Tỷ giá biến động và tín dụng thắt chặt đang là những thách thức đà tăng trưởng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bứt phá trong nửa đầu năm
Trong hai năm dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 trong năm 2021, với việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam – thủ phủ công nghiệp của cả nước – đã khiến nhiều doanh nghiệp gần như “đóng băng”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, từ quý IV/2021, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn “bình thường mới”, bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam đã được cải thiện rõ nét. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 49,26 tỷ USD, tăng 20%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,68 tỷ USD, tăng 16,3%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 120 tỷ USD, tăng 15,6%.
Tại talkshow “Chọn danh mục” kỳ 12 với chủ đề: “Khơi dòng vốn sản xuất – kinh doanh” do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức vào chiều ngày 14/7/2022, dẫn số liệu tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm đạt trên 17% và tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới trên 370 tỷ USD, gấp gần 2 lần GDP, bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) nhận xét, các doanh nghiệp đã nhanh chóng bứt phá tăng trưởng trở lại sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng giám đốc ABBank (bìa phải) chia sẻ về chính sách tín dụng của Ngân hàng với doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại talkshow của Báo Đầu tư. |
“Đến thời điểm hiện tại, năng lực tài chính khách hàng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và họ có thể đứng vững được sau những gì đã trải qua. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có sự năng động và linh hoạt khi nhanh chóng điều chỉnh về thị trường. Trong dịch bệnh, doanh nghiệp xem xét và thay đổi chiến lược, đa dạng hóa thị trường để tránh vào những thị trường đang gặp khó khăn. Về mặt hàng, các doanh nghiệp cũng liên tục điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Bà Hương lấy dẫn chứng, với những mặt hàng may mặc, các công ty xuất nhập khẩu đã điều chỉnh sản phẩm hướng đến sự thân thiện, thoải mái, phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu cũng có những dự báo và điều tiết kịp thời về thị trường.
Rủi ro biến động tỷ giá và khó khăn nguồn vốn
Bên cạnh sự phục hồi ấn tượng trong nửa đầu năm 2022, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang đứng trước bài toán biến động tỷ giá. Áp lực lạm phát khiến Ngân hàng Trung ương Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ, mạnh tay nâng lãi suất điều hành. Sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%/năm, lên mức 1,5 – 1,75%/năm. Điều này khiến đồng bạc xanh tăng giá, nói cách khác hầu hết các đồng tiền trên thế giới giảm giá so với USD và VND không là ngoại lệ.
Về mặt lý thuyết, đồng nội tệ giảm giá có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng bất lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và công nghệ nhựa Pha Lê (mã PLP) – doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm gạch nhựa phục vụ thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu thu về tiền USD, nhưng mua nguyên liệu từ các nước cũng phải trả bằng USD, điều này làm mất lợi thế chênh lệch tỷ giá khi xuất khẩu.
“Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều khi đồng nội tệ mất giá tưởng là có lợi nhưng thực tế lại không”, ông Phương cho biết.
Tuy vậy, theo ông Phương, trong trường hợp doanh nghiệp dự báo được tình hình kinh tế vĩ mô trên thế giới và biến động USD để tăng vay nợ nhằm tích trữ nguyên vật liệu sẽ có được hưởng lợi do được thanh toán bằng đồng USD giá rẻ.
Chia sẻ về biến động tỷ giá với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhập khẩu, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW), cho rằng, hiện VND có mất giá so với USD nhưng không nhiều, chỉ khoảng 1 – 2%.
Tại Digiworld, do các sản phẩm Công ty phân phối 100% nhập khẩu nên khi tỷ giá USD/VND tăng, giá vốn của Công ty cũng tăng, nhưng việc hàng hóa tăng giá sẽ được chuyển đến người dùng. Tuy vậy, việc giá bán tăng sẽ làm sức cầu yếu đi và đây là yếu tố ảnh hưởng gián tiếp đến biên lợi nhuận của Công ty.
Ông Phương cũng phản ánh, nguồn cung vốn của các doanh nghiệp lúc này cũng đang bị siết chặt hơn và trở thành vấn đề rất đáng quan ngại trong giai đoạn phục hồi sản xuất, “vì vốn lưu động được ví như máu tạo nên dòng tiền để doanh nghiệp tồn tại”.
“Cần tạo điều kiện cung vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mang về ngoại tệ, góp phần cân bằng cán cân thương mại cho vĩ mô”, ông Phương kiến nghị.
Vai trò đồng hành của ngân hàng
Những thách thức trên của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần sự chung tay giải quyết của ngành ngân hàng. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nỗ lực nắn dòng vốn đi đúng hướng vào các lĩnh vực ưu tiên phát triển, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu.
Từ phía ngân hàng thương mại, Phó tổng giám đốc ABBank Nguyễn Thị Hương cho biết, Ngân hàng đã đưa ra những hạn mức tín dụng, hạn mức LC, hạn mức bảo lãnh linh hoạt và tạo thuận lợi cho khách hàng với mức lãi suất, phí, cùng tỷ lệ ký quỹ rất cạnh tranh, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội trong thời gian tới.
Cụ thể, với khách hàng nhập khẩu, ABBank có những sản phẩm như UPAS L/C (sản phẩm tài trợ nhập khẩu theo LC trả chậm đối với nhà nhập khẩu, có điều khoản cho phép thanh toán trả ngay đối với nhà xuất khẩu khi xuất trình bộ chứng từ hợp lệ) giúp khách hàng có lợi thế trong việc đàm phán với các đối tác của họ.
Đối với những sản phẩm cho vay, tài trợ xuất nhập khẩu, bảo lãnh, ABBank đều rà soát để giúp sản phẩm này phù hợp nhất với nhu cầu khách hàng.
Với những doanh nghiệp lớn, mức lãi suất cho vay bằng tiền VND ngắn hạn có thể chỉ là 5,5%/năm, hay vay USD ngắn hạn chỉ 2,6%/năm. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ khoảng 6,2%/năm, còn trung dài hạn khoảng 7,9%/năm.
“Với những khách hàng có nhu cầu vốn và tiếp cận với ABBank thì chúng tôi vẫn đang xử lý và giải ngân như bình thường, chưa có sự siết chặt”, bà Hương khẳng định.
Cũng theo bà Hương, ABBank đã tinh gọn và số hóa quy trình xét duyệt cho vay, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn một cách thuận tiện và dễ dàng nhất. Đặc biệt, ngân hàng này đang tích cực chuẩn bị triển khai gói vốn hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước.
“Đến nay, ABBank đã sẵn sàng về mặt quy trình, tiếp theo sẽ xây dựng công cụ triển khai theo dõi và báo cáo quản lý và thông báo đến khách hàng – những đối tượng được cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất này. Chúng tôi sẽ làm việc này trong tháng 7 và những tháng tiếp theo. Với những sự chuẩn bị đó, chúng tôi tin rằng, trong 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và phát triển một cách lành mạnh”, Phó tổng giám đốc ABBank khẳng định.
Theo: tinnhanhchungkhoan