Nói về thời thơ ấu, H’Hen Niê dùng ba từ: “Hạnh phúc, êm đềm và thú vị”. Có lẽ chính tuổi thơ hồn nhiên cùng những ước mơ trong veo chính là đũa thần giúp cô bé Ê Đê ngày nào trở thành Hoa hậu đẹp nhất thế giới năm 2018.
H’Hen Niê vừa xuất sắc giành chiến thắng trong cuộc bình chọn Timeless Beauty – Vẻ đẹp vượt thời gian do chuyên trang nhan sắc Missosology tổ chức. Đó là một cuộc bình chọn khép kín trong giới chuyên gia. Ngôi vị này có ý nghĩa hơn cả Top 5 Miss Universe 2018, bởi nó đánh giá tầm ảnh hưởng của một người đẹp trên trường quốc tế chứ không chỉ là các số đo.
H’Hen Niê được người Philippines gọi là nàng Cinderella Việt Nam. Nhưng Hen (cách gọi tên thân thuộc của H’Hen Niê) có lẽ không giống Cinderella. Bởi không có chiếc đũa thần nào chạm vào Hen để biến cô từ cô gái lem luốc, rách rưới thành một nàng công chúa lộng lẫy trong tích tắc.
Hen chưa bao giờ từ chối quá khứ, cuộc sống nơi buôn làng Ê Đê nghèo khó với những con đường rừng rú của mình. Cô vẫn trở về nơi ấy mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, ngồi ở gian bếp quánh đen màu khói quen thuộc và chui vào vòng tay mẹ, người phụ nữ Ê Đê thuần khiết.
Nếu có một điều gì đó giống “phép màu” để cô bé Ê Đê nghèo ấy trở thành người phụ nữ đẹp nhất thế giới năm 2018 thì đó chắc hẳn chính là tuổi thơ. Một tuổi thơ được tưới tắm trong yêu thương hồn nhiên không chút sách vở, hoài bão, kì vọng, toan tính và thứ văn minh thực dụng của xã hội hiện đại.
Hen sinh năm 1992 tại buôn Sứt M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Cha cô là ông Y’Krin Êban, mẹ cô là bà H’Ngơn Niê. Cả hai ông bà đều không biết nói tiếng Việt. Hen có cả thảy 6 anh chị em. Hen là con thứ 3 trong nhà. Sau Hen còn có 3 em nữa. Thế nhưng, theo lời ông Y’Krin, Hen là lao động chính trong nhà ngay từ khi còn nhỏ. “H’Hen hái cà phê nhanh nhất nhà, chăn bò cũng rất tốt, chưa bao giờ để bò lạc”.
Lúc 7, 8 tuổi, Hen đã thích lên rẫy, vào rừng với ông nội. Lên 11, 12 tuổi, Hen đã được giao những công việc nặng. Điều này cũng là bình thường với trẻ con Ê Đê. Đứa trẻ nào có khả năng lao động từ sớm để phụ giúp kinh tế cho gia đình thì luôn lấy đó làm niềm tự hào.
“Hen cũng thế. Gia đình của mình mà. Mình cố gắng vì mọi người là chuyện bình thường. Với Hen, lao động là niềm vui. Hen sợ phải ngồi không lắm. Tất nhiên cha mẹ thì không có thưởng cho ai làm việc tốt vì cha mẹ không muốn Hen cố gắng chỉ vì để được thưởng. Đó là ý thức và tình thương của mình đối với gia đình.”, Hen tâm sự.
Nếu có điểm gì đó khác biệt ở Hen thì đó là việc cô tỏ ra mạnh mẽ hơn những đứa trẻ Ê Đê cùng lứa khác. Và hoàn toàn không giống một cô con gái. “Hồi nhỏ Hen quậy lắm, nói chung là cứ như một bé trai vậy”, Hen bảo.
Mỗi lần vì nghịch mà bị thương hay đau ốm trong người, Hen không bao giờ nói với bố mẹ để được làm nũng. Cô lẳng lặng vào nhà già làng hỏi, rồi lẳng lặng vào rừng kiếm lá tự đắp tự chữa. Cha mẹ Hen khi biết chuyện cũng không trách mắng gì con. Bởi người Ê Đê luôn để cho những đứa trẻ tự do trong cả việc chăm sóc bản thân mình. Còn Hen bảo: “Khi cha Hen kể chuyện đó ra thì nhiều người bảo Hen liều lĩnh từ nhỏ. Nhưng không phải đâu. Ngày bé Hen đã biết rằng cái gì có thể tự làm được thì sẽ tự làm, không cần nhờ vả người khác. Nếu cứ dựa dẫm thì không thể trưởng thành được.”
Nhớ về tuổi thơ, Hen bảo, đó là những ngày tháng “Hạnh phúc, êm đềm và thú vị”. Êm đềm vì tuy gia đình nghèo khó nhưng chưa bao giờ cha mẹ để cho các con phải đói, không ai trong nhà phải lạc xứ tha phương. Êm đềm còn vì cả gia đình lúc nào cũng ngủ chung với nhau theo tục lệ của người Ê Đê, và Hen ở tuổi 27 vẫn được nằm cạnh mẹ, nhõng nhẽo mẹ như một đứa trẻ. Êm đềm còn vì Hen được bú mẹ tới tận khi đi học lớp 1 vì người Ê Đê không cai sữa cho con mà để cho trẻ tự bỏ bú. Thế nên, Hen sáng đi học trưa lại về chia vú mẹ với em.
Những năm tháng tuổi thơ của Hen ngoài giờ lên nương rẫy mót cà phê, chăn bò, thì còn thơ thẩn ẵm em thay mẹ, hát những bài dân ca Ê Đê học được từ bà để ru em ngủ. Ba đứa em lớn lên, không phải bế ẵm nữa thì Hen lại dạy em học bài. “Mình học được gì thì phải chỉ lại cho các em. Nếu không thì tốn tiền ba mẹ cho mình ăn học lắm”.
Hen của những ngày êm đềm ấy có rất nhiều ước mơ. Ước mơ trở thành một cô bán ve chai khi nhìn thấy cô ve chai vào làng, cầm một sập tiền mua đủ thứ trên đời. Ước mơ có thể hóa thành chim, tự do bay lượn trên bầu trời tung tăng không ràng buộc. Nghiêm túc nhất là ước mơ trở thành một cô nhân viên ngân hàng mà Hen vẫn gặp mỗi lần theo cha mẹ lên huyện vay tiền chính sách.
Tuổi thơ của Hen trôi đi trong bình yên, trong rừng già, trong những bạt ngàn cà phê và trên con đường đất đỏ từ nhà tới trường dài gần 10 cây số cứ mỗi khi trời đổ mưa là trở nên sình lầy. Nếu có một chút gợn bất an nào đó thì ấy là một lần mẹ chở Hen đi bán vàng – số vàng ít ỏi mà người Ê Đê vẫn dùng để phòng thân. “Nhà lúc đó bị nghiêng, không còn an toàn nữa mà cha mẹ không còn đồng tiền nào”. Cũng vì thế mà khi có được thu nhập tốt với danh hiệu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, việc đầu tiên Hen nghĩ đến tiết kiệm để xây căn nhà mới khang trang hơn cho cha mẹ và các em.
Cô cũng xây cho cậu ruột mình một căn nhà. Vì lời hứa năm xưa mỗi khi sang nhà cậu xin ăn khoai. “Cậu cho con ăn khoai đi, mai kia con lớn con xây nhà cho cậu”. Người Ê Đê không biết nói dối, không có từ nói dối trong từ điển, nên ngay cả câu nói vô tư nhất, tức thời nhất của ngày thơ bé cũng được cô gái Ê Đê lưu giữ, khắc ghi chờ đến ngày trả ơn.
Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ nắm giữ quyền gia trưởng trong gia đình. Với họ, chăm sóc con cái, quán xuyến nhà cửa là trọng trách cao cả và cũng vì thế mà vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng rất lớn. Hen được thừa hưởng bản năng làm chủ đó trong dòng máu của người phụ nữ Ê Đê.
Bà H’Ngơn Niê vốn không biết tiếng Kinh, trừ lần đi sang Thái Lan cổ vũ cho con gái, chưa từng đi đâu quá xa khỏi buôn làng của mình. Bà tính cách hay lo lắng nhưng lại chính là chỗ dựa vững chắc nhất trong gia đình và của riêng Hen.
Lần đầu tiên Hen xuống Sài Gòn học, bà H’Nghơn đứng ngồi không yên, sợ con bước ra thế giới rộng lớn sẽ gặp những điều bất trắc. Bà dặn con phải cất tiền vào tất, không được để trong ví vì nếu ngủ quên trên xe sẽ dễ bị móc trộm. Nhưng điều bà nhắc đi nhắc lại là: “Đừng bao giờ làm điều xấu với ai”.
Khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, Hen định giữ lại 30% để chi trả một phần chi phí tham gia cuộc thi và tiết kiệm cho bản thân, nhưng bà H’Ngơn không đồng tình. Bà yêu cầu con gái quyên góp 100% làm từ thiện. Nhà cửa bà chưa cần xây và tiền bạc thì có thể kiếm sau đó được. Bà nói với Hen: “Cái gì không phải do mình lao động làm ra mà được cho thì nên đem cho người khác”.
Hen bật cười nhớ lại thời 13, 14, mẹ giục lên giục xuống chuyện lấy chồng thì giờ 27 tuổi mẹ lại cấm cô yêu chỉ vì lo con gái mải yêu mà xao nhãng trách nhiệm của một Hoa hậu với cộng đồng.
Những ngày Tết này, Hen lại được về quê sau cả năm gặp đối tác ê kíp còn nhiều hơn cha mẹ. Cô sẽ lại được ăn món canh cà đắng mẹ nấu, được rúc vào lòng mẹ ngủ, được gói bánh tét, đi tảo mộ… như những ngày thơ ấu hồn nhiên.
Theo : afamily