Với tài năng kinh doanh thiên bẩm, Bernard Arnault đã gây dựng nên ‘đế chế’ LVMH – tập đoàn sở hữu những thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton , Tag Heuer, Christian Dior, Celine.
Bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes |
Tính đến sáng 9/12, tỷ phú Bernard Arnault và gia đình dẫn đầu bảng xếp hạng tỷ phú thế giới theo thời gian thực của Forbes, với khối tài sản ròng trị giá 186,6 tỉ USD.
Trong khi đó, tỷ phú Elon Musk – CEO Tesla – đứng ở vị trí thứ 2, với khối tài sản ròng trị giá 185 tỉ USD.
Soán ngôi ‘người giàu nhất hành tinh’ của Elon Musk, Bernard Arnault là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton (LVMH) – tập đoàn sở hữu những thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Tag Heuer, Christian Dior, Celine.
Hành trình gây dựng ‘đế chế’ thời trang LVMH
Tỷ phú Bernard Arnault sinh năm 1949, trong một gia đình khá giả, có truyền thống kinh doanh tại Roubaix, Pháp. Cha ông là chủ sở hữu công ty xây dựng dân dụng Ferret-Savinel, còn mẹ là một tín đồ của Dior.
Ngay từ khi còn nhỏ, Arnault đã thể hiện được khả năng kinh doanh đáng nể. Sau khi tốt nghiệp École Polytechnique – trường kỹ sư hàng đầu của Pháp, Arnault bắt đầu làm việc cho công ty của cha.
Đến năm 1984, với số vốn 15 triệu USD mượn của gia đình, Arnault mua lại Agache-Willot-Boussac – công ty sở hữu cửa hàng bách hóa Bon Marche và nhà mốt Christian Dior.
Bốn năm sau, ông gây sốc báo chí Pháp khi sa thải 9.000 nhân viên, đồng thời bán hết mọi tài sản của Boussac, chỉ giữ lại Dior. Ngay sau đó, ông mua lại hãng thời trang Celine và tài trợ cho nhà thiết kế người Pháp Christian Lacroix.
Một số thương hiệu nổi tiếng thuộc tập đoàn LVMH (Ảnh: Harper Bazaar) |
Năm 1989, với số tiền kiếm được khi bán tài sản Boussac, ông quyết định chi 2,6 tỉ USD để mua cổ phần trong tập đoàn LVMH để trở thành cổ đông lớn nhất. Khi ấy, LVMH còn khá vô danh, được thành lập bởi Louis Vuitton và Moet&Chandon.
Năm 1999, Arnault lại để mắt đến một thương hiệu khác nổi tiếng nhất nhì thị trường: Gucci – công ty sản xuất đồ da của Ý, lúc đồ được điều hành bởi Tom Ford và Domenico De Sole.
Thông qua LVMH, Arnault đã âm thầm tích lũy cổ phần của Gucci, từ 5%, rồi nâng lên 15%, 27% và 34,4%. Động thái này dẫn đến cuộc tranh cãi giữa Arnault và nhà sáng lập Gucci Domenico
Nhà sáng lập Gucci đã tìm ra được kẽ hở luật pháp, cho phép ông phát hành thêm nhiều cổ phiếu nhằm pha loãng số cổ phần của Arnault.
Sau đó, Domenico đã đồng ý bán 42% cổ phần công ty cho PPR (nay là Kering). LVMH đã kiện lên tòa án Hà Lan vì cho rằng hành vi này phạm pháp, không thông qua sự đồng ý của cổ đông lớn. Rồi PPR kiện ngược lại, với Domenico cáo buộc LVMH hoạt động kinh doanh mờ ám.
Cuộc chiến pháp lý kéo dài đến tận năm 2001. LVMH sau đó bán đi toàn bộ cổ phần nắm giữ, thu về khoản lãi trị giá 700 triệu USD.
Bernard Arnault – Chủ sở hữu tập đoàn hàng hiệu LVMH |
Tham vọng thâu tóm Hermès
Đến năm 2013, Arnault gần như đã ‘càn quét’ các hãng thời trang xa xỉ châu Âu, mua lại hàng loạt các thương hiệu hơn như Bulgari (năm 2011) hay Loro Piana (năm 2013). LVMH được tin rằng đã nhắm tới Hermès trong hơn 1 thập kỷ qua.
Thương hiệu đồ da sang trọng, cực kỳ thành công ở Paris được điều hành bởi thế hệ thứ sáu của gia đình sáng lập, những người luôn bảo vệ quyết liệt để duy trì quyền kiểm soát. Dù công ty đã lên sàn năm 1993 nhưng gia đình này vẫn giữ 78% cổ phần.
LVMH gom mua 4,9% cổ phần Hermès thông qua các công ty con và tiếp tục tích lũy thêm bằng cách mua các công cụ phái sinh qua trung gian tài chính. Đến tháng 12/2011, con số này đã tăng lên 22,6%, khiến Patrick Thomas – khi đó là giám đốc điều hành Hermès – đã coi đây như một điều sỉ nhục.
Sau đó, Thomas đã yêu cầu LVMH bán bớt số cổ phần, chỉ giữ lại tối đa 10% nhưng Arnault phớt lờ, ông còn mua thêm cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 23,1%.
Trước diễn biến này, Hermès đưa LVMH ra toà. Năm 2014, toà án Pháp phán quyết buộc LVMH phải thanh lý số cổ phiếu này.
Arnault cuối cùng cũng phải chấp thuận, hoán đổi số cổ phiếu của Hermès như một phần của quá trình tái cấu trúc công ty, đồng thời mua 25% cổ phần của Dior chưa sở hữu.
“Ông ta không sợ va chạm, luôn biết đâu tính toán kỹ lưỡng và có tầm nhìn rõ ràng về dài hạn. Và ông ấy không ngại dẹp bỏ cái tôi để lấy được kết quả mình mong muốn”, Serge Carreira, giáo sư môn khoa học kinh tế ở Paris, chia sẻ.
Với những thành tựu của mình, Bernard Arnault được mệnh danh là “Con sói mặc cashmere” (the Wolf in Cashmere).
Những người con tài năng của Bernard Arnault
Arnault kết hôn với Anne Dewavrin vào năm 1973 và có với nhau hai người con. Họ ly thân vào năm 1990.
Chỉ một năm sau, ông tái hôn với Helene Mercier – một nghệ sĩ piano hòa nhạc người Canada.
Bernard Arnault có năm người con, trong đó Delphine và Antoine là con với người vợ đầu tiên và Alexandre, Frédéric, Jean là của người vợ hiện tại.
Người con gái cả Delphine được cho là người sẽ thừa kế ‘đế chế’ LVMH. Tháng 1/2019, ở tuổi 43, cô trở thành thành viên trẻ nhất gia nhập ban điều hành của LVMH. Hiện, Delphine đang là phó chủ tịch điều hành của Louis Vuitton.
Em trai của Delphine, Antoine Arnault, là CEO của nhãn hiệu quần áo nam Berluti và Chủ tịch nhãn hiệu cashmere Loro Piana, cả hai đều thuộc LVMH. Bên cạnh đó, Antoine còn được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận truyền thông và hình ảnh của tập đoàn vào tháng 6/2018.
Alexandre – con trai của Arnault và vợ hai – hiện là phó chủ tịch điều hành sản phẩm và truyền thông của Tiffany&Co từ khi LVMH mua lại thương hiệu này vào năm 2021. Trước đó, anh từng là giám đốc điều hành của Rimowa, một thương hiệu vali của Đức cũng do LVMH sở hữu.
Em trai của anh là Frédéric Arnault cũng gia nhập LVMH với tư cách giám đốc chiến lược và kỹ thuật của hãng đồng hồ xa xỉ đến từ Thụy Sĩ TAG Heuer từ năm 2018. Đến tháng 6/2021, Frédéric chính thức trở thành Giám đốc điều hành TAG Heuer.
Người con út của Arnault – Jean – cũng tham gia vào đế chế kinh doanh của gia đình từ năm ngoái khi mới 23 tuổi. Anh được giao chức vụ Giám đốc tiếp thị và sản phẩm ở bộ phận đồng hồ của Louis Vuitton vào tháng 8/2021./.
Theo: viettimes