Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách đối với người có công để họ có mức sống trung bình khá trở lên.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, biểu dương người có công tại Nhà hát sông Hương (TP Huế) ngày 22/7, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, ngành phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, thu hút nguồn lực xã hội để thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, góp phần bù đắp thiệt thòi cho người có công và gia đình họ.
Các cấp chính quyền cơ sở phải tạo điều kiện, nghiên cứu ban hành các cơ chế, biện pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực để gia đình người có công phát triển sản xuất kinh doanh, kinh tế hộ gia đình, đóng góp ngày càng nhiều cho cộng đồng và xã hội.
“Phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nhất là cho thế hệ trẻ lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc bằng nhiều hình thức với phương châm dễ nghe, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và dễ làm theo, noi gương”, lãnh đạo Chính phủ nói.
Người đứng đầu Chính phủ nói chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất nhưng những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má những người mẹ mòn mỏi tìm kiếm phần mộ của con. Vết thương chiến tranh vẫn hàng ngày đau nhức, nhất là lúc trái nắng, trở trời; những di chứng do chất độc da cam dày vò biết bao số phận.
76 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Giai đoạn 2012-2022, hơn 357.000 tỷ đồng đã được dùng để chi trả chế độ đối với người có công và thân nhân.
Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây mới trên 84.000 căn nhà, sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa, tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng; chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời gần 3.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thủ tướng mong muốn, những người có công với cách mạng trên cả nước tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, luôn là những tấm gương sáng trong lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập.
Nguồn: Vnexpress