Nết ăn, nét ở là những căn cứ rất quan trọng trong việc đánh giá, xem xét một con người.
Tôi có ông anh đã về hưu. Ông anh tôi trước nay xởi lởi dễ tính. Trong họ ngoài nhà, với ai anh cũng vui vẻ đồng thuận. Anh có mỗi đứa con gái, cứ nghĩ để vợ chồng cháu ở với anh cho nhà ấm cúng. Ai ngờ con gái anh thì ổn nhưng cái nết ăn nết ở của thằng con rể không thể chấp nhận được.
Ông anh tâm sự, thằng con rể ở nhà bố mẹ vợ mà cả năm không dọn nổi bữa cơm. Mẹ vợ nấu dọn xong gọi xuống “đá đòn”. Ăn xong cắp đít đứng dậy. Anh bảo cái nết ăn của nó anh không thể chấp nhận được, đi về nó mặc kệ chẳng bao giờ biết thưa gửi chào hỏi bố mẹ một câu.
Nết ăn nét ở của một con người phải được giáo dục và rèn luyện ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ.
Lúc mới còn cố, giờ cứ thấy nó cúi gằm mặt xuống bát cơm chứ nhất định không chịu bê lên là anh đã thấy không muốn ăn. Ai đời thức ăn gắp từ đĩa vẩy thẳng lên miệng chẳng ý tứ gì. Ăn cá thì cứ rỉa miếng ngon rồi cho đũa vào miệng xong lại chọc xuống thức ăn thì ai mà nuốt được.
Cứ tưởng học chữ kiến thức, chuyên môn mới khó chứ việc ăn uống, đi đứng thì có khó gì. Thế mà không phải thế. Câu nói của các cụ muôn đời vẫn là chân lý: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Những thứ không cần đến trường lớp. Đó là kinh nghiệm dân gian truyền lại thông qua sự giáo dục trực tiếp của cha mẹ từ lúc con còn bé.
Ở gần nhà tôi có một cô bé thế hệ 2000. Cháu rất xinh, nghe nói ở trường cũng học khá, vậy mà cháu chưa từng biết chào hỏi hàng xóm láng giềng lấy một câu. Sáng đi học gặp các bà trong khu phố cháu cứ lừ lừ đi qua, trưa về gặp bác hàng xóm ngay sát nhà cháu cũng mặc kệ. Thậm chí có người sang chơi đến tận nhà cũng chưa từng được cháu chào hỏi.
Trước đây, môi trường, lối sống và sinh hoạt hàng xóm láng giềng chỉ là trong phạm vi làng xã, khu phố. Bao nhiêu năm vẫn những hộ dân ấy, đầu phố và cuối phố biết tường tận về nhau, lại được ảnh hưởng từ ông bà cha mẹ về lối sống tình cảm, quan tâm đến hàng xóm láng giềng và răn dạy về lễ nghĩa khi gặp người lớn phải chào hỏi cho nên đa phần người thế hệ trước “mau mồm mau miệng” chào hỏi.
Cũng có thể do cuộc sống có nhiều thay đổi, hàng xóm láng giềng bây giờ đa số là dân nhập cư, nhà thuê, nhà mướn, nay ở, mai đi, thiếu sự gắn kết thân tình, nên tình làng nghĩa xóm cũng hờ hững, qua loa. Cho nên sự chào hỏi xóm giềng không còn được chú trọng trong nội dung giáo dục của các bậc cha mẹ trẻ.
Tuy nhiên, dù bạn là ai, đi đến bất cứ nơi đâu, chỉ cần một lời chào và nụ cười nở sẵn trên môi, bạn sẽ thấy con đường bớt xa và người lạ cũng trở nên thân thiện. Trong rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, chỉ cần nở một nụ cười, một lời chào thân thiện là đã thay đổi được cái nhìn của người đối diện.
Lắm lúc nghĩ thôi đại khái đi mà sống chứ cứ theo nếp ngày xưa mà áp đặt vào tuổi trẻ thì cũng quá. Khôn đâu đến trẻ, khoẻ đâu đến già. Nhưng thật sự thấy lắm “cậu ấm cô chiêu” ra đường không biết chào hỏi ai cũng chướng tai gai mắt.
Chị bạn kể chuyện dâu mới nhà chị ấy. Cả nhà ông bà bố mẹ và hai vợ chồng cô dâu mới. Bữa cơm bao giờ chồng cô cũng phải nhắc mời ông bà, bố mẹ ăn cơm không thì cô lại quên. Đã thế thêm cái tội vô duyên không ý tứ, nhà quê ăn uống giản đơn có đĩa cá rán hai con rô phi to thêm đĩa đậu phụ và món canh. Cô bé hăm hai hăm ba chứ bảo lên năm lên ba gì. Cơm không ăn. Ngồi ăn lèo phát hết con rưỡi cá rán rồi cắp đít đứng dậy chẳng chào hỏi ai
Trước đây, chúng ta sống một thời gian rất dài trong thời bao cấp thiếu thốn đói khổ. Con người lúc bấy giờ nâng niu trân quý từng hạt gạo lá rau. Trân trọng từng miếng cơm manh áo. Thời đó cha mẹ rèn giũa con cái khá cẩn thận bởi cuộc sống không có quá nhiều điều phải quan tâm và chi phối.
Vẫn biết mỗi thời mỗi khác, nhưng suy cho cùng, nét văn hoá của một con người vẫn toát ra từ nét ăn nết ở. Ở nhà biết hiếu kính ông bà cha mẹ, ăn nói ý tứ, ra đường gặp người lớn biết chào hỏi vui vẻ mới là người có văn hóa. Học rộng tài cao đẹp đẽ đến mấy mà ăn không nên đọi, nói không nên nhời, gặp người già không biết hiếu kính thưa gửi, gặp trẻ em không biết nhường nhịn tôn trọng thì cũng chẳng để làm gì.
Theo: GĐVN