Các chuyên gia y tế lo ngại kỳ vọng về vắc xin Covid-19 có thể quá cao, trong bối cảnh các nhà sản xuất công bố lộ trình bàn giao hàng trăm triệu liều và các quốc gia chi hàng tỷ USD để mua chúng.
Tám tháng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, hiện chưa có loại vắc xin Covid-19 nào được chứng minh là hiệu quả. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi tuần này cảnh báo rằng “không có viên đạn bạc nào lúc này và có thể sẽ không bao giờ có”, ám chỉ là không có phương án hoàn hảo đối với dịch bệnh đang hoành hành khắp thế giới.
Các chuyên gia y tế cho hay, vẫn còn một chặng đường dài trước khi chúng ta biết được bất kỳ vắc xin thử nghiệm nào có hiệu quả hay không, và thậm chí còn lâu hơn nữa để biết rằng bất kỳ vắc xin cấp phép nào sẽ được phân phối trên thế giới để đạt tới sự miễn dịch toàn cầu.
Và cũng vẫn còn quá nhiều điều chưa biết về ảnh hưởng của bất kỳ loại vắc xin cấp phép nào đối với vi rút, liệu chúng có thể ngăn chặn sự lây nhiễm và cuối cùng là chấm dứt đại dịch hay không.
“Mọi nỗ lực nhằm chế tạo vắc xin giống như một cuộc thử nghiệm mù mờ, trong đó bạn có thể sớm thành công nhưng cũng có thể không thành công dù ở cuối hành trình”, David Morens, một cố vấn cấp cao của Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ và là chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm, nói.
“Chúng ta đều hi vọng rằng chúng ta đi đúng hướng ngay từ đầu và trong vòng từ 6-12 tháng sẽ có vắc xin để đưa ra thị trường. Điều đó là có thể xảy ra, nhưng phải rất may mắn”, ông David nói thêm.
Nhà tiêm chủng học Jon Andrus, một giáo sư về y tế toàn cầu tại Đại học George Washington, cho rằng việc phát triển một vắc xin hiệu quả không phải là một phương án chắc chắn.
“Thật nguy hiểm khi chúng ta đặt hết trứng vào cùng một giỏ, giống như hi vọng một vắc xin sẽ trở thành hiện thực, cứu vãn thế giới và quên đi là vẫn phải chú trọng vào những gì chúng ta đang thực hiện ngay lúc này”, ông nói.
Theo ông Andrus, vẫn cần chú trọng tới việc xét nghiệm trên diện rộng, nhận dạng các ca mắc và truy dấu vết, đeo khẩu trang, giữ gìn vệ sinh và giãn cách xã hội.
Trên thế giới, hơn 20 loại vắc xin đang được tiến hành thử nghiệm trên người và 6 trong số đó đã tiến tới giai đoạn 3 ở quy mô lớn – cơ hội đầu tiên để các nhà khoa học có thể thực sự xác định xem liệu chúng có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm vi rút hay không.
Có vài lý do để các nhà khoa học lạc quan. Ví dụ, không giống vi rút HIV – vốn không biến mất khỏi cơ thể một khi bị nhiễm – Covid-19 có thể bị loại khỏi cơ thể bằng một phản ứng miễn dịch tự nhiên, chứng tỏ các loại vắc xin hiệu quả cũng có thể làm như vậy.
Có vài ứng viên vắc xin ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ban đầu tạo ra cả kháng thể trung hòa – các phân tử có thể gắn vào các gai trên vi rút và ngăn vi rút xâm nhập vào tế bào người – và các tế bào T, vốn đóng vai trò trung tâm trong phản ứng miễn dịch của cơ thể và có thể trở nên quan trọng trong sự phòng ngừa lâu dài chống lại dịch bệnh.
Về mặt lý thuyết, đây là các dấu hiệu cho thấy vắc xin có thể hiệu quả trong việc chống lại vi rút, nhưng cho tới khi sự bảo vệ này được kiểm nghiệm trong giai đoạn 3, không có gì là chắc chắn.
“Chúng ta không thực sự biết liệu vắc xin có khống chế một mầm bệnh cụ thể hay không cho tới khi chúng ta tiến tới giai đoạn thử nghiệm thứ 3. Bạn có thể sử dụng các công cụ miễn dịch học để đo và giám sát để xem có thành công hay không. Bạn có thể nói thông số này hữu ích hoặc không hữu ích, nhưng chỉ đến khi có thử nghiệm hiệu quả”, nhà tiêm chủng học Lu Shan, giáo sư tại Trường y Đại học Massachusetts, nói.
Vẫn còn quá nhiều câu hỏi
Các câu hỏi cũng được nêu ra về việc sự miễn dịch do vắc xin tạo ra có thể kéo dài bao lâu. Vài nghiên cứu đã ghi nhận rằng các kháng thể trung hòa có trong những người khỏi bệnh Covid-19 đã giảm đáng kể sau vài tháng.
Hiện cũng chưa rõ liệu Covid-19 có thể chỉ bị mắc một lần hay không. Có 4 loại vi rút corona thường xuất hiện ở người, gây cảm lạnh thông thường. Con người có thể nhiễm lại các vi rút này, và hiện cũng có những lo ngại tình trạng tương tự cũng xảy ra với chủng vi rút corona gây bệnh Covid-19, đặc biệt là sau vài tháng hay thậm chí là vài năm mắc bệnh.
Các nhà khoa học cho hay, cũng giống một số loại vắc xin khác, có thể con người phải tiêm nhắc lại vắc xin sau một thời gian để duy trì miễn dịch. Nhưng các chuyên gia cho rằng dù là trong thời gian ngắn thì vắc xin vẫn có tác dụng.
“Dù là một vắc xin không hoàn hảo, nếu được sử dụng rộng rãi vẫn có thể làm chậm để giới hạn sự lây nhiễm hoặc chờ thời gian để phát triển các loại thuốc hoặc vắc xin tốt hơn”, ông David Morens nói.
Trong khi đó, bà Joanna Kirman, một phó giáo sư từ Đại học Otago tại New Zealand, đã chỉ ra một điểm mấu chốt khác về vai trò của vắc xin trong việc đảo chiều đại dịch Covid-19: bao nhiêu người sẽ được tiêm vắc xin.
Một vắc xin hoạt động bằng cách bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ bị lây nhiễm mầm bệnh. Càng nhiều người được tiêm chủng thì mầm bệnh càng khó lây lan trong cộng đồng, nhờ đó giảm nguy cơ lây nhiễm và gia tăng sự bảo vệ đối với tất cả mọi người.
Một phần của thách thức đối với bất kỳ vắc xin Covid-19 nào sẽ là chuyện con số. Dù là có các nỗ lực ban đầu nhằm gia tăng khả năng sản xuất vắc xin, nhiều khả năng là sẽ xảy ra sự thiếu hụt thuốc trong hàng tháng, thậm chí hàng năm, phụ thuộc vào bao nhiêu vắc xin được phát triển thành công.
Việc cung cấp vắc xin sẽ càng trở nên căng thẳng nếu mỗi người phải được tiêm 2 lần mới có được sự miễn dịch, hoặc cần phải tiêm nhắc lại trong thời gian ngắn.
Cũng còn vấn đề về sự do dự tiêm vắc xin. Một số người có thể không muốn tiêm vì các lý do an toàn hoặc thiếu tin tưởng vào khoa học hay chính phủ. Một cuộc thăm dò hồi tháng 5 cho thấy chỉ một nửa người Mỹ muốn tiêm vắc xin, và sự do dự này cũng không chỉ xảy ra tại Mỹ.
“Thách thức lớn nhất là số lượng người được tiêm chủng để tạo miễn dịch cộng đồng. Tại một số quốc gia, đây có thể không phải là vấn đề, nhưng ở nước khác có thể lại là vấn đề lớn”, ông Kirman nói.
Ngưỡng miễn dịch cộng đồng – tức là khi cần có đủ số người miễn dịch với bệnh để tạo nên một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch – thường đạt được ở mức 60-70% dân số có kháng thể. Nhưng một số chuyên gia cho rằng, nhìn vào mức độ lây lan rộng và nhanh của Covid-19 hiện nay, tỷ lệ này có thể còn cao hơn. Một số chuyên gia cho rằng con số này có thể lên tới trên 80%, thậm chí là có thể 95%.
Hầu hết các chuyên gia lạc quan rằng vắc xin có thể hiệu quả nhằm tạo mức độ bảo vệ nào đó trước Covid-19 và rằng chúng sẽ được cải tiến với các bước phát triển tiếp theo. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã và đang được áp dụng. Các hình thức như xét nghiệm, truy dấu vết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội có thể vẫn cần được duy trì song song với việc tiêm phòng vắc xin.
Theo dantri