Có những thương hiệu đã từng “làm mưa làm gió” một thời trên thị trường thế giới và cả thị trường Việt Nam, thế nhưng chỉ vì không chịu thay đổi, bắt kịp xu thế đã sớm phải rút khỏi thị trường, nhường sân cho những doanh nghiệp dám dấn thân, dám thay đổi. Theo các chuyên gia, trong thời đại kinh tế số, doanh nghiệp nếu muốn sống khỏe thì không thể ngồi yên.
Công nghệ là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp hội nhập và phát triển.
Một thương hiệu mạnh có thể gục ngã nếu…
Khoảng hơn 1 thập niên trước, người tiêu dùng cả thế giới biết đến thương hiệu Nokia – một hãng điện thoại di động đứng đầu thế giới. Song, trước sự lên ngôi ào ạt của các sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone), bản Nokia không có gì đột phá nên đã buộc phải bán lại cho Microsoft. Nói về sự tồn tại của nhãn hiệu Nokia, giới chuyên gia đánh giá, trong khi Samsung, đối thủ “đáng gờm” một thời của Nokia vẫn tồn tại và ngày càng có xu hướng phát triển mạnh mẽ hơn, thì cái tên Nokia hầu như đã không còn tồn tại. Giờ đây, người ta chỉ biết đến Nokia với một sản phẩm điện thoại lạc hậu, lỗi thời mà nhiều người thường hay gọi là “cục gạch”. Nokia gần như bị lãng quên do thương hiệu này không thể cạnh tranh nổi với những dòng smartphone hiện nay. Và một trong những sai lầm lớn nhất của Nokia chính là không bắt kịp xu hướng của thời đại.
Bất kỳ một DN nào khi bước vào thương trường cũng cần phải xác định mục tiêu lớn nhất – đó là đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Chính bởi vậy, chỉ cần lỗi một nhịp là coi như DN đó xác định nhìn thấy “cửa tử”. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại của nền kinh tế số, sự lỗi nhịp này càng dễ dàng… chết yểu.
Ở một ví dụ khác, LOréal, một trong những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới, ban đầu chỉ bán sỉ cho các siêu thị lớn, đại lý. Song, khi cập nhật xu hướng mới, LOréal đã mở ngay một kênh thương mại điện tử nhằm hướng tới người tiêu dùng, theo đó, khi người tiêu dùng vào website của trang thương mại điện tử này, họ có thể tự trang điểm và lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp nhất với mình sau khi đã có những thử nghiệm. Từ đây cho thấy, hãng mỹ phẩm này đã luôn cập nhật xu hướng thời đại, không hề dập khuôn kinh doanh theo lối mòn, và khi đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, cơ hội mới mở ra, thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng này tiếp tục phát triển trên thị trường thế giới, được người tiêu dùng cả thế giới biết đến, trong đó có Việt Nam.
Hai ví dụ nói trên là minh chứng rõ nét cho việc: DN nên thay đổi hay “mặc kệ” xu hướng, cứ dậm chân tại chỗ? Thay đổi là đi tiếp và phát triển mạnh mẽ, còn dậm chân tại chỗ là tự bước chân ra khỏi thương trường.
Tại Việt Nam, những ảnh hưởng của nền kinh tế số đang ngày càng bộc lộ rõ nét đối với từng lĩnh vực. Sự thâm nhập của các sản phẩm công nghệ hiện đại, của rô-bốt vào quá trình hoạt động, sản xuất của cộng đồng DN ngày càng mạnh mẽ hơn. Số liệu thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay: Hiện tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam chiếm gần 2/3 dân số, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ sử dụng Internet trong năm 2018 là 81% và số người dùng Internet cũng gia tăng nhanh chóng tại các khu vực nông thôn. Nếu như năm 2015 chỉ khoảng 15% số dân ở khu vực nông thôn sử dụng mạng Internet thì đến năm 2018 đã tăng lên đến 45% (gấp 3 lần). Về mặt truyền thông, Internet đứng thứ 2 về thị phần, chỉ sau tivi. Dự báo khoảng 2-3 năm nữa, Internet sẽ vượt qua tivi, chiếm thị phần cao nhất tại thành thị, còn tại khu vực nông thôn, Internet chiếm 26%, tivi đóng vai trò chủ đạo, nhưng trong tương lai Internet sẽ ngang ngửa tivi.
Cơ hội cho mọi DN là như nhau
Có thể thấy, với hàng loạt điểm mạnh phục vụ cho hoạt động kinh doanh như tính nhanh nhạy, không có khoảng cách, thuận tiện… kinh tế số đang dần thay đổi tư duy, tâm lý sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, đồng thời cải thiện cả cách mua sắm của người tiêu dùng. Theo chia sẻ của một nữ doanh nghiệp trẻ – chị Hoàng Thu Giang, chủ một chuỗi nhà hàng ở Pù Luông, Thanh Hóa – thì đầu tư và tiếp cận các công nghệ số đã giúp chị mở rộng quy mô của nhà hàng. Từ một quán ăn nhỏ, bằng việc quảng bá các sản phẩm trên các trang mạng Internet, giờ đây sau hai năm, nhà hàng của chị đã phát triển khá mạnh, mở rộng quy mô với hơn 30 nhân viên. “Tôi đang trong thời gian chuẩn bị khánh thành khu nghỉ dưỡng tại Pù Luông, Thanh Hóa, với hệ thống khoảng 15 phòng nghỉ và nhà hàng kết hợp bể bơi, nhiều khách nước ngoài đã đặt chỗ trước cả tháng. Không chỉ có nhà hàng này, chúng tôi còn mở thêm một nhà hàng trên Sapa, Lào Cai và đón rất nhiều khách du lịch đến từ các nước trên thế giới. Một phần của sự thành công ngày hôm nay là sử dụng công nghệ số” – chị Giang cho biết thêm, với phương thức kinh doanh truyền thống, chúng ta sẽ khó có thể tiếp cận được với du khách tại nhiều nước trên thế giới, còn với công nghệ số, mọi khoảng cách đều bằng 0. “Ngay lúc này đây, một đoàn khách từ Canada đã đặt 5 phòng của chúng tôi vào tháng 9 tới đây, họ sẽ có mặt” – nữ giám đốc trẻ nói.
Không còn khoảng cách về mặt thời gian, địa lý, nền kinh tế số mang lại vô vàn cơ hội cho cộng đồng DN. Đặc biệt, cơ hội không chỉ mở ra đối với khu vực thành thị, mà vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, các thương nhân cũng có thể tìm cách khởi nghiệp bằng các công cụ “số hóa”. Trường hợp của nữ giám đốc trẻ Hoàng Thu Giang là một ví dụ. Từ đây có thể thấy, nền kinh tế số không phân biệt DN lớn hay nhỏ, không phân biệt những thương hiệu mạnh hay yếu. Một thương hiệu mạnh, một DN lớn có thể “sập tiệm” nếu như không chịu thay đổi, không chấp nhận xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngược lại, một DN siêu nhỏ, một thương nhân, hộ kinh doanh cá thể cũng có thể bứt phá nếu biết tận dụng cơ hội từ nền kinh tế số.
Khuyến cáo về xu hướng này đối với cộng đồng DN, bà Nguyễn Phương Nga – Giám đốc phát triển thị trường Công ty chuyên nghiên cứu thị trường Kanta Việt Nam – cho rằng: Internet bùng phát mạnh mẽ, tỷ lệ sử dụng Internet của người Việt rất cao. Vì vậy, vấn đề của DN là cần nghiên cứu kỹ xu hướng tiêu dùng của người Việt trong thời đại số để có định hướng phát triển phù hợp. Mỗi DN khi bước chân vào mỗi lĩnh vực cần hiểu rõ từng đối tượng khách hàng họ cần gì, muốn mua gì để hoạch định chiến lược bán hàng phù hợp.
Về việc áp dụng công nghệ số có vai trò rất lớn cho sự phát triển của DN, ông Hồ Tú Bảo – Viện trưởng Viện John von Neumann (Viện JVN) – cho rằng: “Chuyển đổi số là câu chuyện sống còn. Và DN nếu không thay đổi thì trong tương lai gần sẽ bị đào thải. Nếu DN chưa sẵn sàng thì phải vào cuộc thôi, không thể chần chừ nữa nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi “chuyển đổi số”.
Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi bước vào thương trường cũng cần phải xác định mục tiêu lớn nhất – đó là đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Chính bởi vậy, chỉ cần lỗi một nhịp là coi như DN đó xác định nhìn thấy “cửa tử”. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại của nền kinh tế số, sự lỗi nhịp này càng dễ chết yểu. Câu hỏi đặt ra là: Doanh nghiệp thay đổi hay “mặc kệ” xu hướng, cứ dậm chân tại chỗ? Thay đổi là đi tiếp và phát triển mạnh mẽ, còn dậm chân tại chỗ là tự bước chân ra khỏi thương trường. Nói như giới chuyên gia thì chuyển đổi số là câu chuyện sống còn. Doanh nghiệp nếu không thay đổi thì trong tương lai gần sẽ bị đào thải. Phải vào cuộc ngay, không thể chần chừ nữa nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi “chuyển đổi số”. |
Theo: Daidoanket