Trang chủ GIA ĐÌNH Cuộc chiến đòi tiền nuôi con hậu ly hôn

Cuộc chiến đòi tiền nuôi con hậu ly hôn

bởi admin

Để đòi được hai triệu đồng tiền chu cấp của chồng cũ cho con, đã không ít lần chị Ngọc Diệp vừa đi vừa khóc vì ấm ức, tủi thân.

Vợ chồng chị ly hôn khi con gái được ba tuổi. Tòa phân định con ở với mẹ, chồng cũ đồng ý cấp dưỡng cho con mỗi tháng hai triệu đồng. “Nhưng tháng nào tôi cũng phải gọi điện, nhắn tin cho anh ta, cảm giác như đi xin”, chị Diệp, 32 tuổi, ở Hà Nội nói.

Hai triệu đồng là khoản lớn với cuộc sống của hai mẹ con, phần nào giúp chị trả tiền phòng trọ, tiền điện nước cho hai mẹ con. Thu nhập từ đồng lương giáo viên hợp đồng ở Hà Nội eo hẹp, buộc chị phải co kéo lắm mới tạm đủ. Vì vậy, tiền cấp dưỡng hàng tháng, bằng giá nào Diệp cũng quyết đòi từ chồng cũ để có thể trụ lại Hà Nội. Nhưng thỏa thuận là chồng cũ phải chuyển tiền vào ngày 15 hàng tháng mà lần nào cuối tháng anh mới chuyển, cũng có lần im bặt khiến chị phải chở con đến tận nhà anh đòi.

“Vấn đề ở đây là anh không hề nghèo. Anh vẫn đi làm có lương hàng tháng còn là chủ 2-3 cái nhà hàng món Hàn Quốc”, Ngọc Diệp kể.

Năm ngoái con gái chuyển cấp, chị nhắn tin đề nghị anh tăng tiền cấp dưỡng lên ba triệu đồng và được đồng ý. Nhưng đến ngày chị lại không thấy tiền về tài khoản. Diệp nhắn tin đòi thì anh bảo không có tiền.

Bực tức, chị Diệp nhờ luật sư thảo bản thỏa thuận mới bắt chồng cũ ký xác nhận, phòng trường hợp anh đổi ý kiện ra tòa. Hai người hẹn gặp ở một quán cà phê nhưng cuộc nói chuyện nhanh chóng trở thành cãi vã ầm ĩ đến mức những người ở khu trọ đều biết. Khi con gái òa lên khóc, người cha mới chịu ký vào bản thỏa thuận.

Biết điểm yếu của chồng cũ, thay vì trực tiếp nhắn tin đòi đưa tiền, hàng tháng chị Ngọc Diệp dặn con nhắc bố cấp dưỡng mỗi lần hai cha con gặp nhau. “Thế nhưng lâu lâu anh ta vẫn dở chứng, có tháng không đưa hoặc chỉ đưa một, hai triệu”, chị kể.

Cuộc chiến đòi tiền nuôi con hậu ly hôn

Ở Tuyên Quang, anh Chí Đức (31 tuổi) cũng lên một hội nhóm trên mạng xã hội xin tư vấn từ cộng đồng cha mẹ đơn thân khi vợ cũ không chịu cấp dưỡng. Hai người có với nhau hai con chung 6 tuổi và 8 tuổi. Trong đơn ly hôn người vợ đồng ý cấp dưỡng cho con út một triệu đồng mỗi tháng, con lớn chồng phải lo hoàn toàn. Nhưng đã bốn năm, anh chưa được nhận một đồng. Người đàn ông là nông dân nhiều lần gọi điện, nhắn tin yêu cầu mẹ của con mình thực hiện nghĩa vụ nhưng chị này từ chối vì ”không có tiền”.

“Tôi có ra Cục thi hành án của huyện hỏi, họ nói chu cấp hay không còn do tòa án lương tâm nữa”, anh kể. Anh dự định đến năm thứ năm sau ly hôn mà chị vẫn không cấp dưỡng sẽ đến công an nơi vợ cũ sinh sống nhờ đòi quyền lợi. “Mỗi tháng chỉ một triệu đồng nhưng năm năm là số tiền không nhỏ”, Đức nói.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, quy định về cấp dưỡng khá rõ ràng. Một số vụ thuận tình ly hôn hai người sẽ chủ động thỏa thuận số tiền cấp dưỡng cho con, còn lại sẽ do tòa quyết.

“Thông thường tòa án thường ấn định mức cấp dưỡng dao động 15-30% mức thu nhập của người cấp dưỡng. Trường hợp không xác định được mức thu nhập thì căn cứ vào lương tối thiểu vùng hoặc án lệ trước đó”, ông Thái nói.

Cấp dưỡng có hai dạng: một lần tính từ thời điểm ly hôn cho đến năm con 18 tuổi hoặc cấp dưỡng hàng tháng. Tuy nhiên, theo luật sư, giống như tình cảnh chị Ngọc Diệp hay anh Chí Đức, người có nghĩa vụ cấp dưỡng hàng tháng thường hay vi phạm.

“Nhiều người không nhận được cấp dưỡng xin tư vấn, nhưng vì số tiền cấp dưỡng so với nuôi con thực tế quá thấp, thủ tục pháp lý gây mất thời gian, công sức nên họ chấp nhận bỏ cuộc”, ông Hồng Thái nói.

Giống như anh Chí Đức, trên các nhóm chia sẻ chuyện gia đình và tư vấn pháp luật về hôn nhân, hàng trăm người (đa số là phụ nữ) hỏi bí quyết để đòi chồng (vợ) cũ cấp dưỡng cho con theo thỏa thuận ly hôn. Đa số những người phải nuôi con một mình đều cho rằng chu cấp hay không phụ thuộc vào đạo đức của người đó, khó có thể can thiệp pháp lý.

Chị Phạm Ngọc (32 tuổi, ở Hải Phòng) cho biết, vợ chồng ly hôn, thỏa thuận anh cấp dưỡng cho con hai triệu đồng mỗi tháng. Chỉ hai tháng đầu chồng cũ chu cấp đủ, sau đó im bặt. Để nhắc nhở anh, chị cho phép chồng thăm con mỗi cuối tuần, nhưng không cho anh đón con sang nhà nội chơi hay đi bất kể đâu. Người cũ tỏ thái độ, chị tuyên bố mình nuôi con, chăm sóc con sẽ có quyền quyết định cho con gặp ai, làm gì khi bé chưa đủ tuổi tự đưa ra quyết định.

“Tôi cũng nói rõ tiền nuôi con tôi có thể lo được, nhưng việc cấp dưỡng thể hiện trách nhiệm, tình yêu của một người bố dành cho con mình. Nếu anh không chu cấp là đang tự đánh mất quyền của mình”, chị kể. Sau lần đó, người chồng đồng ý cấp dưỡng trở lại.

Không phải ai cũng may mắn như Ngọc. Nhiều người cho biết tranh cãi với chồng cũ chỉ khiến họ thêm buồn bực, mất thời gian. Khi chọn nuôi con, họ xác định dù chồng (vợ) cũ cấp dưỡng hay không cũng sẽ không đòi. “Thời gian đòi tiền đó để dành đi làm, chăm sóc bản thân”, một người nói.

Thạc sĩ tâm lý Hồng Hương (Hội bảo vệ quyền lợi Trẻ em) cho rằng tranh cãi về chuyện cấp dưỡng không chỉ khiến người lớn đau đầu, buồn bực mà còn khiến những đứa con cảm giác mình là gánh nặng. Việc cấm đoán con gặp bố hay nhà nội (nhà ngoại) vì không được cấp dưỡng hay dùng con làm công cụ đòi tiền cấp dưỡng như chị Diệp là hành động kém văn minh, gây tổn hại đến tâm lý của trẻ.

”Đây là những cha mẹ độc hại, có thể biến con thành kẻ đào mỏ, lợi dụng tình thương yêu của người khác để lấy tiền”, bà nói.

Chuyên gia cho rằng vợ chồng là người xa lạ, có duyên gặp nhau mà nên vợ chồng. Những người văn minh hiểu khi hết duyên, phong cách sống khác nhau, họ buộc phải kết thúc hôn nhân nhưng chia tay một cách bình an và ưu tiên sự phát triển của con.

Hai người sau ly hôn cần có sự thấu hiểu và đối xử với nhau văn minh. Nếu người cấp dưỡng khó khăn về kinh tế thì cần nói để người kia hiểu, cam kết sẽ cấp dưỡng cho con sau đó. Muốn được như vậy, họ đều phải là những người sống có đạo đức, xem người cũ như đối tác, người bạn đặc biệt để cùng nuôi dạy con.

“Tôi đã từng chứng kiến những đôi ly hôn vẫn chọn mua nhà gần nhau để tiện đưa đón con, để bé có được tình yêu của cả bố và mẹ”, bà Hồng Hương nói.

Sau giai đoạn đầu khó khăn vì một mình làm mẹ, cuộc sống của chị Ngọc Diệp và con gái đã tốt lên. Chị kiếm được tiền từ việc dạy thêm lại tìm được một vị trí tốt trong trường tư nên thu nhập tăng nhiều lần. Dẫu vậy, khoản cấp dưỡng từ chồng cũ tháng nào chị cũng đòi đủ.

”Một mình tôi không thể sinh được con, không có lý gì tôi phải một mình lo, trong khi anh ta không vướng bận, lấy vợ đẹp, để thêm con mà lại cũng không phải mất xu nào nuôi con lớn”, chị nói.

Nguồn: vnexpress

Có thể bạn sẽ thích