277
Toàn bộ công trình với kiến trúc đặc biệt bao gồm cả nhà hát được đầu tư với chi phí khủng và được xác nhận kỷ lục Việt Nam.
Nhắc đến những điểm du lịch nổi tiếng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, du khách thường nhớ tới Cần Thơ với bến Ninh Kiều, với chợ nổi sông nước, tới Bến Tre với cây dừa nghiêng bóng hay tới đất mũi Cà Mau. Tuy nhiên, ít ai biết rằng ở khu vực này cũng có một Bạc Liêu vô cùng trù phú.
Bạc Liêu là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Bạc Liêu, nằm ở phía đông bắc tỉnh, bên bờ rạch cùng tên. Thành phố Bạc Liêu cách thành phố Cần Thơ khoảng 110km và đất mũi Cà Mau khoảng hơn 50km.
Bên cạnh những đặc điểm đặc trưng của miền Tây sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ở Bạc Liêu còn có một nhà hát sở hữu kiến trúc rất đặc biệt. Đó là nhà hát Cao Văn Lầu cùng khu vực Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu.
Nhà hát Cao Văn Lầu với kiến trúc độc đáo.
Công trình được hoàn thành xây dựng vào năm 2014, tại Quảng trường Hùng Vương, phường 1, thành phố Bạc Liêu, bao gồm khối nhà hát, nhà trưng bày và Trung tâm Hội nghị. Nhà hát Cao Văn Lầu ra đời để bày tỏ lòng tôn kính, biết ơn đối với cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài ca “Dạ cổ hoài lang”. Đây cũng là một trong những bài ca độc đáo và nổi tiếng nhất của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Kiến trúc mái nhà hình nón lá Điều khiến công trình nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ trong chuyến hành trình ghé thăm Bạc Liêu còn nằm ở kiến trúc độc đáo của nó. Đó là thiết kế mái nhà hình 3 chiếc nón khổng lồ chụm vào nhau. Kiến trúc mái này còn được xác lập kỷ lục là “Nhà hát có hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”. Hình ảnh nón lá là biểu tượng của văn hóa phương Nam nói riêng cũng nói chung Việt Nam nói riêng. Thêm vào đó, ý nghĩa của việc 3 mái nhà nón lá chụm lại với nhau còn sâu sắc hơn thế, khi nó là biểu tượng cho 3 dân tộc ở Bạc Liêu, đó là người Kinh – người Hoa – người Khmer. Nó thể hiện cho tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em với nhau.Kiến trúc mái khi nhìn từ trên cao. (Ảnh Nhà hát Cao Văn Lầu)
Theo thông tin trên Tạp chí Kiến trúc, kiến trúc sư (KTS) Vương Hoàng Lê chia sẻ: “Khi nhận lời mời thiết kế Nhà hát Cao Văn Lầu nhân sự kiện Bạc Liêu đăng cai tổ chức Festival công nhận Đàn ca tài tử là di sản văn hóa thế giới, tôi đã có cơ hội tìm hiểu về mảnh đất giàu chất văn hóa này, tìm hiểu về bộ môn cải lương đã thấm đẫm trong dòng máu của người dân nơi đây. Với mong muốn thiết kế một công trình nhà hát truyền tải được những giá trị văn hóa lịch sử nhưng đồng thời cũng phải thật quen thuộc gần gũi, hình ảnh chiếc nón lá duyên dáng của người nông dân trên cánh đồng đã trở thành nguồn cảm hứng cho phương án thiết kế. Bởi lẽ, không gì gần gũi hơn với người dân Việt Nam là chiếc nón lá từ lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt và cả trong thơ ca…” 3 chiếc nón là là 3 tòa nhà khác nhau, trong đó có 2 chiếc nón lớn đặt úp vào nhau, chiếc còn lại thì nhỏ ra, tạo ra sự cân bằng. Việc này tạo ra sự hài hòa cho tổng thể mặt bằng chung, có khối chính và khối phụ.Hình ảnh quá trình lên bản vẽ thiết kế và thi công công trình mái nón lá đặc biệt. (Ảnh Tạp chí Kiến trúc)
Tổng diện tích cả khu vực khuôn viên và nhà hát lên tới 2.262m2. Bên cạnh hình ảnh 3 chiếc nón lá khổng lồ, không gian nhà hát Cao Văn Lầu còn được tô vẽ thêm bởi rặng dừa phía sau hay hồ sen phía ngay trước khu nhà hát chính. Giữa hồ là lối đi uốn cong theo suốt chiều dài hồ, dẫn du khách vào khu vực tham quan. Vào buổi tối, khu vực mặt nước của hồ còn được khai thác hiệu ứng ánh sáng để hình ảnh cả nhà hát hiện lên lung linh, huyền ảo hơn. Hiện nay, nhà hát Cao Văn Lầu thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, bao gồm các bộ môn như cải lương, dù kê, ca múa nhạc tổng hợp truyền thống và đương đại để phục vụ người dân bản địa cũng như du khách.Công trình vào ban đêm vô cùng đẹp mắt khi có thêm hiệu ứng ánh sáng.
Thông qua những hoạt động này, bên cạnh tính giải trí, nhà hát cũng muốn bảo tồn, truyền nghề và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc. Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhờ việc kết nối với các công ty lữ hành, nhà hát Cao Văn Lầu còn xây dựng một số chương trình nghệ thuật tổng hợp, phục vụ riêng từng nhóm nhu cầu.Các tiết mục biểu diễn ở nhà hát Cao Văn Lầu phục vụ du khách. (Ảnh Lữ hành Việt Nam)
Những điểm đến không thể bỏ lỡ khác khi đến Bạc Liêu Để di chuyển đến Bạc Liêu, nếu xuất phát từ TP HCM hay các tỉnh nằm cùng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, du khách có thể đi xe khách. Còn nếu đi phương tiện máy bay, thì đáp tại sân bay Cà Mau, rồi tiếp tục đi xe khoảng 50km để đến Bạc Liêu. Bên cạnh nhà hát Cao Văn Lầu, trên hành trình du lịch tới Bạc Liêu, du khách cũng không thể bỏ lỡ những địa điểm tham quan khác đặc sắc không kém. Cái tên Công tử Bạc Liêu đã vô cùng nổi tiếng và được nhiều người biết đến, vì vậy, nhà của Công tử Bạc Liêu cũng trở thành một địa điểm du lịch được nhiều du khách ghé tới khi đến Bạc Liêu.Nhà công tử Bạc Liêu. (Ảnh Du lịch miền Tây)
Đây là khu nhà lưu niệm của Hắc công tử, nằm tại số 13, đường Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu. Khi đến đây, du khách sẽ được tham quan không gian nhà ở cùng những kỷ vật gắn liền với cuộc sống gia đình Công tử Bạc Liêu. Bên cạnh đó là lắng nghe những câu chuyện về cuộc đời người đàn ông vang danh xứ Nam một thời này. Cánh đồng điện gió thuộc Nhà máy điện gió Bạc Liêu cũng là một địa điểm du lịch mới ở Bạc Liêu được quan tâm trong thời gian gần đây. Khu vực này cách trung tâm thành phố khoaneg 20km, có những trụ turbine như những chiếc chong chóng khổng lồ.Cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu. (Ảnh Du lịch miền Tây)
Nhà máy là nơi thúc đẩy khai thác nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, đồng thời là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của Bạc Liêu bởi khung cảnh hùng vĩ, đẹp mắt. Nó đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn về bức tranh du lịch của tỉnh, không bị trùng lặp với những địa phương khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo thông tin trên Báo Hà Nội Mới, trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, nơi đây thu hút khoảng 200 nghìn lượt khách tham quan mỗi năm. Là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa tín ngưỡng, Bạc Liêu cũng sở hữu rất nhiều công trình tôn giáo ấn tượng. Trong số đó có thể kể tới là tượng Phật Bà Nam Hải và chùa Xiêm Cán. Tượng Phật Bà Nam Hải nằm trong Quan Âm Phật Đài, tọa lạc tại khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, cách thành phố Bạc Liêu 8km về hướng ra biển Đông. Trải qua nhiều năm di dời, cải tạo và sửa chữa, mở rộng, đến năm 2005 – 2006, nơi đây được bổ sung thêm nhiều công trình phụ xung quanh để phục vụ nhu cầu tham quan, tín ngưỡng của du khách cũng như người dân bản địa.Lễ hội Quan Âm Nam Hải thu hút đông đảo khách du lịch vào tháng 3 Âm lịch hàng năm. (Ảnh Du lịch miền Tây)
Vào ngày 22, 23 và 24 tháng 3 Âm lịch hàng năm, ở Quan Âm Phật Đài còn tổ chức lễ hội Quan Âm Nam Hải. Đây cũng chính là một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu. Còn chùa Xiêm Cán là ngôi chùa Khmer có kiến trúc độc đáo, tinh xảo, và được mệnh danh là ngôi chùa Khmer đẹp nhất Bạc Liêu cũng như vùng Nam bộ. Chùa cách trung tâm thành phố khoảng 7m, tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Thạch Đông. Đây cũng là tuyến đường kết nối nhiều điểm đến nổi tiếng ở Bạc Liêu. Dựa theo ghi chép trên bia đá được tạc bằng chữ Khmer cổ ở hai mặt trước và sau đặt bên phải chính điện; thì chùa Xiêm Cán được khởi công xây dựng vào ngày 7 tháng 5 dương lịch năm 1887.Chùa Xiêm Cán, ngôi chùa được mệnh danh là chùa Khmer đẹp nhất Bạc Liêu. (Ảnh Du lịch miền Tây)
Chùa Xiêm Cán nói riêng và tất cả các ngôi chùa thuộc hệ thống chùa Khmer Nam Bộ nói chung mang đậm một dấu ấn kiến trúc Angkor Khmer – Campuchia. Đó là cấu trúc mái chồng lên nhau, tạo thành không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Trên các nếp mái lại đắp các tượng rồng Khmer, đầu rồng dạng kép, thân rồng nằm xoãi và đuôi rồng thì uốn cong ngược lên như những ngọn lửa. Chính những nét đặc sắc như vậy, đã khiến cho du khách khi tới Bạc Liêu, muốn tìm hiểu về tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer, không thể bỏ lỡ địa điểm này.Nguồn: soha