Trước thềm năm mới 2019, đã có nhiều ý kiến đề cập đến việc cần tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Về lý thuyết, sẽ là buồn cười nếu đến giờ này mà ta vẫn còn níu kéo cách tư duy điều hành ngắn hạn, theo kiểu “kế hoạch hóa” động lực tăng trưởng cho hàng năm. Trong thực tế, nên nhận thức đúng rằng động lực thúc đẩy tăng trưởng luôn là một tiến trình vận động và phát triển xuyên suốt, chỉ có ý nghĩa hiện thực hóa trên phương diện tầm nhìn chiến lược.
Triển lãm dệt – may tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa. |
Tất nhiên, cách ứng xử với hoàn cảnh mỗi thời điểm mỗi khác. Bối cảnh năm 2019 lại có một ý nghĩa khác biệt đáng lưu ý, đặc biệt khi mà “cuộc chơi lớn toàn cầu” đã thực sự ngày càng nóng hơn. Điển hình là Hiệp định CPTPP (TPP-11) bắt đầu có hiệu lực thi hành, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Trung – Mỹ vẫn căng thẳng chưa rõ hồi kết, thế giới tiếp tục chìm đắm trong xu thế giằng co nghiệt ngã, vừa hợp tác vừa chia rẽ, phân hóa ngày càng sâu sắc… Đây chính là thời khắc Việt Nam phải tự mình biết cân nhắc, đưa ra lựa chọn hợp lý, nhằm kiến tạo thế và lực mới.
Trước hết, cần khẳng định sẽ khó có thể duy trì một mô hình động lực tăng trưởng hiệu quả và bền vững nếu chúng ta không đánh thức, nuôi dưỡng và phát huy được tâm thế “không gì là không thể” trong cả cộng đồng dân tộc. Tâm thế này một mặt gửi đi một thông điệp rõ ràng về sức mạnh tiềm năng của mỗi người con đất Việt, là nền tảng quan trọng hơn mọi thứ để mang lại thành quả cho đất nước. Nhưng mặt khác, cũng bộc lộ một điều đáng buồn rằng, nếu đối chiếu với thực tế, chúng ta đã và đang bỏ lỡ, lãng phí rất lớn nguồn lực quý giá này. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tâm thế này phải trở thành triết lý phát triển chủ đạo, động lực dẫn dắt ý chí và quyết tâm, khát vọng vượt qua đói nghèo và lạc hậu, tôn vinh lòng tự tôn và tự hào dân tộc, xóa bỏ tự ti và mặc cảm để vươn xa tầm thế giới.
Trong mọi tình huống, người lãnh đạo phải luôn đi trước một bước. Nhìn sang nước láng giềng Malaysia. Năm 2018, nguyên Thủ tướng Mahathir bin Mohamad đã quay trở lại chính trường một cách ngoạn mục, nắm giữ cương vị cũ mà cách đây 15 năm ông đã chủ động từ chức, mặc dù lúc này đã bắt đầu bước qua tuổi 93. Thật khó mà tin nổi. Tuy nhiên, đây chính là sự tôn vinh và lựa chọn tối ưu của đại đa số công chúng đối với một chính khách uy tín, toàn tâm toàn ý, vì dân vì nước. Sự tái xuất của Mahathir đúng vào thời điểm đất nước bị chia rẽ sâu sắc, thời gian chấp chính có thể không quá dài (bởi ông đã tuyên bố trước đó rằng đến năm 2020 sẽ nhường quyền lãnh đạo lại cho người kế nhiệm Anwar Ibrahim), nhưng đủ sức để thu phục lại nhân tâm, sự đoàn kết, sức bật mới cho toàn thể quốc gia. Đây chính là bài học tâm đắc về sự vận dụng tâm thế “không gì là không thể” trong câu chuyện quản trị quốc gia. Lòng tin cần đặt đúng chỗ, sự nhất quán cần được chứng minh, bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất cho đến từng công dân, đó chính là sự bảo đảm vô giá cho mọi thành công.
Năm vừa qua cũng là thời kỳ chứng kiến sự thăng hoa chưa từng có của làn sóng tư duy khởi nghiệp (startup) và công nghệ 4.0. Nhìn bề nổi, có ý kiến cho rằng đó là do “thói quen” của dân mình, bản tính xởi lởi, thích mới, nới cũ, nhanh vui, chóng buồn… Nhiều người, từ dân thường cho đến giới trí thức, có thể phát biểu say sưa về chủ đề này, nhưng để có một cách nhìn chính thống, khoa học, quan trọng là mỗi người dân và cả dân tộc biết phải làm gì để tận dụng tối đa “thời cơ vàng”, đây vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải thỏa đáng.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận lại một cách sâu sắc, có thể thấy rằng hiện tượng thăng hoa khát vọng nói trên không đơn giản chỉ là trào lưu nhất thời, mà đó chính là biểu hiện của dòng chảy âm ỉ, ẩn chứa trong từng gen huyết quản, phản ánh rõ sức sống kiên trì và mạnh mẽ của các thế hệ người Việt từ bao đời nay, cũng như của cộng đồng doanh nhân nói riêng, đặc biệt là những doanh nhân trẻ, nhiều tri thức, đam mê và hoài bão.
Cũng đừng lo lắng quá về sự thành công hay thất bại. Bởi lẽ đối với mỗi thân phận, thậm chí cả một quốc gia, thì thất bại lớn nhất chính là không biết mạo hiểm để làm những gì cần phải làm.
Khát vọng chỉ có thể tồn tại và thăng hoa trong môi trường khai phóng mạnh mẽ. Quả bóng lúc này thực sự đang nằm ở phía các nhà quản lý. Họ cần phải biết trăn trở với sứ mệnh làm sao kiến tạo môi trường thể chế tốt nhất, nuôi dưỡng được nhiều nhất những khát vọng cháy bỏng này.
Bất kỳ động lực nào nói chung, trong đó có động lực tăng trưởng mà chúng ta đang bàn đến, luôn cần lắm sự đam mê, hết lòng hết sức vì mục tiêu đã chọn. Đó là điều kiện tiên quyết. Nếu không mọi khát vọng sẽ mãi dừng lại ở ước vọng mà thôi.
Theo: Thesaigontimes