Tên gọi của nhiều quốc gia ngày nay không lâu đời như bạn tưởng. Một số chỉ mới được thay đổi trong vòng chưa đầy 100 năm, thậm chí có nơi mới thay trong năm 2020 mà thôi.
Trên thế giới hiện tại có 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, tất cả đều có tên trên bản đồ. Nhưng bạn biết không, trong số này không phải quốc gia nào cũng có tên gọi giống như thời điểm mới được thành lập đâu, dù chúng ta chỉ tính trong lịch sử hiện đại thôi.
Vì rất nhiều lý do như phân tách lãnh thổ, chiến tranh, thay đổi chính phủ, hoặc đơn giản chỉ là để… phát âm cho dễ hơn, nhiều quốc gia đã quyết định “thay tên đổi họ”. Một số đã thay đổi từ hàng trăm năm trước, nhưng số khác chỉ thay đổi gần đây, thậm chí là rất gần luôn. Và cái giá phải trả cho sự thay đổi này cũng không hề rẻ một chút nào, bởi đó không đơn giản là một cái tên.
Không chỉ để có một danh xưng dễ gọi hơn, mà mọi thứ đều phải thay đổi theo cái tên ấy. Từ Hiến pháp, văn phòng phẩm trong các cơ quan chính phủ, bản đồ, quốc kỳ, quốc ca… tất cả những thứ gắn với cái tên cũ đều phải thay mới, kể cả tiền mặt đang lưu hành. Ước tính khi thay đổi tên gọi, một quốc gia sẽ phải tiêu tốn hàng triệu dollar, và dĩ nhiên là tốn rất nhiều thời gian.
Chưa kể, người dân sẽ phải dần quen với tên gọi mới. Việc “thay tên đổi họ” không thể đột ngột được tiến hành, mà cần một quá trình dài. Người dân có thể cảm thấy bức xúc, tự hỏi liệu có cần phải đổi hay không. Nhưng rồi rốt cục, họ sẽ phải học cách chấp nhận chúng.
1. Hà Lan không còn là “Hà Lan” nữa
Trong tiếng Việt, Hà Lan vẫn sẽ luôn là Hà Lan, nhưng với người Hà Lan thì khác.
Trên thực tế, từ lâu người Hà Lan biết đến quốc gia của họ qua 2 cái tên: Holland và Netherland. Nguyên nhân của cái tên Holland đến từ 2 tỉnh phía tây, có tên Bắc Holland và Nam Holland. Và để thống nhất các tỉnh, năm 2019 Hà Lan quyết định thay đổi tất cả thành Netherland. Không còn Nam hay Bắc “Holland” nữa, mà chỉ là Netherland mà thôi.
Quyết định này được áp dụng vào tháng 1/2020, kéo theo rất nhiều thay đổi – như tên gọi của đội tuyển quốc gia. Mà tóm lại thì trên bản đồ quốc tế, giờ sẽ không còn cái tên “Holland” nữa, mà là “Netherland”.
2. Ceylon thành Sri Lanka
Ceylon là cái tên được thực dân Bồ Đào Nha đặt tên cho vùng đất họ phát hiện ra vào năm 1505. Đế chế Anh sau đó xâm chiếm vùng đất này, và mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi Ceylon giành lại độc lập vào năm 1948.
Sau đó 1 năm, quốc đảo Ceylon quyết định đổi tên thành Sri Lanka. Tuy nhiên phải mãi đến năm 2011, toàn bộ những gì có nhắc đến Ceylon – bao gồm các cơ quan, thể chế cho đến doanh nghiệp mới bị bắt buộc thay đổi. Ceylon biến mất, chỉ còn Sri Lanka mà thôi.
3. Miến Điện – Myanmar
Năm 1989, chính phủ Miến Điện (Burma) quyết định đổi tên quốc gia thành Myanmar, nhằm gìn giữ chữ viết và ngôn ngữ truyền thống của họ: tiếng Myanmar, hay còn gọi là Burmese.
Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải ai cũng ủng hộ. Bởi vậy mà ngày nay, một số khu vực trên thế giới vẫn còn lưu hành cái tên Burma.
4. Siam – Thái Lan
Trước kia, quốc gia Đông Nam Á này có tên là Siam. Năm 1939, nhà vua trị vì Siam mới quyết định đổi tên thành Thái Lan (Thailand).
Trong ngôn ngữ địa phương, “Thailand” được phát âm là “Praphet Thai”, nghĩa là “đất nước của những người tự do”, với mục đích tri ân và vinh danh những người định cư đầu tiên đến đây để kiếm tìm sự tự do từ nước ngoài.
5. Đức Tây Nam Phi thành Namibia
Sau khi giành lại độc lập từ tay người Đức, năm 1990 quốc gia Tây Phi này đổi tên từ Tây Phi Đức (German South West Africa) thành Namibia. Trong vài năm kế tiếp, tên thành phố và vùng theo tiếng Đức cũng hoàn toàn bị thay thế.
Và cũng giống như các trường hợp thay tên đổi họ khác, người Namibia ban đầu cũng chẳng thích quyết định này, bởi họ đã quá quen thuộc với tên cũ rồi.
6. Bang tự do Irish – Ireland
Năm 1937, để thoát khỏi hoàn toàn ảnh hưởng của Vương quốc Anh sau cuộc chiến kéo dài 2 năm, chính quyền Bang tự do Irish (Irish Free State) quyết định đổi tên thành Ireland. Trong tiếng địa phương, cái tên này được phát âm là Éire.
Theo: Baodansinh