Theo Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, “kinh tế hàng rong” được xem là phương thức thúc đẩy tiêu dùng và tạo thêm công ăn việc làm cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc ông Lý ủng hộ hoạt động kinh doanh hè phố lại đang gây tranh luận tại Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia này đang chật vật tìm cách tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người thất nghiệp và sinh viên mới ra trường.
Quần áo được bày bán trên đường phố thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
Trong khi một số người cho rằng, các sạp bán hàng ngoài đường và các cửa hàng kinh doanh quy mô nhỏ sẽ giúp tạo ra khoản hỗ trợ sinh nhai ngay lập tức, thì một số khác lại nhận định ‘kinh doanh hàng rong’ không phù hợp với các thành phố tuyến đầu như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.
Hôm 8/6, tờ Shenzhen Special Zone Daily đã cho đăng bài bình luận nhấn mạnh mỗi thành phố cần có những chính sách riêng về hoạt động kinh doanh hàng rong.
“Rõ ràng những siêu đô thị như Thâm Quyến không nên theo đuổi những thứ nhất thời và vội vàng phát triển ‘kinh tế hàng rong’”, bài bình luận trên Shenzhen Special Zone Daily viết.
Trước đó, hôm 6/6, tờ Beijing Daily nhấn mạnh Bắc Kinh không nên phát triển các chính sách kinh tế “không phù hợp với vị trí chiến lược của thủ đô”.
Cũng trong tuần trước, truyền hình Thượng Hải đã cho đăng bản tin ca ngợi hoạt động kinh tế ban đêm của thành phố, nhưng khi phỏng vấn một vài quan chức, họ đều cho biết sẽ có những chính sách quản lý hoạt động bán hàng trên đường phố.
“Đối với các quầy bán hàng di động hoạt động kinh doanh ngoài khu vực tập trung, chúng ta cần có những chính sách quản lý hoạt động tiêu chuẩn và hiệu quả hơn”, ông He Bin, một quan chức tại cục quản lý quận Tĩnh An thuộc thành phố Thượng Hải chia sẻ.
Mối quan hệ giữa người bán hàng rong với các nhà quan lý đô thị được miêu tả như “chuột với mèo”. Bởi trước đây, các quan chức quản lý đô thị luôn xua đuổi và tịch thu hàng hóa của những người bán hàng rong.
Nhưng hồi tháng Năm, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết ông muốn thúc đẩy “kinh tế hàng rong” và ca ngợi một số thành phố trong đó có Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên đã giúp tạo ra công ăn việc làm cho hơn 100.000 lao động bằng cách khuyến khích kinh doanh hàng rong.
Tới ngày 1/6, trong chuyến thăm tới thành phố Yên Đài thuộc tỉnh Sơn Đông, ông Lý một lần nữa mô tả những người bán hàng rong là “huyết mạch của Trung Quốc”. Theo ông Lý, đây là nguồn cung cấp việc làm quan trọng và là một phần trong cuộc sống dân sinh.
Ông Sheng Guangyao, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Môi trường và Đô thị thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, sáng kiến thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh hàng rong là phù hợp với các thành phố có quy mô nhỏ.
“Cả những người bán hàng rong cho tới khách mua đều thuộc nhóm thu nhập thấp. Các thành phố lớn không có nhiều người như vậy. Hình ảnh hàng rong nhan nhản ở các thành phố lớn là không phù hợp. Xét về mật độ dân số tại các thành phố lớn cùng tình trạng tắc nghẽn trên đường và vỉa hè, tôi cho rằng kinh tế hàng rong không phải là ý tưởng hay đối với các thành phố quy mô lớn ở Trung Quốc. Trong quá khứ, chính quyền các địa phương đã phải nỗ lực rất lớn để dẹp bỏ hàng rong. Tình trạng này không thể tái diễn bởi sẽ rất khó để kiểm soát trong tương lai”, ông Sheng bày tỏ ý kiến.
Theo: Infonet