Sau khi tốt nghiệp đại học và kết hôn, Phạm Đình Ngãi (quê Đồng Tháp) làm giảng viên chuyên ngành kỹ thuật điện tại Trường Cao đẳng Cao Thắng (TP.HCM) còn vợ là chị Chal Thi người Khmer, kỹ sư Công nghệ thực phẩm, là chuyên gia tư vấn R&D cho các doanh nghiệp về kỹ thuật công nghệ thực phẩm.
Hai vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chal Thi thành công với nghề mát xa hoa dừa. |
Về quê… mát xa hoa dừa
Cuộc sống nơi đô thị tấp nập cộng với công việc bận rộn khiến nhiều người ao ước, thế nhưng năm 2018 hai vợ chồng quyết định về Trà Vinh, quê hương của Chal Thi, thành lập Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sok Farm) để khởi nghiệp bằng mật hoa dừa. Đó là thời điểm giá dừa giảm sâu, người nông dân không bán được dừa, trong đó có vườn dừa 2ha của ba Chal Thi.
Mật hoa dừa là sản phẩm truyền thống của người Khmer Trà Vinh. Bằng các kỹ thuật mát xa hoa và thu mật, người Khmer cho ra sản phẩm mật hoa dừa dùng để thay thế đường mía và mật ong.
Cứ theo chu kì 25 ngày, cây dừa sẽ cho ra một chùm hoa và sẽ được thu mật liên tục trong 25 ngày, tương đương với 25 – 30 lít mật hoa dừa tươi. Mô hình trồng dừa thu mật giúp tăng từ 3 -5 lần giá trị kinh tế cho các gia đình trồng dừa hiện tại.
Phạm Đình Ngãi giờ đã có thể leo cây và hứng mật hoa dừa như người bản địa. |
Tại talkshow “Làm giàu tử tế” do CLB Startup Khánh Hòa tổ chức hôm 5/11 vừa qua, cặp đôi Phạm Đình Ngãi – Chal Thi đã có những chia sẻ thú vị xung quanh câu chuyện khởi nghiệp của hai vợ chồng.
“Trong tiếng Khmer, Sok có nghĩa là hạnh phúc, bình an. Mình mong muốn mang đến sản phẩm giúp cho người nông dân, người bán hàng, người tiêu dùng đều cảm thấy hạnh phúc, Sokfarm ra đời với mục tiêu như thế”, Chal Thi mở đầu buổi chia sẻ.
Phạm Đình Ngãi từng suy nghĩ nhiều về việc tiếp tục duy trì “một chân” giảng viên tại trường cao đẳng. Nhưng rồi cuối cùng, khát vọng bước ra khỏi vùng an toàn khiến anh quyết định nghỉ hẳn công việc giảng dạy.
Mượn sổ đỏ của bố vợ để thế chấp, vay ngân hàng, hai vợ chồng đã tự đưa mình vào thế buộc phải thành công vì không còn đường lui.
Phải mất đến gần 2 năm nghiên cứu sản phẩm, thăm dò thị trường, tháng 9/2020, Sokfarm mới có sản phẩm đầu tay. Đến nay, mật hoa dừa của Sokfarm đã có mặt tại hơn 20 tỉnh thành trên cả nước, phân phối chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM. Đặc biệt, năm 2021 công ty đã chinh phục được 3 thị trường nước ngoài là Hà Lan, Nhật Bản, và Campuchia.
Hiện Sokfarm đã nghiên cứu thành công và đưa ra thị trường 6 sản phẩm từ mật hoa dừa gồm: Nước uống mật hoa dừa, Mật hoa dừa cô đặc, Dấm mật hoa dừa, Đường hoa dừa, Cider mật hoa dừa, Cacao mật hoa dừa.
Nắm bắt cơ hội ngay khi có thể
Ngay từ khi có sản phẩm đầu tiên vào tháng 9/2019, hai vợ chồng xác định Nhật Bản là thị trường tiềm năng, nên cứ khi nào có cơ hội giao tiếp với người Nhật, họ đều tận dụng tối đa để tiếp cận.
Để được vào thị trường Nhật, sản phẩm phải đáp ứng đủ 324 tiêu chí thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình chờ đợi kết quả kiểm nghiệm diễn ra rất hồi hộp, và kết quả là sản phẩm đã vượt qua kiểm nghiệm khắt khe ngay lần đầu. Tuy nhiên, từ việc đặt chân vào thị trường này cũng đã rút ra cho Ngãi những bài học kinh nghiệm có thể giúp ích cho những startup khác.
“Ngãi không có kinh nghiệm gì về xuất khẩu, nên theo kinh nghiệm của mình, nếu muốn thành công thì phải làm việc với các đơn vị logistic có cả văn phòng tại Việt Nam và Nhật Bản. Họ hiểu các quy trình thủ tục tại Nhật Bản nên sẽ giúp mình thuận lợi hơn, họ cũng biết chắc sản phẩm của mình có thể xuất khẩu hay không”, Ngãi chia sẻ.
Ban đầu, phía Hải quan Nhật xác định sản phẩm là nước uống, nhưng Phạm Đình Ngãi đã giải thích và thuyết phục thành công để phía hải quan chấp thuận đây là sản phẩm cô đặc chứ không phải ước uống, nhờ đó sản phẩm thông quan dễ dàng hơn do có những chỉ tiêu khác so với nước uống.
“Việc người Nhật phản hồi mật hoa dừa giúp món ăn của họ tinh tế, tròn vị hơn khiến mình trở nên tự tin hơn. Hiện mỗi tháng Sokfarm thu mua 20 tấn mật hoa dừa tươi từ các hộ nông dân, từ đó có 3 tấn sản phẩm được đưa ra thị trường. Con số này còn khiêm tốn, nhưng mỗi ngày cố một chút, mình tin mọi việc sẽ cải thiện”, Phạm Đình Ngãi nói.
Tuy vậy, doanh nhân trẻ này chia sẻ, ban đầu khởi nghiệp chỉ nghĩ rằng sản phẩm sẽ nhắm đến những người tiểu đường. Thế nhưng thực tế đến nay 80% khách hàng của Sokfarm là những bà nội trợ, họ mua mật hoa dừa thay thế đường mía, mật ong.
Anh Phạm Đình Ngãi và công nhân đi thu mật hoa dừa. |
Khởi nghiệp gắn với xây dựng “ngân hàng tình cảm”
Để hình thành Sokfarm ngày hôm nay, bí quyết của hai vợ chồng là ngay từ đầu đã xác định giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp, từ đó lan tỏa đến các đại lý, công nhân, nông dân đang làm với Sokfarm. Tất cả dựa trên 3 yếu tố: Sáng tạo, bền vững, cộng đồng.
“Công việc này giúp nông dân cải thiện kế sinh nhai tại chính quê hương. Chỉ cần 20 cây dừa, nông dân có thể thu hoạch 4-6 triệu đồng/tháng từ thu hoạch mật. Quá trình chế biến ra sản phẩm cũng sử dụng rất ít nhiên liệu, những nông hộ phải cam kết không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ”, Chal Thi chia sẻ.
Theo quan niệm của rất nhiều người trong xã hội hiện nay, vợ chồng không nên cùng nhau khởi nghiệp, nhưng sự phân định rạch ròi về trách nhiệm gánh vác trong công việc, tình yêu, sự thấu cảm, cùng sự bổ sung thế mạnh cho nhau cũng chính là bí quyết khởi nghiệp của cặp đôi này.
“Năm 2018 bọn mình cùng nhau khởi nghiệp, đúng thời điểm dư luận xôn xao vụ li hôn của một đôi vợ chồng giàu có nổi tiếng. Thế là mọi người nói “tụi bay làm làm chung với nhau làm chi, sau này cũng giống như vậy”, Chal Thi nhớ lại ngày mới khởi nghiệp. “Rồi một anh giảng viên Đại học nói với anh Ngãi trước mặt mình: “Con nhỏ đó (Chal Thi – PV) biết gì mà giao việc cho nó”, nhưng mình không hề cự cãi, đó là do hình ảnh của mình khiến họ có góc nhìn như vậy mà thôi”, Chal Thi kể thêm.
Sokfarm của hai vợ chồng giành giải Quán quân cuộc thi “Thanh Niên nông thôn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2020. |
Bổ sung thêm ý của vợ, Phạm Đình Ngãi nói: “Đây là những “mẹo” mà các các cặp vợ chồng cùng làm startup có thể áp dụng, dù không đúng 100%. Đầu tiên, để công việc suôn sẻ mà không dẫm chân lên nhau, mình chia sẻ rõ ràng ai mạnh mảng nào thì làm mảng đó”.
Tại Sokfarm, Phạm Đình Ngãi phụ trách nhà máy, kỹ thuật, tài chính, thị trường, đối ngoại, theo đúng thế mạnh của anh. Trong khi Chal Thi với thế mạnh của một người làm nghiên cứu phụ trách nghiên cứu, phát triển sản phẩm, vùng nguyên liệu, kết nối mọi người trong công ty.
“Nói chung hai vợ chồng mỗi người phụ trách một mảng mình có thế mạnh, nước sông không phạm nước giếng”, Chal Thi cười đùa vui vẻ.
Hai vợ chồng cùng khởi nghiệp, một người làm về kỹ thuật nên đề cao tính kỷ luật, trong khi người còn lại mạnh về bao dung, chia sẻ nên khi gặp vấn đề cần giải quyết lại phải dựa vào giá trị cốt lõi đã vạch sẵn.
Theo: Infonet