Sinh viên thiếu kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ hạn chế sẽ là thiệt thòi lớn khi tham gia thị trường lao động, đặc biệt là thị trường lao động quốc tế. Các nhà tuyển dụng đề xuất nhà trường cần trang bị thêm cho sinh viên những kỹ năng này ngay trong quá trình học, không “chờ” đến khi ra trường đi làm mới cấp tốc bổ sung.
Đó là một trong những nội dung tại tọa đàm “Gắn kết đào tạo, nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp” tổ chức tại Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội cuối tuần qua.
Khi sinh viên được tham gia thị trường lao động từ khi ngồi trên ghế giảng đường sẽ nhận thức rõ hơn những kỹ năng, kiến thức còn khuyết thiếu.
Trượt phỏng vấn vì không biết viết… CV
Đó là câu chuyện được TS Tạ Hải Tùng- Viện trưởng Công nghệ thông tin và truyền thông (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) kể lại tại tọa đàm. Ông Tùng cho biết, ngay đầu năm học 2019-2020 vừa qua, phía Viện Công nghệ thông tin và truyền thông phối hợp với các cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội ở Thung lũng Silicon, Mỹ – những người đang làm việc ở các tập đoàn lớn trên thế giới, tổ chức chương trình giúp sinh viên giỏi tốt nghiệp trường Bách khoa có thể qua Thung lũng Silicon thực tập ít nhất 6 tháng. Sau khi chọn lọc được 40 em xuất sắc nhất để vào vòng phòng vấn thì chỉ 3 em đạt yêu cầu. Có bạn trượt vì thuật toán tốt nhưng tiếng Anh kém. Có bạn tiếng Anh và thuật toán tốt thì lại kém kỹ năng mềm. Cụ thể là không biết viết một cái email, CV ra làm sao… Ông Tùng cho rằng, những kỹ năng thiếu đó không phải do tư duy của các em kém mà một phần bởi chúng ta chưa cung cấp đủ cho các em những kỹ năng đó.
Trình độ ngoại ngữ là một rào cản lớn với nhiều cử nhân, kỹ sư khi đi tìm việc là thực tế không của riêng trường ĐH nào. Như thông tin từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đầu vào cơ bản của nhà máy là IELTS phải đạt 6.0. Sinh viên cần tăng cường học môn này có thể từ chương trình đào tạo của nhà trường hoặc tự học thêm. Ngoài ra, cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp để tăng cơ hội khi ra trường là ý kiến của một cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang làm việc tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Có một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp than khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để đào tạo lại. Tuy nhiên, tại tọa đàm, ông Đinh Văn Hải – Trưởng phòng công tác sinh viên trường ĐH Bách khoa Hà Nội đặt vấn đề: Các doanh nghiệp cứ nói phải đào tạo lại nhưng bản chất không phải như vậy mà là đào tạo thích nghi thôi. Bởi mỗi doanh nghiệp một công nghệ, một phương pháp riêng. Thay vì đào tạo thích nghi sau khi sinh viên tốt nghiệp thì doanh nghiệp có thể nhận thực tập ngay khi còn đang là sinh viên, cùng với nhà trường đào tạo để ra trường các em có thể làm được việc ngay.
Ông Hải cũng thừa nhận thực tế là các khảo sát của Phòng công tác sinh viên nhà trường cũng cho thấy các doanh nghiệp phản hồi nhiều về việc sinh viên còn thiếu những kỹ năng về ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm….
Từ đây, TS Tạ Hải Tùng cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực đến từ cả các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam lại tương đối thụ động. Sinh viên có xu hướng chọn các công việc có thu nhập cao hơn ở các doanh nghiệp nước ngoài là điều dễ hiểu. Nếu như các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng, chủ động tham gia cùng cơ sở đào tạo thì chắc chắn sẽ cải thiện được điều này.
Thông tin tại tọa đàm, PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng không phải sinh viên nào cũng có điều kiện đi học thêm tiếng Anh, trong khi nếu đưa các chương trình đào tạo kỹ năng mềm vào trong chương trình học ở trường thì sẽ rất tốn kém. Bài toán học phí sẽ khó cho người học. Vì vậy, giải pháp là cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp để giải quyết rốt ráo vấn đề này. Bởi bên cạnh kiến thức nền tảng thì bài toán thực tế luôn sống động và có nhiều phương án giải quyết phù hợp với từng đối tượng hơn. Đặc biệt, khi sinh viên được tạo cơ hội tham gia thị trường lao động ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường sẽ nhận thức rõ hơn những kỹ năng, kiến thức còn khuyết thiếu, tạo động lực để bổ sung từ sớm thay vì đến khi đi làm mới “ngỡ ngàng”, thậm chí đánh mất những cơ hội quý chỉ vì thiếu kỹ năng mềm.
Tại tọa đàm, PGS. TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp đối với nhà trường, hiện có 35% liên quan đến đăng ký tuyển dụng, 30% là tổ chức các hội thảo về việc làm. Phần liên quan đến tổ chức đưa sinh viên đến tham quan thực tập chỉ chiếm khoảng 20%, 10% còn lại là các hoạt động về trao học bổng và 5% là các hình thức kết nối khác. Gần đây doanh nghiệp đã bắt đầu tài trợ cho học viên cao học, trong tương lai sẽ có thêm học bổng của doanh nghiệp dành cho sinh viên.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng chất lượng giáo dục ĐH phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh ĐH thực hiện cơ chế tự chủ. Đây cũng là trách nhiệm xã hội mà doanh nghiệp cần nhận thấy.
Theo: Daidoanket