Châu Á chứng kiến 2018 qua đi với cuộc chiến thương mại ồn ào giữa Mỹ và Trung Quốc và sự tan băng bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên. Sức ảnh hưởng của hai sự kiện này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2019, cùng với đó là một loạt sự kiện đáng chú ý như bầu cử ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.
1/3 sẽ là ngày quan trọng nhất trong nửa đầu năm nay vì đó là thời hạn kết thúc “thỏa thuận đình chiến” của Washington và Bắc Kinh với cuộc chiến thương mại. Mặc dù quá trình đàm phán vẫn đang diễn ra giữa lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc chiến này sẽ kết thúc hoặc giảm nhiệt.
Nếu đàm phán thất bại, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ áp thuế lên phần hàng hóa còn lại trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây sẽ là kịch bản xấu với Bắc Kinh, trong bối cảnh World Bank dự đoán nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng 6,2% trong 2019, thấp nhất trong vòng 30 năm qua của Trung Quốc.
Khi Trung Quốc giảm sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, nhu cầu nhập khẩu từ các nước xung quanh châu Á cũng sẽ giảm theo. Một số nước trao đổi thương mại nhiều với Trung Quốc như Singapore, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ chứng kiến GDP tăng trưởng chậm lại.
Nhưng đó cũng không phải tin quá xấu, các nước ngoài Trung Quốc cũng có cơ hội xâm nhập thị trường Mỹ giữa cuộc chiến này, thậm chí cuộc chiến thương mại lâu dài có thể dẫn tới làn sóng đầu tư nước ngoài tăng mạnh vào các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, Philipines và Việt Nam.
Bên cạnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, một vấn đề khác cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế châu Á trong năm 2019 là kế hoạch tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất ít nhất 2 lần trong năm 2019, và mỗi khi điều này diễn ra, USD sẽ quay trở lại Mỹ, khiến cho các nền kinh tế đang phát triển gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn và tăng trưởng sẽ chậm lại.
Trả lời phỏng vấn Nikkei Asian Review, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Yasuyuki Sawada nhận định nếu lãi suất Fed vượt mốc 3% vào cuối năm 2019, dòng tiền rút khỏi châu Á sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế ở những quốc gia này. Không chỉ vậy, việc Fed tăng lãi suất cũng khiến những ngân hàng trung ương ở châu Á tăng lãi suất theo để tránh lạm phát và cơ hội vay tiền trong nước cũng sẽ giảm đi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn sản xuất hoặc tiêu dùng ở các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á.
Theo lời ông Sawada, việc Fed tăng lãi suất lên bao nhiêu không quan trọng bằng tốc độ tăng lãi suất của cơ quan này. Chuyên gia này nhận định: “Nếu lãi suất tăng nhanh, đó sẽ là rủi ro tiềm tàng cho nền kinh tế châu Á”.
Tín hiệu tích cực hiếm hoi châu Á có thể kỳ vọng trong năm 2019 đó là xu hướng đi xuống của giá dầu. Giá nguyên liệu giảm sẽ kích thích tiêu dùng nội địa và giảm ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 vào năm 2019. Tuy nhiên, thật khó để kỳ vọng cuộc gặp này sẽ mang lại ý nghĩa đột phá như cuộc gặp lịch sử tại Singapore vào tháng 6/2018.
Vấn đề là cả hai bên dường như vẫn chưa thể thống nhất về mục tiêu quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Washington khẳng định sẽ giữ nguyên các biện pháp cấm vận với Bình Nhưỡng cho đến khi nước này có những bước tiến cụ thể dẫn tới việc phi hạt nhân hóa. Trong khi đó Triều Tiên cho rằng Mỹ nên có các hành động thiện chí sau khi nước này phá hủy một cơ sở thử nghiệm hạt nhân và một bãi thử tên lửa hạt nhân.
Lòng tin giữa hai bên có vẻ đang dao động vào lúc này, chưa có một bước tiến đột phá nào để giải quyết tình trạng bế tắc, Mỹ vẫn chưa nới lỏng cấm vận và Bình Nhưỡng chưa tiếp tục hành động cụ thể nào cho quá trình phi hạt nhân hóa. Phó chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan tại Seoul, ông Choi Kang cho rằng: “Mặc dù Tổng thống Trump nói rằng ông ấy có mối quan hệ tốt với Chủ tịch Kim Jong Un, đó chỉ là một lời nói mang tính ngoại giao, lòng tin của Washington với Triều Tiên đang chạm đáy”.
Mặc dù vậy, các cuộc gặp liên Triều được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2019 khi trong bài phát biểu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cam kết sẽ đến thăm Hàn Quốc nhiều hơn.
Vào năm 2014, ông Narenda Modi lãnh đạo đảng BJP đến một chiến thắng vang dội trong vòng 30 năm trước đảng Quốc đại ở Ấn Độ và chính thức trở thành thủ tướng thay ông Manmohan Singh. Cam kết cải tổ nền kinh tế, chống tham nhũng và tăng đầu tư vào các dự án hạ tầng đã giúp ông Modi nhận được đông đảo sự ủng hộ của các cử tri và nhiều người tin rằng ông và BJP sẽ tiếp tục thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2019.
Tuy nhiên, kết quả bầu cử gần đây ở một số bang quan trọng lại cho thấy điều ngược lại, đảng Quốc đại đánh bại BJP ở 3 bang lớn là Rajasthan, Madhya Pradesh và Chhattisgarh. Những chiến thắng này giúp cho đảng Quốc đại và lãnh đạo Rahul Gandi tái thiết sức ảnh hưởng, và mặc dù đó là chưa đủ để đánh bại ông Modi và đảng BJP, nhưng đương kim thủ tướng Ấn Độ chắc chắn sẽ có cuộc bầu cử không dễ dàng.
Trong 5 năm đầu nhiệm kỳ ông Modi, Ấn Độ đạt mức tăng trưởng GDP tích cực, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn là vấn đề nan giải với người trẻ, và nông dân nước này thì đang phiền muộn vì chi phí sản xuất tăng cao và giá nông sản giảm, dẫn đến biểu tình ở các thành phố lớn. Tháng 12/2018, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng từ chức do mâu thuẫn chính sách với chính phủ của thủ tướng Modi.
Giới chuyên gia cho rằng ông Modi nhiều khả năng sẽ vẫn có được nhiệm kỳ 2, nhưng thay vì một chiến thắng áp đảo như năm 2014, ông và đảng BJP sẽ phải thành lập chính phủ liên minh với đảng khác. Ông Badri Tiwari, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội G.B. Pant ở bang Uttar Pradesh cho rằng: “Đây chắc chắn sẽ là cuộc bầu cử đầy thử thách với ông Modi. Modi vẫn là cái tên được ủng hộ, nhưng nhiều người đang ngày càng không hài lòng với những gì chính phủ của đảng BJP mang lại. Sự bất mãn ngày càng gia tăng”.
Thái Lan cuối cùng cũng sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2019, sau rất nhiều lần trì hoãn và là lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò, trong khi đứng ở vị trí thứ hai là Sudarat Keyuraphan, đồng minh thân cận của cựu thủ tướng đang lưu vong Thaksin Shinawatra.
Đã 4 năm 9 tháng kể từ khi ông Chan-ocha, cựu lãnh đạo quân đội, lên nắm quyền ở Thái Lan. Trong lịch sử nước này từ năm 1932 chưa từng có chính phủ được bầu cử nào hoạt động đầy đủ nhiệm kỳ 4 năm, trừ trường hợp của ông Thaksin vào năm 2001.
Trong khi đó ở Malaysia, chính trị gia Anwar Ibrahim bước vào năm 2019 ở một vị trí giống hệt như ông đã từng có 20 năm trước, đó là chuẩn bị thay thế ông Mahathir Mohamad để trở thành thủ tướng. Hai người từng có mối quan hệ thân thiết nhưng mọi thứ xấu đi vào cuối những năm 1990, giai đoạn đầu tiên ông Mahathir làm thủ tướng Malaysia, với bất đồng về cách xử lý cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ông Anwar cuối cùng phải vào tù vì các cáo buộc mà ông cho là bịa đặt nhằm mục đích chính trị.
Tuy nhiên, như một phần trong cam kết sau khi chiến thắng cuộc bầu cử năm 2018, ông Mahathir Mohamad đã hứa sẽ trao quyền lực cho ông Anwar Ibrahim “trong vòng một đến hai năm”.
Tại Indonesia cũng sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4 với cuộc chiến tay đôi của đương kim Tổng thống Joko Widodo và ông Prabowo Subianto, người cũng là đối thủ của ông Widodo vào năm 2014. Các thăm dò mới nhất cho thấy ông Widodo dẫn trước về tỷ lệ ủng hộ với 55%, so với hơn 30% của ông Subianto.
Cuộc bầu cử tiếp theo ở Singapore dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2021, nhưng Thủ tướng Lý Hiển Long đã từng gợi ý rằng nó sẽ đến sớm hơn. Nền kinh tế dựa nhiều vào dịch vụ thương mại của Singapore nhiều khả năng sẽ chậm lại trong năm 2019 sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch này. Đảng Hành động Nhân dân của ông Lý đã có sự thay đổi nhân sự cấp cao vào tháng 11/2018, Bộ trưởng Tài chính Heng Swee Keat trở thành tổng thư ký của đảng, động thái được giới phân tích cho rằng sẽ đưa ông này trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long.
Nhật Hoàng Akihito sẽ chính thức thoái vị vào ngày 30/4, chấm dứt quãng thời gian trị vì kéo dài 30 năm của ông hay còn được biết đến với tên gọi triều đại Heisei (Bình Thành). Thái tử Naruhito sẽ tiếp nhận ngai vàng vào ngày hôm sau, bắt đầu một triều đại mới của đất nước mặt trời mọc. Tên của triều đại mới chỉ được công bố vài tuần trước khi diễn ra nghi lễ lên ngôi của Thái tử Naruhito.
Vị vua 85 tuổi thể hiện mong muốn được thoái vị vào năm 2016 sau lo ngại về tình hình sức khỏe. Sau rất nhiều tranh luận, chính phủ đã thông qua đạo luật đặc biệt, giúp Nhật Hoàng Akihito được đặc cách khỏi yêu cầu từ thời Minh Trị (1868-1912) trong đó bắt buộc vua phải giữ ngai vàng cho đến lúc qua đời.
Nhật Hoàng Akihito đã chạm đến trái tim của những người dân Nhật Bản khi nhiều lần đến thăm các vùng bị thiên tai, cúi đầu trước dân thường và nắm tay họ. Theo nhà sử học Hideya Kawanishi từ Đại học Nagoya, những hành động này khiến cho những người bảo thủ không hài lòng, vì họ coi Nhật Hoàng như một á thần.
Câu chuyện thoái vị của Nhật Hoàng đã thu hút rất nhiều sự chú ý của công chúng Nhật Bản, và cũng thể hiện một điều mà cả gia đình hoàng gia cũng như xã hội Nhật Bản đang phải đối mặt là cuộc khủng hoảng dân số. Điều lệ hoàng gia Nhật yêu cầu chỉ nam giới mới được phép tiếp quản ngai vàng và nữ giới sẽ buộc phải từ bỏ thân phận hoàng gia nếu cưới người bình thường. Điều này khiến cho việc tìm kiếm người đứng đầu hoàng gia trong tương lai trở nên khó khăn, khi Thái tử Naruhito chỉ có một con gái duy nhất. Trong số 18 thành viên hoàng gia Nhật Bản, 13 người là nữ.
Ông Naotaka Kimizuka, giáo sư Đại học Kanto Gakuin cho rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng: “Số lượng thành viên nam giới trong gia đình đang giảm đi nhanh chóng, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển bền vững của gia đình”.
Vào lúc này, người Nhật đang lên kế hoạch cho kỳ nghỉ lễ đặc biệt kéo dài 10 ngày sẽ diễn ra sau khi Thái tử Naruhito lên ngôi.
Người tiêu dùng ở một số nước châu Á sẽ có cơ hội trải nghiệm công nghệ 5G vào năm 2019, cho phép họ tận hưởng Internet tốc độ cao trên màn hình điện thoại thông minh và các thiết bị khác. Ngành viễn thông đang quảng cáo 5G giống như bước tiến lớn, sẽ trở thành nền tảng cốt lõi cho các công nghệ tương lai như xe tự lái, điện toán AI tự động hay phẫu thuật từ xa.
Trong thời gian tới, người tiêu dùng châu Á sẽ có thể trải nghiệm xem video độ nét cao được tường thuật trực tiếp từ các sự kiện công cộng hoặc thể thao. Samsung và Huawei được cho là sẽ trình làng các thiết bị di động sẵn sàng cho công nghệ 5G vào năm 2019, nhưng các chuyên gia cho rằng sẽ phải mất thời gian để công nghệ này trở nên phổ biến với người dùng đại chúng.
Huawei cho biết họ đã có được 25 hợp đồng phát triển công nghệ 5G ở các quốc gia trên thế giới, dù cho tập đoàn này đang phải chịu sự soi xét kỹ càng từ chính phủ Mỹ và một số nước châu Âu.
Đột phá mới về công nghệ cũng sẽ diễn ra vào năm 2019, đó là chiếc điện thoại màn hình gập. Công nghệ mới này được dự kiến sẽ tạo ra sự thay đổi cần thiết cho thị trường điện thoại thông minh, vốn đang chậm lại vì các nhà sản xuất gặp khó khăn trong việc cho thấy sự sáng tạo. Samsung và Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh số 1 và số 2 thế giới, đã có kế hoạch ra mắt sản phẩm điện thoại màn hình gập đầu tiên của họ vào năm sau.
Phát biểu vào ngày 8/11/2018, CEO của Samsung Electronics, ông Koh Dong Jin tuyên bố: “Một thế hệ mới của những công nghệ đột phá sẽ mở cánh cửa đưa chúng ta tới những gì chưa từng thấy trước đây”
Theo: Zing