thể rất thân mật. “Bạn phải rất thân mật với người ấy, có thể bạn đang nhìn vào mắt họ, hay nhắm mắt lại và cảm nhận hơi thở của họ”.
Kiểu hôn này được cho là xuất phát từ thứ mà người Eskimo gọi là kunik, và nó thực sự thiên về mùi hơn là sự đụng chạm.
Nụ hôn bướm
Nụ hôn bướm là gì? Về cơ bản, kiểu hôn này là sự pha trộn giữa nụ hôn thiên thần và nụ hôn kunik. Giống như nụ hôn của người Eskimo, nụ hôn bướm không thực sự liên quan đến đôi môi, và giống như nụ hôn thiên thần, nó liên quan đến đôi mắt. Katia Loisel, một chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể, đã tóm tắt làm thế nào để trao một nụ hôn bướm như sau: “Đưa hàng lông mi của bạn chạm vào hàng mi đối tượng của bạn, hoặc đưa khuôn mặt và lông mi của hai bạn lại với nhau cho đến khi lông mi của các bạn rung lên với nhau”.
Nụ hôn bất ngờ
Trên trang web của mình, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Patti Wood đã trình bày chi tiết về một nụ hôn bất ngờ. “Hãy hôn đối tượng của bạn khi họ không mong đợi điều đó. Chẳng hạn: giữa lúc nấu bữa tối cùng nhau, vươn người qua bàn ăn, ngay sau khi bạn lên xe, hoặc ngay sau khi bạn đánh răng”, cô viết. Kiểu hôn này thường được cho là lãng mạn và thèm khát.
Giáo sư tâm lý học Maryanne Fisher, cũng là thành viên của Chương trình nghiên cứu về giới tính và phụ nữ thuộc Đại học Saint Mary ở Halifax (Canada), gọi những nụ hôn này là những nụ hôn “bị đánh cắp”. “Các phương tiện truyền thông thường xuyên cho chúng ta thấy những nụ hôn ‘bị đánh cắp’, trong đó người bị hôn đơn giản là không thể phản ứng gì được”.
Hôn lên trán
Mặc dù bạn có thể không nghĩ gì mấy đến một nụ hôn trên trán, nhưng nó đã thúc đẩy rất nhiều cuộc trò chuyện giữa các chuyên gia. Nhà tâm lý học và trị liệu tình dục Holly Richmond cho rằng những nụ hôn trán biểu lộ sự trắc ẩn và yêu thương. Cô nói: “Tuy nụ hôn trán không đúng kiểu, nhưng nó đáng nhớ hơn”. Tuy nhiên, có những chuyên gia không đồng ý.
Terri Orbuch, nhà trị liệu hôn nhân, giáo sư tại Đại học Oakland ở Michigan, đồng thời là tác giả của quyển 5 bước đơn giản đưa cuộc hôn nhân của bạn từ tốt đẹp đến tuyệt vời tin rằng thực sự đó không phải là một cử chỉ ngọt ngào. “Cá nhân tôi nghĩ rằng đúng hơn đó là dấu hiệu của quyền lực và địa vị đối với người hôn”, bà tiết lộ. “Cha mẹ làm điều đó với trẻ em, người già làm điều đó với những người trẻ hơn, nhỏ hơn. Hoặc nó có nghĩa là tôi có một cái gì đó hơn bạn”.
Hôn miệng vẫn ngậm lại
Một nụ hôn ngậm miệng có thể hàm chứa những điều tốt đẹp, theo chuyên gia về hôn và ngôn ngữ cơ thể Katia Loisel. “Nó nói rằng: Tôi thực sự thích bạn, tôn trọng bạn, và tôi sẽ đi theo sự dẫn dắt của bạn”, cô tiết lộ.
“Trong giai đoạn đầu tán tỉnh, một nụ hôn với miệng còn khép lại được sử dụng để thăm dò, cho thấy anh ấy vẫn thận trọng và không thoải mái khi tiếp cận một cách thân mật”, Loisel giải thích. Tuy nhiên, nếu nụ hôn kín miệng trở thành hình thức hôn chủ yếu trong mối quan hệ lâu dài, điều này cho thấy rằng mối quan hệ còn cần thêm một số bước phải chinh phục.
Hôn mở miệng
Mặc dù bạn có thể nhầm lẫn một nụ hôn mở miệng với một nụ hôn kiểu Pháp, nhưng chúng không giống nhau. Trong trường hợp của một nụ hôn mở miệng, lưỡi là một lựa chọn. Tuy nhiên, thường thì một nụ hôn mở miệng rốt cuộc sẽ dẫn đến tác động của chiếc lưỡi.
Mặc dù nụ hôn mở không được công nhận nhiều như hôn kiểu Pháp, nhưng chuyên gia hôn Katia Loisel nói “một nụ hôn mở trên môi” vẫn nói rằng “Tôi rất thích bạn và thật khó cưỡng muốn hôn bạn!”
Hôn kiểu Pháp
Nụ hôn kiểu Pháp có thể là nụ hôn được biết đến nhiều nhất, nhưng bạn có biết nụ hôn này có tên như thế nào không? Theo Public Radio International, nụ hôn của người Pháp đã có tên vào đầu những năm 1900 vì vào thời đó, người Pháp đã “nổi tiếng với những thực hành tình dục táo bạo và đam mê”. Nhưng mãi đến năm 2014, từ “galocher” (hôn với lưỡi) mới được thêm vào từ điển. Mặc dù không hẳn dành riêng cho người Pháp, nhưng mọi người trên thế giới đã chấp nhận phong cách hôn này.
Chris Donaghue, nhà tâm lý học lâm sàng và nhà tình dục học tại California, nói rằng đó là những gì chúng ta thực sự muốn nói khi chúng ta hôn người ấy theo cách này. “Khi một người Pháp hôn ai đó, người ấy đang nói ‘Tôi yêu bạn. Tôi muốn gắn bó sâu đậm hơn với bạn.’“ Bởi vì bạn đang cố gắng truyền đạt tất cả những điều đó với đối tượng của mình, vì vậy điều quan trọng là không nên quá bận tâm về kỹ thuật.
Hôn cắn
Nụ hôn cắn không chỉ dành cho… ma cà rồng. Nhà tâm lý học và trị liệu tình dục Holly Richmond nói rằng hôn cắn có thể là một chuẩn mực. Tuy nhiên, cô cảnh báo rằng đó là điều bạn nên tiếp cận từ từ. Nếu nó được đánh giá cao, đây có thể là một hình thức thú vị để gắn kết với đối tượng của bạn.
Jane Greer, nhà trị liệu hôn nhân và tình dục ở New York, nói: “Đó là một cách để nói rằng bạn mong mỏi người tình của mình nhiều như thế nào.” Đúng như lời khuyên của Richmond, Greer đề nghị hãy tiếp cận nhẹ nhàng. Bằng cách này, đối tượng của bạn sẽ trải nghiệm “cắn là một cái gì tích cực và vui tươi” và ngược lại, bạn biết đấy, thật là đáng sợ!
Hôn trên đỉnh đầu
Nếu bạn cho rằng nụ hôn trên đỉnh đầu là một cử chỉ ngọt ngào thì xin nói thật với bạn: điều đó cũng còn tùy. Nụ hôn trên đầu hoặc tóc là một cử chỉ nuôi dưỡng và thân mật, thể hiện tình cảm, sự che chở và bộc lộ một mối quan hệ tình cảm gần gũi. Nó nói, “Tôi ở đây là dành cho bạn”, Katia Loisel, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể và hôn giải thích.
Nghe có vẻ hay đấy, phải không? Tuy nhiên, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể Patti Wood cho biết nụ hôn này cũng có thể là một lá cờ đỏ trong một mối quan hệ lãng mạn. Vì điều đó có nghĩa là anh ấy bắt đầu nghĩ bạn giống như một người em gái nhỏ hơn là một đối tượng của ái tình.
Hôn trên vai
Nếu “người ấy” của bạn hôn lên vai bạn, đó là một dấu hiệu tốt, theo chuyên gia về hôn và ngôn ngữ cơ thể Katia Loisel. Cô nói rằng nụ hôn trên vai là dấu hiệu của sự thân mật cả về cảm xúc lẫn thể xác. Không nói nên lời, nhưng nụ hôn trên vai đã nói lên nhiều điều. Nó nói: “Tôi muốn được gần gũi bên bạn”, Loisel tiết lộ.
Hôn khắp người
Mặc dù hầu hết các kiểu hôn đều nhắm vào một khu vực nhất định trên cơ thể người, nhưng nụ hôn không chỉ giới hạn ở một phần của cơ thể. Cố vấn quan hệ David Bennett nói: nếu đối tượng của bạn thích hôn khắp người bạn, nó nói lên những điều tốt đẹp về mối quan hệ của bạn. “Nụ hôn toàn thân cho thấy đối tượng của bạn quan tâm đến sự gợi cảm của bạn và bạn rất thu hút”.
Theo: Doanhnhanplus