Nếu bạn muốn một công việc nhẹ nhàng, ít áp lực mà vẫn trả lương cao, hãy nghĩ đến công việc “ngủ thuê”. Nghe tên gọi của công việc này đã thấy nhàn nhãn rồi đúng không? Vậy hãy thử tìm hiểu xem công việc này có nhàn nhãn như cái tên gọi của nó hay không?
“Ngủ thuê” hay còn gọi là “ngủ chuyên nghiệp”, “ngủ ra tiền” là một công việc mới đầy thú vị. Rất nhiều khách sạn trên thế giới đã tuyển dụng các bạn trẻ vào vị trí “ngủ chuyên nghiệp” để đưa ra những trải nghiệm của họ với các dịch vụ của họ. Tuy nhiên, không thể ngờ rằng hiện nay, nó lại trở thành nghề để kiếm sống của giới trẻ.
Một khách sạn Finn ở Phần Lan từng tiến hành tuyển dụng một nhóm thanh niên vào vị trí “người ngủ chuyên nghiệp” để đánh giá chất lượng 35 phòng ngủ của khách sạn này trong 35 ngày liên tiếp.
Nhiệm vụ của họ chỉ có… ngủ, rồi góp ý với ban giám đốc và điều hành khách sạn về những thiếu sót hoặc chưa hài lòng về căn phòng đó. Sau đó, người này sẽ lên blog hay các trang mạng xã hội của khách sạn và nêu cảm tưởng cũng như những kinh nghiệm “ngủ” tại khách sạn của mình.
Không chỉ có ở Phần Lan, một công ty ở Thượng Hải, Trung Quốc cũng từng tìm những người “có khả năng ngủ chuyên nghiệp” với mức đãi ngộ cực tốt: 100.000 nhân dân tệ/năm (tương đương 320 triệu đồng).
Thế nhưng, một chuyên viên “ngủ thuê” từng bộc bạch những khó khăn trong nghề khiến nhiều người có cái nhìn khác về công việc tưởng chừng như nhàn nhãn này.
Đó chính là Phan Na Bạch – một chuyên gia Trung Quốc trong lĩnh vực “ngủ thuê”. Chuyên viên “ngủ thuê” nhưng thời gian ngủ lại ít ỏi bởi anh phải làm việc khoảng 14 tiếng/ngày.
Vậy công việc thực sự của anh là gì?
Trước khi đi “ngủ thuê”, anh Bạch sẽ đọc các thông tin trên mạng, tổng hợp đánh giá online và chọn ra khách sạn cần đến. Sau đó, anh sẽ tìm kiếm các thông tin chi tiết về khách sạn như câu chuyện khởi nghiệp, địa điểm, tình trạng giao thông và các điểm du lịch xung quanh. Khi đặt chân vào khách sạn cũng là lúc anh Bạch bắt đầu công việc của mình.
Trong thời gian lưu trú tại khách sạn, anh sẽ quan sát toàn bộ các dịch vụ, cơ sở hạ tầng, chú trọng nhiều chi tiết như lối phục vụ của nhân viên, chất lượng giường, các vật dụng vệ sinh hay mức độ phong phú của bữa sáng.
Sau khi rời khách sạn, anh sẽ viết một bài “báo cáo” dài 600-3.000 chữ (kèm hình ảnh) về khách sạn này trên trang web du lịch đã thuê anh làm việc. Điều quan trọng nhất là bài viết phải chân thực, khách quan chứ không dựa trên sở thích cá nhân của người “ngủ thuê”.
“Toàn bộ công việc tính ra sẽ mất khoảng 4-14 tiếng đồng hồ” – anh Bạch tiết lộ.
Hiện tại, anh Bạch đã có 3 năm trong nghề. Anh đã đi khắp châu Á, châu Âu, châu Mỹ và cả châu Phi. Trong 1 năm, anh ghé thăm ít nhất 300 khách sạn ở các nước khác nhau. Nhiều bạn bè vừa ghen tị lại vừa ngưỡng mộ anh, nhưng họ không biết anh cũng phải lao động vất vả không kém.
Riêng việc chụp ảnh cũng đã tốn rất nhiều thời gian và công sức. Trước khi chụp phải chọn góc, chuẩn bị đạo cụ làm tăng màu, ảnh phải chụp theo trào lưu đang “hot”.
Một tấm ảnh hoàn hảo thường phải chụp đi chụp lại nhiều lần. Thậm chí có lúc đang nằm trên giường nghỉ ngơi, anh Bạch tay vẫn cầm điện thoại để chỉnh sửa ảnh. Nhiều lúc quá mệt, anh còn vừa đánh máy viết bài, vừa ngủ gật.
Vậy thì, công việc “ngủ thuê” cũng không khác mấy một nghề mới nổi gần đây “travel blogger” – người viết bài chia sẻ về du lịch.
Theo: Nguoiduatin