Do thu nhập giảm và dịch bệnh diễn biến phức tạp, sức mua của người tiêu dùng sụt giảm. Dù vậy, nhiều siêu thị cho biết vẫn tăng dự trữ hàng hóa cao hơn so với mọi năm.
Nhắc đến mua sắm Tết, chị Lan (TP Thủ Đức) cho biết năm nay vẫn chờ thưởng Tết để cân đối chi tiêu. Theo chị, việc thu nhập sụt giảm và dịch bệnh phức tạp nên nhiều người cũng không đi lại chúc Tết như trước.
“Mọi năm tôi thường mua bia và nước ngọt nhiều vì còn tiếp khách, chứ giờ có ai đến nhà nữa đâu. Ngược lại, gia đình có con nhỏ cũng không đi đâu nên cũng không mua giỏ quà Tết gì”, chị nói.
Tâm lý của chị Lan cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người tiêu dùng hiện nay. Thu nhập giảm hơn so với mọi năm, dịch bệnh phức tạp khiến họ cân nhắc kĩ hơn trước mỗi khoản mua sắm cho dịp Tết.
Nhu cầu chủ yếu vẫn tập trung các mặt hàng bánh kẹo, thức uống, hàng tươi sống, đồ khô, thực phẩm thiết yếu…
“Không dám tiêu xài nhiều”
Ghi nhận tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM, lượng khách đến mua sắm khá đông, nhất là vào thời điểm cuối tuần và chiều tối. Trong đó, khu hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, bánh kẹo… thu hút nhiều lượng khách mua. Siêu thị cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng
Đặc biệt, năm nay ở các mặt hàng giỏ quà Tết, nhiều siêu thị chú trọng ở phân khúc bình dân, riêng lẻ, mặt hàng thiết yếu cho gia đình. Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) giỏ quà Tết khá đa dạng với nhiều mức giá khác nhau chỉ từ 179.000-1,3 triệu đồng. Trong đó, giỏ quà Tết giá thấp nhất bao gồm nước giải khát, dầu ăn, nui, hạt nêm, bánh ngọt.
Một siêu thị cho biết nhu cầu đang tăng cao không chỉ đối với các sản phẩm tươi sống như rau, củ, quả hay thịt, mà những dòng sản phẩm mùa vụ Tết như đồ khô, kẹo, mứt cũng tăng trưởng mạnh.
Ngày 17/1, siêu thị Big C Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) ghi nhận lượng khách mua khá vắng so với ngày cuối tuần. Nhiều người chọn mua sớm bánh mứt, thực phẩm khô, đồ gia dụng…
Chị Ngọc Trâm (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết năm nay việc mua sắm các đồ dùng, thực phẩm Tết sẽ đơn giản hơn so với mọi năm. “Một phần vì thu nhập, một phần vì dịch bệnh mọi người cũng hạn chế gặp gỡ đi lại. Tôi dự định chi khoảng 3 triệu đồng mua chủ yếu một số bánh kẹo, thực phẩm dự trữ chứ không mua nhiều như mọi năm”, chị chia sẻ.
Tương tự, chị Thùy Linh (Đống Đa, Hà Nội) đánh giá năm nay không khí mua sắm Tết ở siêu thị và các cửa hàng trầm lắng hơn so với mọi năm. “Bản thân tôi cũng vậy, nếu như thời điểm này năm ngoái đã lên kế hoạch mua sắm quần áo, bánh kẹo, làm tóc… thì hiện tại vẫn chưa có gì mới. Thu nhập, thưởng Tết giảm nên cũng không dám tiêu xài nhiều cho những khoản chi tiêu không cần thiết”, chị nói.
Chị Linh dự định trước Tết 7 ngày sẽ xin nghỉ làm sớm và mua ít bánh kẹo về quê. “Tết năm nay chỉ mong được về nhà sớm cách ly an toàn, sum vầy cùng gia đình”, chị nói.
Sức mua giảm so với mọi năm
Chia sẻ với Zing, đại diện MM Mega Market cho biết sức mua những ngày gần đây tăng khoảng 140% so với ngày thường, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu cho Tết như bia, nước ngọt, bánh kẹo và giỏ quà Tết.
Trong khi đó, tính chung tháng trước Tết, các trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị Aeon lại ghi nhận lượng khách hàng không đông như cùng kỳ năm ngoái. “Một phần do nhiều người đã về quê từ trước, và còn hạn chế ra ngoài trong tình hình dịch”, bà Huỳnh Thị Kim Thanh – Giám đốc siêu thị Aeon Tân Phú (TP.HCM) – lý giải.
Tuy nhiên, bà cho hay số lượng sản phẩm và giá trị đơn hàng trung bình của mỗi khách hàng lại tăng so với năm trước. Đồng thời, lượng khách đang tăng dần qua từng tuần, đặc biệt ở khu vực phía Nam.
“Nhu cầu mua sắm của khách hàng trong giai đoạn này vẫn rất cao, đặc biệt với các sản phẩm thực phẩm, giỏ quà Tết, đồ dùng gia đình và thời trang. Với các dấu hiệu tích cực của thị trường, Aeon Việt Nam kỳ vọng sức mua trong 2 tuần cận Tết sẽ cao hơn so với dịp Tết năm 2021 khoảng 20%”, bà Kim Thanh nói.
Một phần do nhiều người đã về quê từ trước, và còn hạn chế ra ngoài trong tình hình dịch
Bà Huỳnh Thị Kim Thanh – Giám đốc siêu thị Aeon Tân Phú.
Để đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân dịp Tết, các hệ thống bán lẻ đã sớm chuẩn bị đa dạng sản phẩm từ vài tháng trước với mức giá tốt.
Tổng giá trị hàng hóa dự trữ cho trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022 ở Saigon Co.op lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm ngoái.
Đặc biệt, bên cạnh các mặt hàng truyền thống đặc trưng, năm nay hệ thống này còn bổ sung hơn 200 mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ dưỡng như viên sữa ong chúa, nước collagen, yến tinh chế, trà thảo dược nhụy hoa nghệ tây…
Trong khi đó, bà Phạm Thị Vân – Trưởng ban quản lý Hệ thống bán lẻ Satra – cho biết lượng hàng bình ổn tăng từ 5-30%, các mặt hàng còn lại có mức tăng từ 10-30%, dự kiến tăng cao nhất ở nhóm thực phẩm tươi sống và bia, nước giải khát.
“Dự kiến tổng lượng hàng hóa lương thực thực phẩm dự trữ cho 2 tháng (trước và sau Tết Nhâm Dần năm 2022) hơn 500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết Tân Sửu 2021″, bà Vân nói.
Với MM Mega Market, lượng dự trữ hàng hóa Tết năm nay tăng từ 20-30% so với năm ngoái. Đặc biệt, hệ thống này cũng bày bán nhiều đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu, hàng Tết đặc trưng như bánh chưng, bánh tét, dưa hành, củ kiệu, dưa món… để phục vụ những người dân không thể về quê đón Tết.
Tương tự, chuỗi đại siêu thị Go!, Big C cũng phục vụ ngũ quả ngày Tết theo đặc điểm vùng miền, như phật thủ cho miền Bắc và các loại bưởi, thơm, dưa hấu khắc chữ cho miền Trung và miền Nam.
Ở những mặt hàng khác, bà Bà Nguyễn Thị Bích Vân – Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam – cho biết đã đàm phán để đảm bảo sản lượng thịt heo có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với Tết 2021.
Đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp 1.500 tấn trái cây, hơn 2.000 tấn thịt heo, thịt gia cầm, cá hồi đông lạnh, cá nguyên con đông lạnh các loại….
Theo: Zing