Gần đây, giá heo hơi trên cả nước liên tục tăng, gây lo ngại giá thịt heo trên thị trường sẽ ngày càng đắt đỏ, gây khó cho người tiêu dùng.
Từ đầu tháng 7/2022, giá heo hơi liên tục tăng cao, mức tăng cao nhất được ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc.
Tính đến ngày 26/7, giá thịt heo hơi miền Bắc ở mức 68.000 – 70.000 đồng/kg, tăng 15% (tương đương 8.500 đồng) so với tháng trước và tăng 7,8% (4.700 đồng/kg) so với cùng kỳ năm trước.
Giá heo hơi miền Trung ở mức 65.000 – 69.000 đồng/kg, tăng 12,3% (tương đương 6.800 đồng/kg) so với tháng trước và tăng 2,5% (1.500 đồng/kg) so với cùng kỳ năm trước.
Tại khu vực miền Nam, phía Đông Nam Bộ giá heo hơi ở mức 67.000 – 69.000 đồng/kg, tăng tương ứng 12,3% (6.850 đồng/kg) và tăng 9,6% (5.450 đồng/kg).
Tương tự, tại khu vực Tây Nam Bộ, giá heo hơi ở mức 65.000 – 67.000 đồng/kg, tăng 9,1% (5.100 đồng/kg) so với tháng trước và tăng 7,4% (4.200 đồng/kg) so với cùng kỳ năm trước.
Nếu so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá heo hơi miền Bắc đã tăng thêm 8.600 đồng/kg, miền Trung tăng 5.800 đồng/kg. Đông Nam Bộ tăng 6.150 đồng/kg và Tây Nam Bộ tăng 5.800 đồng/kg.
Đến ngày 1/8, giá heo hơi đã hạ nhiệt đôi chút. Giá heo hơi tại miền Bắc giao dịch quanh mức 67.000 – 68.000 đồng/kg.
Tại tại miền Trung và Tây Nguyên, giá heo hơi giảm xuống 63.000 – 66.000 đồng/kg.
Còn tại miền Nam, giá ít biến động, vẫn được bán trong khoảng 63.000 – 68.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, giá heo hơi tăng thời gian qua là do nguồn cung thiếu hụt ở nhiều tỉnh bùng phát dịch tả heo châu Phi trong quý 1/2022. Bên cạnh đó là áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao cùng tác động của thị trường Trung Quốc.
Từ sau Tết Nguyên đán, giá thức ăn chăn nuôi tăng 6 lần liên tiếp. Hiện giá cám đang ở ngưỡng 350.000 – 400.000 đồng/bao 25kg, tăng khoảng 150.000 đồng/bao so với thời điểm đầu năm và tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2020.
Lý giải câu hỏi vì sao giá xăng dầu giảm mạnh mà giá heo hơi vẫn tăng, chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho biết không chỉ giá thịt heo mà hầu hết các loại thực phẩm khác trên thị trường Việt Nam đều có độ trễ sau khi giá xăng dầu điều chỉnh vì các doanh nghiệp, tiểu thương có tâm lý đợi xem đà giảm của xăng dầu có bền vững không rồi mới từ từ điều chỉnh giá sản phẩm.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu chỉ chiếm phần nhỏ (khoảng 10%) là ảnh hưởng trực tiếp đến giá heo hơi. Còn yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất chính là giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
“Các công ty thức ăn chăn nuôi lý giải việc tăng giá bán là do các nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Mà để chờ nguồn nguyên liệu đầu vào giảm giá sau khi giá xăng dầu đã giảm cũng cần có độ trễ. Như vậy, nếu giá heo hơi hạ nhiệt theo giá xăng dầu thì sẽ phải trải qua 3 lần độ trễ, gồm: độ trễ giảm giá nguyên vật liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, độ trễ giảm giá thức ăn chăn nuôi và cuối cùng là độ trễ giảm giá heo ở các khâu trung gian, bán lẻ. Chính quá trình phức tạp này khiến giá heo hơi chậm giảm”, ông Phú phân tích.
Trong khi đó, nhiều hộ chăn nuôi heo ở Khoái Châu (Hưng Yên), Bình Lục (Hà Nam) cho biết họ đang rất dè dặt, thận trọng trong khâu tái đàn. Một số hộ chỉ đang sử dụng khoảng 30% diện tích chuồng nuôi bởi giá heo hơi cao đồng nghĩa với giá con giống cao. Nếu dịch bệnh bùng phát thì họ sẽ lỗ nặng.
Nguồn cung giảm kết hợp hàng loạt độ trễ trong việc hạ giá nguyên liệu đầu vào khiến giá heo hơi thiết lập mặt bằng mới và rất khó hạ trong thời gian ngắn.
Theo chuyên gia Vũ Vĩnh Phú, để giải quyết tận gốc vấn đề cần có sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành và phải luật hóa cụ thể khâu sản xuất đến khâu trung gian, bán lẻ. Nếu không, người tiêu dùng sẽ vẫn phải mua thịt heo với giá đắt đỏ.
Thủ tướng yêu cầu kiểm soát giá thịt heo
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương kết hợp với Bộ NN&PTNT, các tỉnh tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt heo tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.
Thủ tướng yêu cầu làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) để đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán.
Theo: suckhoedoisong