Không chỉ trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị đẩy mạnh phương thức kinh doanh thương mại điện tử, mà chuỗi cửa hàng và nhiều điểm bán buôn bắt đầu chuyển sang bán hàng online, giao hàng tận nơi.
Hiện nay, do ảnh hưởng tâm lý bởi tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến để hạn chế đến những nơi tiếp xúc, tập trung đông người theo khuyến cáo Bộ Y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.
Vì thế, nhiều nhà bán lẻ và đơn vị sản xuất, kinh doanh đã xem đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp kích cầu tiêu dùng và góp phần duy trì ổn định tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Sức mua trên thị trường giảm
Thống kê tại Thành phố Hồ Chí Minh, sức mua ở cả mạng lưới chợ truyền thống và hệ thống kênh bán lẻ hiện đại trong thời điểm này giảm khoảng 30-40% so với ngày thường, chứ không tăng đột biến hay khan hàng.
Việc người dân hạn chế đến những nơi tiếp xúc, tập trung đông người khiến nhu cầu tham quan, mua sắm, vui chơi, giải trí tại chợ và trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố giảm đáng kể.
Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng lựa chọn kênh mua sắm hiện đại thay vì kênh truyền thống, do được hỗ trợ nhiều tiện ích (giao hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ cộng thêm…).
Ngoài ra, ảnh hưởng tâm lý bởi tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến nên hệ thống siêu thị hoạt động theo phương thức đa kênh (Omni-channel) sẽ được hưởng lợi, tăng sức mua so với cùng kỳ.
Cụ thể, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra dự ước sức mua tháng 3/2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.
Điển hình, hiện nay người dân có tâm lý ngại mua sắm những mặt hàng phi thực phẩm như điện máy, điện gia dụng, dụng cụ nhà bếp… sẽ dẫn đến sức mua nhóm ngành hàng này có xu hướng giảm trong thời gian qua.
Người dân cũng hạn chế nhu cầu đi lại, mua sắm, vui chơi giải trí, nên lượng khách đến các nơi công cộng, gồm siêu thị, trung tâm thương mại, địa điểm ăn uống… sụt giảm đáng kể.
Liên quan nguồn cung hàng hóa thiết yếu, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng, chống dịch COVID-19, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35-50% nhu cầu thị trường (tăng so với các tháng thường chiếm từ 25-30%).
Trong số đó, đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như lương thực đạt hơn 3.807 tấn/tháng; thực phẩm chế biến 2.017 tấn/tháng; rau củ, quả 7.395 tấn/tháng; thịt gia súc 6.238 tấn/tháng; thủy hải sản 184 tấn/tháng…
Qua báo cáo của 23 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì năng lực sản xuất khẩu trang y tế là 2.957.000 cái/ngày. Doanh nghiệp cung cấp cho bệnh viện đạt 1.044.000 cái/ngày; nhà thuốc 244.000 cái/ngày; các tỉnh, thành, hệ thống siêu thị, đại lý bán hàng, bán ra thị trường 1.669.000 cái/ngày.
Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương tìm kiếm các quốc gia có nguyên liệu khẩu trang y tế để nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong tháng 4/2020.
Song song đó, Sở Công Thương đã kết nối đơn vị phân phối với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải và ký hợp đồng phân phối với 22 doanh nghiệp.
Cần linh hoạt sản xuất, kinh doanh
Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra chỉ đạo tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn Thành phố nhằm đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ 18 giờ ngày 24-31/3.
Cụ thể, các cơ sở được yêu cầu dừng hoạt động gồm khu vui chơi giải trí, nhà hàng, beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ trên 30 người trở lên), câu lạc bộ bida, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn thành phố.
Để vượt qua những thách thức hiện tại, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang linh hoạt phương phức sản xuất, kinh doanh, cũng như chủ động nắm bắt thị hiếu tiêu dùng của người dân trong diễn biến mới của dịch COVID-19.
Không chỉ trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị đẩy mạnh phương thức kinh doanh thương mại điện tử, mà chuỗi cửa hàng và nhiều điểm bán buôn bắt đầu chuyển sang bán hàng online, giao hàng tận nơi… nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Gần đây, tại phiên chợ xanh tử tế, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Ban tổ chức triển khai dịch vụ online “đi chợ giùm bạn” bên cạnh hình thức đi chợ truyền thống vẫn được duy trì trong điều kiện kiểm soát chặt việc đeo khẩu trang, khử khuẩn…
“Đi chợ giùm bạn” là hoạt động ứng phó kịp thời trước tình hình dịch COVID-19 đang lan rộng, giúp khách hàng có thể ngồi nhà đặt mua những sản phẩm chất lượng, quen thuộc từ phiên chợ Xanh tử tế mà không phải ra đường.
Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Phụ trách phiên chợ Xanh tử tế, cho biết việc bán hàng online trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết, khi người tiêu dùng có xu hướng không đến nơi đông người để tránh dịch bệnh.
Bên cạnh niêm yết danh mục sản phẩm, giá bán, sắp tới phiên chợ Xanh tử tế sẽ có những combo sản phẩm theo từng ngày để phục vụ cho người dân. Việc lên những combo sản phẩm này cũng được tính toán sao cho có đủ chất dinh dưỡng, đáp ứng cho nhu cầu của các gia đình và người tiêu dùng.
Còn chuỗi cửa hàng trà sữa Gong Cha đã vừa thực hiện ngừng phục vụ khách hàng trực tiếp tại điểm bán, vừa ra thông báo hướng dẫn khách hàng sử dụng tính năng mua mang về, đặt giao hàng qua hotline cửa cửa hàng, hoặc ứng dụng gọi xe công nghệ (GrapFood, Go-Food…).
Riêng thống kê do GoViet công bố, trung bình mỗi ngày Go-Food giúp đưa gần 9.000 ổ bánh mỳ đến với người tiêu dùng.
Ông Phùng Tuấn Đức, Giám đốc vận hành GoViet, cho biết việc hỗ trợ mạng lưới nhà hàng, đặc biệt đối với những nhà hàng vừa và nhỏ hay siêu nhỏ là một trong những cam kết và động lực phát triển của GoViet.
Thông qua việc kết nối họ với hàng triệu người dùng, GoViet giúp nhiều cửa hàng tăng trưởng doanh số, tiếp cận với việc bán hàng và tiếp thị một cách bài bản hơn, cũng tạo ra những ảnh hưởng tích cực với cộng đồng.
Ở lĩnh vực sản xuất, ông Lâm Quang Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu phát triển sản phẩm, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang, cho hay doanh nghiệp vừa ra mắt dòng sản phẩm đèn LED diệt khuẩn mới, tiên phong trong việc ứng dụng những giải pháp công nghệ thông minh “chiến đấu” với dịch COVID-19.
“Giải pháp đèn LED diệt khuẩn” của Điện Quang hoàn toàn khác biệt bởi những tính năng nổi bật nhu ứng dụng tia cực tím (UV-C) giúp tiêu diệt và làm bất hoạt các vi sinh vật có hại. Đặc biệt, sản phẩm này được tích hợp công nghệ cảm biến tự động bật/tắt thông minh, an toàn với sức khỏe người dùng.
Trước bối cảnh hiện nay, một số chuyên gia đưa ra dự báo, trong trường hợp dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, với số lượng ca nhiễm trong nước nói chung và tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có xu hướng tăng như trong những ngày qua, sẽ dẫn đến việc khó có khả năng công bố hết dịch trong quý 2/2020.
Đồng thời, dự báo tình hình hoạt động kinh doanh của những hệ thống phân phối trong quý 3 và quý 4/2020 sẽ tiếp tục gặp khó khăn, trong đó tiểu thương, thương nhân, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất./.
Theo: Vietnamplus