Trang chủ Bài viết HOT Những vị sếp Gen Z

Những vị sếp Gen Z

bởi admin

Trong khi nhiều người còn đang đau đầu tìm hiểu tư duy và cách làm việc của những nhân viên Gen Z, ít ai nhận ra rằng thế hệ này cũng sẽ sớm trở thành sếp.

Dù hiện tại phần lớn người trẻ sinh sau năm 1996 vẫn ngồi trên ghế nhà trường hoặc chỉ mới bước chân vào thị trường lao động, một số người đã đi làm được vài năm và đã trở thành lãnh đạo, giữ các vị trí cao trong các doanh nghiệp.

Theo Rachele Focardi, Chủ tịch Ủy ban Lực lượng Lao động Đa thế hệ của Tổ chức Phát triển Con người ASEAN, khái niệm lãnh đạo đã có nhiều thay đổi kể từ thế hệ Millennials.

Thế hệ những người quản lý được cất nhắc và bổ nhiệm đã dần được thay thế bằng những người thực sự có tiếng nói, có năng lực và được tôn trọng vì sự toàn diện của mình.

Vậy sau những ồn ào về cách làm việc của nhân viên Gen Z, một vị sếp ở thế hệ này sẽ ra sao?

nhung vi sep gen Z anh 1
Người lao động thế hệ mới vẫn đang là vấn đề khiến nhiều nhà quản lý quan tâm. Ảnh: CNA.

Không muốn làm người dẫn đầu

Focardi cho biết: “Những bạn trẻ tôi nói chuyện để nghiên cứu tư liệu để viết sách cho thấy rằng họ hoài nghi ngay với chính từ ‘người lãnh đạo’. Theo họ, đây chỉ là một danh xưng được đặt cho những người không thật sự xứng đáng, thường là ở trường học. Những người này thường lấy đó làm tự hào, ra lệnh cho người khác và hiểu sai về năng lực cũng như tính trách nhiệm cần có”.

Đối với thế hệ Z, lãnh đạo không đơn thuần là một vị trí hay đặc điểm tính cách mà là một dạng trách nhiệm xã hội. Việc trở thành một người đứng đầu đồng nghĩa với chấp nhận thử thách để phục vụ và giúp đỡ người khác không kể lợi ích cá nhân. Và họ nên là một người biết cảm thông cũng như có tham vọng lớn.

Theo Focardi, với họ, năng suất là cách duy nhất để thăng tiến trong công việc chứ không phải dựa vào thời gian và tuổi nghề.

nhung vi sep gen Z anh 2
Yếu tố hòa đồng trở nên quan trọng hơn trong một môi trường có nhiều người trẻ. Ảnh: CNA.

Điều này đã bắt đầu được thay đổi kể từ thời của Millennials. Việc quản lý theo hình thức từ thấp đến cao được thay đổi thành sự hỗ trợ trong nhóm. Giới trẻ ngày nay tin rằng các nhà quản lý và nhân viên nên làm việc cùng nhau và không có sự phân cấp.

“Sự gần gũi là yếu tố nhiều người trẻ thời nay coi trọng, đây cũng là lý do vì sao họ không thích từ ‘sếp’. Một sinh viên tên Ellie nói với tôi rằng từ này làm em liên tưởng đến một người chỉ biết ra lệnh, nói nhiều hơn làm”, Focardi nói.

Bà bổ sung thay vì làm người dẫn đầu, Gen Z sẽ muốn được trở thành một phần của tập thể hơn. Việc trở thành quản lý không quá quan trọng với thế hệ này. Thậm chí, không ít người thấy việc chỉ huy, dẫn dắt người khác là điều đáng sợ, bởi họ cảm thấy như vậy sẽ làm mất kết nối và xa cách trong quan hệ với đồng nghiệp.

Ellie chia sẻ thêm: “Tôi không thích việc phải làm người phán xét các thành viên hay đánh giá hiệu quả làm việc của họ”.

Thay đổi cách làm việc

Tất cả sẽ đều bình đẳng trong một tổ chức được lãnh đạo bởi Gen Z. Người nắm vai trò điều hành sẽ tích hợp thông tin, hỗ trợ ra quyết định và điều phối các nhóm.

“Tính lãnh đạo sẽ dần trở nên vô hình”, Victor, nhà quản lý sự đổi mới, nói.

Focardi cho rằng thay vì lãnh đạo, họ sẽ trở thành người hướng dẫn, huấn luyện viên hay thậm chí là bạn, tạo ra cảm giác an toàn, khuyến khích tất cả thành viên đưa ra ý tưởng và ngay cả những nhân viên ít kinh nghiệm nhất cũng có thể đóng góp vào các quyết định. Sức khỏe tinh thần, cảm xúc và sự cân bằng giữa cuộc sống với công việc sẽ được tập trung hơn.

Bà nói thêm, nhưng không phải vì thế mà những vị sếp sinh ra trong thế hệ này sẽ là người mềm mỏng. Họ sẽ kỳ vọng nhiều hơn vào năng lực và tính xây dựng trong công việc. Cùng với đó là sự trung thành, cởi mở, sẵn sàng học hỏi và tôn trọng lẫn nhau.

nhung vi sep gen Z anh 3
Vẫn còn những nguy cơ tiềm ẩn từ tư duy làm việc mới của thế hệ Z. Ảnh: BBC.

Glory, đang là sinh viên, chia sẻ: “Chúng tôi mong mọi người có thể làm đúng được những gì mình đã cam kết. Chúng tôi tôn trọng mọi ý kiến từ nhân viên và cũng hy vọng họ sẽ tiếp thu những phản hồi một cách tích cực”.

Mặc dù có khả năng mang lại nhiều lợi ích, lối tư duy này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nó có thể thúc đẩy sự ỷ lại. Đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp hay khi xảy ra khủng hoảng cần một người đứng ra chịu trách nhiệm.

Bruce, nhân viên ngân hàng, bộc bạch: “Tôi không thích phải đưa ra quyết định cho những việc khó khăn, đối mặt với sự kỳ vọng hay xung đột. Và tôi cũng không muốn trở thành người đầu tiên bị tìm đến bất cứ khi nào có chuyện xảy ra”.

Tuy nhiên, phong cách lãnh đạo vẫn sẽ luôn thay đổi. Do đó việc hiểu, chấp nhận và thích nghi là không thể tránh khỏi.

Theo: zing

Có thể bạn sẽ thích