Có lẽ, khi nhìn diện mạo bên ngoài của ngôi nhà phố này, ít ai hình dung rằng bên trong nó là các không gian tràn đầy năng lượng, chan hòa thiên nhiên, đặc biệt là một hồ bơi 26m2 trên tầng thượng trong khuôn viên một ngôi nhà phố chỉ vỏn vẹn 3,6mx10,3m, nằm ở khu trung tâm Sài Gòn, đường Nguyễn Phi Khanh, Quận 1.
Đối với kiến trúc sư Phạm Thị Mỹ An – người thiết kế ngôi nhà này thì đây là một thách thức chị tự đặt ra cho mình. Phải làm sao để dù sống trong một ngôi nhà phố có diện tích nhỏ người ta vẫn có được cảm giác thông thoáng, thư giãn như một nơi nghỉ dưỡng, đồng thời giải quyết được tất cả các bài toán về công năng vốn khá đa dạng trong nhu cầu sử dụng của một ngôi nhà phố ở các khu trung tâm, chẳng hạn như kinh doanh, buôn bán.
Giải pháp đưa ra là một ngôi nhà có quy mô xây dựng một trệt, một lửng, hai lầu và sân thượng. Các không gian chức năng lần lượt: tầng trệt có thể làm chỗ để xe, có thể linh hoạt khai thác làm nơi kinh doanh buôn bán. Tầng lửng là khu vực bếp + ăn, ba phòng ngủ bố trí trên tầng 1 và tầng 2, sân thượng là hồ bơi và khu vực tập yoga. Điều đặc biệt là dù “gói” rất nhiều không gian chức năng trong một ngôi nhà ống nhưng mọi thứ lại rất thoáng mở. “Tìm giải pháp cho sự thông thoáng là yếu tố đầu tiên, còn lại thì với bất cứ phong cách nào đều có thể xử lý”.
Người thiết kế cho biết quan điểm của mình trong thiết kế và ngôi nhà này cũng được xử lý theo hướng ấy, thông qua việc tổ chức lưu thông, sử dụng các loại vật liệu thích hợp… trục cầu thang bố trí cặp một bên và nằm ở nửa phía sau ngôi nhà, lên đến tầng 2, vị trí cầu thang lại chuyển về nửa phía trước. Hệ lam gỗ, các loại gạch bông gió được sử dụng phía mặt tiền và hai bên sân thượng giúp cho ngôi nhà “thở” được nhiều hơn, thông thoáng hơn. Mảng vật liệu ốp mặt tiền cũng là một giải pháp xử lý để ngôi nhà vẫn còn giữ được sự liên hệ với vẻ cũ kỹ của các ngôi nhà láng giềng, thân thiện hơn và không trở nên quá xa cách.
Ở ngôi nhà này, đồ đạc tối giản vừa đủ theo nhu cầu sử dụng, hệ thống kho, tủ kệ được bố trí để hướng đến một lối sống ngăn nắp, sạch sẽ cho gia chủ và khi mọi thứ “sạch” thì không gian cũng trở nên rộng hơn. Người thiết kế đã kết hợp sử dụng rất nhiều món đồ cũ sẵn có để làm nên tinh thần của ngôi nhà, kết hợp với các mảng màu, hoa văn gạch lát sàn… để tạo nên vẻ sinh động, trẻ trung và cảm giác nhiều năng lượng. Điều đặc biệt khác là mọi cơ hội để mảng xanh thiên nhiên tràn vào nhà đều được tận dụng.
Ta có thể nhận ra điều ấy ở nhiều góc nhìn bất chợt: mảng xanh trước mặt tiền, góc xanh nơi phòng khách, trên kệ trang trí, nơi gian bếp, các khung cửa sổ, ban công mỗi tầng, dưới gầm cầu thang tầng 2 – nơi ánh sáng tự nhiên từ trên có thể đủ cho cây xanh sinh trưởng, chung quanh hồ bơi trên sân thượng… ở ngôi nhà phố này và rất nhiều công trình khác của kts Mỹ An, mảng xanh thiên nhiên là một yếu tố không thể thiếu. Điều này giống như một thủ pháp quen thuộc và hữu hiệu, đồng thời đem lại nhiều giá trị cho những người tận hưởng không gian ấy.
Một ngôi nhà phố dù diện tích rất giới hạn nhưng vẫn nhiều tiện ích, có thể xem như một resort tại gia, đó là thông điệp mà người thiết kế ngôi nhà này muốn chia sẻ. Hoàn toàn có thể, khi mà bạn mong muốn và đầu tư cho nó. Với các đô thị như TP.HCM, người ta buộc phải sống trong các không gian nhỏ, vậy thì làm thế nào để nó “rộng” hơn, thoáng hơn, chất lượng sống tốt hơn là điều tất cả chúng ta đều quan tâm. Vì vậy, ngôi nhà phố này trên số báo đặc biệt đầu năm hết sức ý nghĩa.
Theo: Doanhnhanplus