Ăn trứng và uống một cốc sữa đậu nành vào buổi sáng sẽ bổ sung năng lượng dồi dào, giúp no lâu. Bữa ăn này có tốt cho sức khỏe không? (Trang, 27 tuổi, Ninh Bình)
Trả lời:
Uống sữa đậu nành kết hợp ăn trứng là thói quen của nhiều người. Cả hai đều là thực phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt là đạm và vitamin.
Theo bảng thành phần dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, trong 100 g đậu nành có 34 g chất đạm, 18 g chất béo, 24 g chất tinh bột, nhiều vitamin. Lượng đạm có được từ đậu nành cao hơn cá và thịt bò. Đậu nành có ba loại chất dinh dưỡng sinh năng lượng là protein, lipid, glucid. Hàm lượng protein trong đậu nành đặc biệt cao và có đến 18 loại axit amin thiết yếu.
Trứng gà chứa 11,6 g chất béo, 55 mg canxi còn trong trứng vịt chứa 14,2 g chất béo, 71 mg canxi. Một quả trứng vịt chứa 130 calo, gấp đôi lượng calo trong trứng gà. Hàm lượng protein, chất béo bão hòa, vitamin của trứng vịt cũng nhiều hơn so với trứng gà.
Do đó, kết hợp trứng và sữa đậu nành khiến cơ thể không thể tiêu hóa hết, dễ gây đầy hơi, khó chịu. Trong sữa đậu nành có chứa trypsin, khi kết hợp với protein trong lòng trắng trứng còn làm giảm giá trị dinh dưỡng, ảnh hưởng quá trình hấp thu của cơ thể. Nếu muốn ăn, bạn nên tách riêng hai sản phẩm từ một đến hai tiếng.
Người có vấn đề về đường tiêu hóa không nên uống quá nhiều sữa đậu nành để tránh kích thích dạ dày, tiết axit gây đầy hơi. Người bị loét dạ dày, viêm đại tràng, gout không nên ăn. Người bình thường không nên uống quá 500 ml/ngày.
Nên uống sữa đậu nành đun sôi kỹ để không bị đau bụng. Mọi người có thể ăn kèm với bánh mì, bánh bao hoặc các sản phẩm chứa tinh bột để dinh dưỡng trong đậu nành được hấp thu hoàn toàn.
Một số loại thuốc, đặc biệt kháng sinh chứa chất tetracycline, erythromycine, tác dụng phân hủy chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành. Do đó, bạn nên tránh uống kháng sinh cùng lúc với sữa đậu nành. Không nên trữ sữa trong phích nóng dẫn đến ôi thiu, ngộ độc.
Theo: Vnexpress (Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y)