Theo chuyên gia đào tạo hàng đầu châu Á, muốn trở thành một lãnh đạo tài năng, nữ giới cần khả năng lãnh đạo nhóm xuất sắc, đa năng và xây dựng được ban cố vấn cho bản thân.
Ông Sunil Puri, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương của CCL
Một thống kê gần đây cho biết, trong danh sách 500 công ty đứng đầu thế giới của Fortune, số công ty có nữ lãnh đạo chiếm tỷ lệ rất ít.
Theo ông Sunil Puri, Trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, của CCL – doanh nghiệp nằm trong Top 10 toàn cầu về đào tạo quản lý theo khảo sát của Financial Times – nguyên nhân của thực trạng trên là bởi thành kiến của xã hội không khuyến khích phụ nữ trở thành nhà lãnh đạo.
Ngay từ nhỏ, khi một bé gái thể hiện khả năng lãnh đạo, mọi người sẽ cho rằng bé gái đó kênh kiệu trong khi nếu bé trai làm thế, sẽ được mọi người đánh giá rất cao – tương lai sẽ thành công. Chính những định kiến đó khiến khả năng lãnh đạo của giới nữ ngày càng mai một đi và xuất hiện sự phân biệt về giới mà chúng ta không cảm nhận được.
Để chứng minh nhận định này, ông Sunil Puri đã đưa ra vài ví dụ cụ thể: mặc dù thích nghề bác sỹ nhưng một phụ nữ Ấn Độ mà ông gặp phải làm nhà khoa học lượng tử, nguyên do là bởi truyền thống gia đình bà không cho con gái học chung với những người đàn ông không phải trong dòng họ. Hay ban lãnh đạo của một công ty khác đưa ra yêu cầu tuyển giám đốc cho một nhà máy ở xa khu dân cư chỉ dành cho nam, bởi họ tự nhận định là phụ nữ không thể đảm nhận vị trí này.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nữ lãnh đạo thuộc loại cao nhất nhì châu Á với 15%, trong khi trung bình thế giới chỉ 5%. Tuy nhiên, theo ông Sunil Puri, trong nhiều lần đến Việt Nam và tiếp xúc với các thành viên của HAWEE, ông thấy tiềm năng lãnh đạo của phụ nữ Việt Nam còn rất lớn.
Chia sẻ trong hội thảo: Lãnh đạo tạo đột phá – khởi nguồn từ bản thân, vị chuyên gia này đã gợi ý 3 bước để trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc.
Có khả năng lãnh đạo nhóm là yêu cầu đầu tiên để có thể trở thành một lãnh đạo giỏi: Một đội nhóm muốn hoạt động vừa nhanh chóng vừa hiệu quả thì phải có định hướng, cam kết, xuyên suốt và người đứng đầu có khả năng lãnh đạo.
“Nếu một đội nhóm không có định hướng và đích đến thì dù cả nhóm làm việc rất lâu dài – mệt mỏi vẫn sẽ không có hiệu quả. Nếu không có cam kết chung, các cá nhân sẽ không làm vì mục đích tập thể và sẽ thường xuyên than phiền chứ không muốn tìm ra giải pháp. Nếu không có tính xuyên suốt, hiệu quả công việc của đội nhóm sẽ trồi sụt thường xuyên. Nếu người đứng đầu không có khả năng lãnh đạo thì rất khó để nhân viên cùng đi về một hướng”, ông Sunil Puri cho biết.
Nhìn nhận về giải pháp để có thể trau dồi khả năng lãnh đạo của bản thân, ông Sunil Puri cho rằng, điểm chung nhất của những nhà lãnh đạo nữ hàng đầu thế giới chính là đa năng như một ‘con dao Thụy Sĩ’ – hiểu rất rõ bản thân mình và có khả năng tốt về kết nối.
Hiểu rõ bản thân tức là luôn trung thực với bản thân, thấu hiểu về những giá trị và hành động mà mình tôn thờ cũng như động lực gì có thể thúc đẩy mình đi về phía trước. Họ tuyệt đối không thỏa hiệp trước những công việc và mục đích mà họ không mong muốn hay nhanh chóng chớp lấy cơ hội phù hợp với những giá trị của bản thân.
Muốn có mạng lưới các mối quan hệ tốt thì phải giao tiếp tốt, trình bày rõ ràng mạch lạc suy nghĩ của mình, biết lắng nghe để hiểu đúng suy nghĩ của người khác.
Có nhiều quan niệm sai lầm rằng, chỉ những người không có tài năng mới cần xây dựng mạng lưới quan hệ. Trong cuộc sống, nhiều lúc một mình không thể giải quyết được vấn đề mà cần trí tuệ của cả một nhóm người. Một mạng lưới quan hệ tốt không cần số lượng mà cần chất lượng, do đó cần đầu tư năng lượng nhằm có thể gắn kết sâu sắc với những người cùng chí hướng.
Trong bài phát biểu từ nhiệm khỏi vị trí CEO PepsiCo gần đây, bà Indra Nooyi đã tỏ ra hối tiếc khi không thể dành nhiều thời gian hơn nữa cho cô con gái bé bỏng của mình, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của các nhân viên dưới quyền, có lẽ tình hình còn tệ hơn nữa. “Cả phòng ban của tôi đã chung tay nuôi con gái tôi”, bà Indra Nooyi nói.
Một yếu tố nữa rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo nữ là cần có người dẫn dắt và người đỡ đầu. Người dẫn dắt sẽ cho lời khuyên hoặc đề nghị những giải pháp khi gặp khó khăn, còn người đỡ đầu sẽ cho những cơ hội mới trong công việc lẫn cuộc sống.
Bên cạnh đó, các nữ lãnh đạo cũng phải không ngừng kiên nhẫn học hỏi một cách sáng tạo, trau dồi khả năng tiếp thu, không ngừng làm mới bản thân. Muốn có thể liên tục chinh phục những đỉnh cao hơn trong sự nghiệp lãnh đạo, nữ giới cần mường tượng trong đầu về ban quản trị/ban cố vấn/ban giám đốc của mình. Họ sẽ bao gồm những người có vị trí xã hội trong lĩnh vực quản lý – điều hành, đáng tin và sẵn lòng hỗ trợ để giúp chúng ta điều hướng, tránh đi lạc đường.
Nếu chúng ta là phi công và cuộc đời chính là chiếc máy bay, thì ban cố vấn chính là những bánh xe giúp có thể di chuyển ổn định và đúng hướng trên đường băng, vững vàng cất cánh. Tuy nhiên, không nên quá ỷ lại vào ban cố vấn, phải biết lúc nào mình cần an ủi – hỗ trợ, lúc nào cần tự thử thách bản thân. Lãnh đạo là một hoạt động xã hội – quá trình kết hợp và kết nối các chủ thể trong xã hội, vượt qua tất cả mọi người, không kể nam nữ. Định kiến xã hội cho rằng “phụ nữ không nên làm lãnh đạo” rất đáng sợ, nhưng đáng sợ hơn là nữ giới cũng tin vào định kiến đó, ông Sunil Puri nhấn mạnh.
Theo: Leader