Theo chuyên gia, mỗi người phải tự hoài nghi với tất cả trường hợp mình tiếp xúc bên ngoài cộng đồng. Bởi họ đều có nguy cơ lây bệnh cho mình.
Việt Nam đã ghi nhận 179 ca mắc Covid-19. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân liên tục được kêu gọi thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ lây lan dịch.
Dịch phức tạp khi nhiều ca lây trong cộng đồng
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay ở giai đoạn hiện tại, nguy cơ lây mắc Covid-19 bắt đầu cao do bệnh đã có dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng và có những nguồn không xác định như trường hợp bệnh nhân số 133. Nguồn lây của bệnh nhân vẫn trong quá trình điều tra dịch tễ.
“Cá nhân tôi thấy đây là một ca khó xác định nguồn lây. Vì nguồn lây có thể xuất phát từ người chăm sóc, khách tới thăm, bệnh nhân tiếp xúc với nhau, y bác sĩ… Việc không xác định được F0 sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Đây cũng là thời điểm bắt đầu xuất hiện khó khăn do số bệnh nhân nước ngoài nhiễm bệnh cũng tăng lên. Đặc biệt là nhóm bệnh nhân triệu chứng nhẹ đã di chuyển nhiều nơi, đa phần là nơi đông người”, PGS Huy Nga nói.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng nhận định các ca mắc bệnh tăng tại Việt Nam trong thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Do số lượng người Việt trở về nước từ những nơi lưu hành dịch bệnh tăng lên. Hiện, dịch bệnh đã chuyển sang giai đoạn mới xuất hiện cả ca bệnh thâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.
“Nếu Việt Nam có thể cách ly được người Việt từ nước ngoài về không để chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tăng, cuối tháng 4 và đầu tháng 5 dịch bệnh sẽ dịu đi. Thời điểm đó, đỉnh dịch của các nước Châu Âu, Mỹ cũng đã qua đi, nguy cơ thâm nhập từ bên ngoài sẽ giảm. Tuy nhiên, nếu để chùm ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng nhiều, tình hình bệnh sẽ phức tạp”, PGS Huy Nga cho hay.
Cách đơn giản để chặn con đường lây nhiễm
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I, TP.HCM, cũng cho hay con đường lây của bệnh Covid-19 là từ người sang người qua tiếp xúc gần. Vì vậy, đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho bệnh sẽ tiếp tục lây lan.
SARS-Cov-2 không lây quan trung gian, vì vậy tiếp xúc gần là nguyên nhân quan trọng hàng đầu có thể nhiễm bệnh. Điều này rất quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Cho đến nay, các trường hợp lây nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ăn chung bàn, ngủ chung giường, đi chung xe, tập trung đông người. Chưa xuất hiện ca bệnh đi lang thang hay đi siêu thị mắc bệnh. Trường hợp bệnh nhân số 35 tại Đà Nẵng (nhân viên Điện Máy Xanh) mắc bệnh là do có tiếp xúc ở khoảng cách gần.
“SARS-Cov-2 không lây quan trung gian, vì vậy tiếp xúc gần là nguyên nhân quan trọng hàng đầu có thể nhiễm bệnh. Điều này rất quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh”, bác sĩ Khanh nói.
Theo bác sĩ Khanh, nếu làm tốt vấn đề hạn chế tiếp xúc gần thì trận chiến này chúng ta vẫn còn cơ hội chiến thắng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần phải bảo vệ chính mình bằng cách hạn chế tiếp xúc, kiểm soát được các thành viên trong gia đình (đi đâu, làm gì, tiếp xúc với ai). Đây là cách đơn giản để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cả cộng đồng.
Ở giai đoạn hiện nay, tất cả người mình tiếp xúc đều có nguy cơ lây bệnh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Huy Nga cũng cho rằng cách tốt nhất để cắt đứt con đường lây là thực hiện tự cách ly cá nhân, hạn chế tiếp xúc.
“Mỗi cá nhân phải tự hoài nghi với tất cả trường hợp mình tiếp xúc bên ngoài cộng đồng. Vì ở giai đoạn hiện nay, tất cả người mình tiếp xúc đều có nguy cơ lây bệnh cho mình”, PGS Nga khuyến nghị.
Ông khuyến cáo người dân nên làm theo lời kêu gọi của chính phủ và ngành y tế là hạn chế ra khỏi nhà. Trong trường hợp không thể cách ly cá nhân, chuyên gia lưu ý khi tiếp xúc với người khác nên giữ khoảng cách xa 2 m, luôn mang khẩu trang khi đi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, nếu có điều kiện nên mang theo nước rửa tay khô; khi đi từ ngoài cộng đồng về nhà cần phải tắm, rửa, thay quần áo.
“Virus chỉ lan truyền khi tiếp xúc gần với người bệnh. Bản thân virus không tồn tại lâu trong không khí. Nên sự cách ly các cá thể sẽ làm virus hết đường lan truyền, nó tự phải chết đi và như vậy sẽ tự hết dịch trong cộng đồng. Nên nhớ rằng khi virus ra khỏi người (cơ thể vật chủ), nó sẽ chết nhanh. Nó chỉ sống và sinh sôi nảy nở mạnh ở trong cơ thể người. Ta tách nhau ra thì nó hết đường sống”, PGS Nga cho hay.
Ông chia sẻ bản thân cũng tự cách ly bằng cách hạn chế tiếp xúc với người ngoài.
Mỗi cá nhân phải tự hoài nghi với tất cả trường hợp mình tiếp xúc bên ngoài cộng đồng. Vì ở giai đoạn hiện nay, tất cả người mình tiếp xúc đều có nguy cơ lây bệnh cho mình
PGS.TS Nguyễn Huy Nga
“Nếu phải đi mua sắm thực phẩm, tôi đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trên 2 m với người khác. Khi về nhà rửa tay với xà phòng 6 bước ngay. Chủ yếu tôi ở nhà làm việc. Tôi thường dậy sớm và thực hiện các bài xoa bóp cơ thể cho huyết khí lưu thông, tập thở khí công. Khi giải lao tôi đi lại, hít thở trong không gian nhà, vận động cơ thể, tay chân, chăm sóc cây cảnh, tập nấu các món ăn”, PGS Nga chia sẻ.
Trước tình hình liên tục gia tăng các ca mắc, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ra đường, nếu không có việc thực sự cần thiết. Những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian. Bởi đây là đối tượng có nhiều nguy cơ bệnh sẽ diễn biến nặng nếu mắc Covid-19.
Người dân cần thông báo cho chính quyền và công an sở tại về những người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả công dân Việt Nam và nước ngoài) từ 8/3 đến nay không thực hiện cách ly.
Các địa phương chấp hành nghiêm quy định tạm thời dừng hoạt động tại các điểm vui chơi, giải trí, xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.
Theo: Zing