Với nhiều ưu thế như tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai nhanh, không bị yếu tố địa lý hạn chế khi tiếp cận với khách hàng…, theo các chuyên gia, chợ ảo đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn, nhưng cần giảm thiểu mặt trái của loại hình chợ này.
Từ “chợ ảo” thành chợ thực
“Với một người mới khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ, cái khó nhất là vốn, mặt bằng và thị trường. Tuy nhiên, kinh nghiệm trên thế giới cùng những bài học thành công tại Việt Nam đang cho thấy, vượt qua những trở ngại này không khó, nếu người kinh doanh biết tận dụng tối đa các mô hình “chợ ảo”- thương mại điện tử” – ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Facebook tại khu vực Đông Dương, chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp công nghệ mở lối thị trường, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức.
Ông Tước dẫn ra một loạt ví dụ thành công từ bước khởi nghiệp là bán hàng qua “chợ ảo”, cũng như từ “chợ ảo” chuyển thành chợ thực. Chẳng hạn, chủ nhân của trang fanpage Saigon Flea Market đã tận dụng hiệu quả các tính năng của thương mại điện tử, để tìm kiếm những người bán hàng mới và thu hút thêm khách ghé thăm và mua sắm trên “chợ ảo”.
Từ sự thành công này, chủ nhân của “chợ ảo” này đã biến Saigon Flea Market thành thương hiệu cho các phiên chợ thực, mà đến nay mỗi phiên chợ thu hút khoảng 150 người bán hàng, với lượng khách hàng khoảng 2.000 người…
Ông Lê Đức Anh, Phó trưởng phòng phát triển dịch vụ trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương chia sẻ câu chuyện: “Tôi có một người bạn trước đây là trưởng phòng kinh doanh của một siêu thị điện máy ở Hà Nội. Hơn một năm qua, anh phát hiện xu hướng mua hàng có sự thay đổi nhanh, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm hiểu thông tin và mua hàng qua mạng. Sau đó anh bỏ việc ở siêu thị điện máy và mở một công ty chuyên bán điện thoại qua mạng. Hiện Công ty có 15 nhân sự, nhưng bán được 1.000 điện thoại/tháng, với doanh thu khá ấn tượng là 1,2 tỉ đồng/tháng. Một trong những lý do thành công là anh chi 10 triệu đồng/tháng để quảng cáo bán hàng qua Facebook…”.
Ông Anh cũng cho biết thêm theo số liệu điều tra của Google và Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 35 triệu người sử dụng internet, trong đó 56% đã từng mua hàng online, số còn lại chưa mua, nhưng sẵn sàng mua. Các mặt hàng bán tốt nhất qua mạng là: thời trang, đồ điện tử, hàng gia dụng…
Quan điểm của cơ quan quản lý là ngày càng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Một trong những minh chứng cho nỗ lực này là trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, ngày 13-11, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức “Ngày mua sắm trực tuyến”, lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam vào ngày 5-12 tới.
Đến nay, chương trình này đã thu hút hơn 500 DN đăng ký tham gia, trong đó có nhiều website bán hàng online lớn nhất Việt Nam. Sự kiện này được tổ chức dựa trên kinh nghiệm thành công của nhiều nước, qua đó, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh hơn trong những năm tới.
Giảm thiểu mặt trái
Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, nhất là các hình thức bán hàng qua mạng đã bộc lộ nhiều mặt tiêu cực, mà như “điểm mặt” của Bộ Công thương là bán hàng giả, hàng nhái, lừa đảo người tiêu dùng…
“Tuy Thông tư 12-2013 của Bộ Công Thương quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến website thương mại điện tử, mới có hiệu lực hơn một năm nay, nhưng để kịp thời bịt những lỗ hổng pháp lý hiện tại, đồng thời giảm thiểu các hành vi tiêu cực do sự biến tướng quá nhanh của các hình thức bán hàng online, Bộ Công Thương đang sửa đổi thông tư này ngay trong năm nay…” – ông Lê Đức Anh nói và cho biết thêm, chỉ hơn 1 năm qua, có tới hơn 6.000 DN đăng ký website điện tử bán hàng qua mạng, nên đi kèm với khuyến khích phát triển thương mại điện tử, quan điểm của Bộ Công Thương là sẽ siết chặt việc quản lý, giám sát hoạt động của các website bán hàng qua mạng, để giảm thiểu các hành vi gian dối, lừa đảo người tiêu dùng.
Theo đó, ngoài các chế tài cụ thể sẽ được bổ sung vào thông tư sửa đổi Thông tư 12/2013, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đang phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương xây dựng website tiếp nhận ý kiến từ người dân phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm của các website bán hàng online; đồng thời, cơ quan quản lý đưa ra các tín hiệu cảnh báo, để người tiêu dùng biết và tránh các rủi ro có thể phát sinh khi mua hàng qua mạng.
Theo: tinnhanhchungkhoan