KOC là chiến dịch có thể sử dụng bởi tất cả các doanh nghiệp, thậm chí cả những cá nhân, doanh nghiệp ở vùng xâu, vùng xa để tăng tỷ lệ tiếp cận khách hàng và doanh số.
Vài năm trước, khái niệm KOL (Key opinion leader) hay còn gọi là “người có sức ảnh hưởng” được nhắc đến thường xuyên trong các chiến dịch marketing trên mạng xã hội, thì nay, cụm từ đó đang dần được thay thế bằng KOC (Key Opinion Consumer), tức những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường.
Nếu KOL thường là người nổi tiếng, có hàng triệu fan và phù hợp với các chiến dịch làm thương hiệu thì KOC lại là những người trực tiếp sử dụng sản phẩm, từ đó hướng dẫn, chia sẻ trải nghiệm, đánh giá,…tới người xem. KOC có thể không nổi bật như KOL nhưng họ có thể vừa làm thương hiệu, vừa bán hàng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội.
“Ví dụ với Tik Tok, các nhà sáng tạo nội dung trên Tik Tok có khi chỉ là những con người bình thường, họ là nông dân, thợ hồ, là những người bán sản phẩm bên lề đường,…Nhưng bằng các nội dung sáng tạo, họ có thể trở thành KOC với hàng triệu người theo dõi”, ông Dũng Bùi, Giám đốc kinh doanh và chiến lược Accesstrade Vietnam, chia sẻ tại Hội thảo về thúc đẩy cơ hội kinh doanh thông qua công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại vùng sâu, vùng xa, do Bộ Công Thương tổ chức gần đây.
“Các doanh nghiệp ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể tận dụng xu hướng mới này, biến một số nhân công tiềm năng thành các nhà sáng tạo nội dung, thành các KOC mang thông điệp sản phẩm qua các kênh như Tik Tok, Insgram, Facebook Reel”, ông Dũng nói thêm.
Chiến lược sử dụng KOC của hãng mỹ phẩm Perfect Diary tại thị trường Việt Nam. |
Theo đại diện Accesstrade, hành vi của khách hàng đang thay đổi cùng với thời gian, đặc biệt là nhóm Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012). Người dùng Internet thế hệ trước từng tìm kiếm thông tin qua Google thì nay, Gen Z dùng Tik Tok, Facebook,…để tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ họ mong muốn. Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung vào Google, vào SEO như trong quá khứ, họ sẽ không tiếp cận được nhóm đối tượng lớn và đầy tiềm năng là Gen Z.
Ngoài ra, nhìn trên bình diện thế giới, năm 2022, số tiền dự kiến chi vào các kênh truyền thông mạng xã hội khoảng 990 tỷ USD nhưng đến 2026, con số này có thể lên tới hơn 3.000 tỷ USD. Đây là xu hướng không nên bỏ qua, đặc biệt với một số kênh mới như Tik Tok Shop, Dũng Bùi cho rằng càng tham gia sớm, doanh nghiệp càng dễ tạo những nội dung phù hợp.
“1-2 năm nữa, khi nhiều đơn vị cùng quan tâm và tham gia, cuộc chơi chắc chắn sẽ khó hơn nhiều. Nếu trở thành người đến sau, thách thức và chi phí các doanh nghiệp cần bỏ ra cũng lớn hơn. Kể cả với các doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa, tôi cho rằng đây là cơ hội giúp họ tiếp cận đối tượng khách hàng mới và bán hàng tốt hơn”, đại diện Accesstrade nhìn nhận.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt xu hướng KOC để bán các sản phẩm của mình. Ông Dũng cho biết tại Trung Quốc, một KOC là Vi Á từng bán thành công cả tên lửa qua hình thức livestream. Hay tại Việt Nam, thông qua việc sử dụng KOC, doanh nghiệp có thể kiếm được doanh thu hàng trăm triệu đồng chỉ thông qua một buổi livestream.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt làn sóng marketing mới này, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra với các doanh nghiệp như thiếu nhân sự triển khai, khi muốn triển khai thì không biết nên đầu tư vào kênh online nào, chi phí ra sao, các nguồn lực phân bổ vào các kênh thế nào,…Ngoài ra trên thị trường cũng tồn tại vô số KOC, làm sao để chọn ra KOC phù hợp và bán tốt các sản phẩm của mình cũng là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm.
Theo: baodautu