KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng) là công việc mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam những năm gần đây, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người trẻ cũng như thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, thương hiệu. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển một lực lượng KOC chất lượng và hiệu quả vẫn là một vấn đề cần được quan tâm.
Cầu nối giữa khách hàng và thương hiệu
Công việc của một KOC là trải nghiệm sản phẩm, sử dụng vốn kiến thức của mình để lên nội dung truyền tải đến người xem ý kiến, cảm nhận cá nhân qua các nền tảng số. Bởi ngày nay, người tiêu dùng rất dễ để tìm kiếm thông tin về sản phẩm, nhưng họ luôn lăn tăn rằng liệu sản phẩm này dùng như thế nào, có hợp với mình không, có ai đã dùng qua sản phẩm này chưa và cảm nhận của họ như thế nào? KOC là lực lượng giúp người tiêu dùng trả lời những câu hỏi đó khi đưa ra những lời khuyên về việc sản phẩm này phù hợp với đối tượng nào, có nên mua hay không…
Sự năng động, sáng tạo, KOC trở thành một xu hướng thu hút giới trẻ dấn thân và trải nghiệm với thu nhập cao, dao động trong khoảng 8-10 triệu đồng/tháng, thậm chí có thể lên đến 100-150 triệu đồng/tháng. Hoàng Việt – Á quân KOC Việt Nam mùa đầu tiên chia sẻ: “Để trở thành một KOC chuyên nghiệp, người trẻ cần phải có khả năng tự lên ý tưởng, nội dung, kịch bản, tự quay và dựng video, chia sẻ những video review lên các trang mạng xã hội, fanpage…”.
Ngoài ra, KOC cũng cần có những phẩm chất đặc thù. Thứ nhất, KOC đòi hỏi người trẻ phải hiểu biết về lĩnh vực mà mình tham gia. Như vậy, thông tin mà KOC truyền tải mới mang tính thuyết phục. Thứ hai, KOC phải biết cách xây dựng mối quan hệ. Những sự hợp tác có thể giúp người trẻ đi nhanh hơn và mang lại những lợi ích nhất định. Thứ ba, sự kiên nhẫn. “Để trở thành một KOC, người trẻ phải kiên nhẫn. Rất khó để một bạn trẻ mới bước vào nghề có thể vụt sáng chỉ sau một video. Các bạn phải trải qua rất nhiều khó khăn mới có thể có được lượng người theo dõi nhất định và cũng phải thử qua nhiều lĩnh vực mới có thể tìm được cái phù hợp với mình nhất”, Hoàng Việt chia sẻ.
KOC vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với người trẻ. Đây là một công việc yêu cầu phải không ngừng học hỏi và sáng tạo. Thị trường KOC mang tính cạnh tranh cao, các KOC dễ bị đào thải nếu nội dung không đủ sức thu hút người xem. Beauty blogger Lucia – một KOC chuyên mảng làm đẹp, top 12 cuộc thi KOC Việt Nam tâm sự: “Vì với việc review sản phẩm thì nhiều người có thể mua và sử dụng rồi nêu ra trải nghiệm của mình nên các KOC cần liên tục sử dụng khả năng sáng tạo để tạo ra các video chất lượng, hữu ích cho người tiêu dùng mà vẫn có điểm thú vị, không nhàm chán. Điều này đòi hỏi sự cố gắng không ngừng nghỉ để không bị tụt lại phía sau!”.
Với tốc độ phát triển của các kênh truyền thông, mạng xã hội hiện nay, tính bền vững của công việc KOC cũng là một dấu hỏi lớn. Trước đây, KOL (người có sức ảnh hưởng) gần như nắm vai trò chủ chốt trong việc review giới thiệu sản phẩm. Hiện tại, KOL đã giảm nhiệt và dần bị thay thế bởi lực lượng KOC. Điều này đặt ra câu hỏi liệu KOC có tái diễn lại kịch bản như đã diễn ra với KOL. Bà Lê Quỳnh Bảo Trân – Chủ tịch đối tác thương hiệu Tập đoàn Nu Skin Enterprise, chuyên gia đào tạo KOC Affiliate Marketing cho biết: “KOC dễ bị thay thế là hiển nhiên. Nhưng tôi vẫn tin rằng KOC sẽ phát triển thêm nếu những bạn KOC trau dồi hơn về tính chuyên môn, kiến thức, kỹ năng hơn để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của khách hàng và xã hội”.
Đào tạo KOC nội bộ – chiến thuật giảm rủi ro cho thương hiệu
Những lợi ích qua việc sử dụng KOC cho doanh nghiệp là không thể bàn cãi, tuy nhiên doanh nghiệp cần sử dụng các KOC như thế nào để đem lại giá trị chuyển đổi bền vững. Sự bùng nổ của công việc KOC đã dẫn đến nhiều câu chuyện về KOC đưa những trải nghiệm tiêu cực, không đúng về sản phẩm và dịch vụ hay chuyện các KOC hét giá, “bùng kèo” gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điều này có thể hiểu được vì hầu hết KOC đều còn rất trẻ, có cái tôi cao nên đôi lúc họ đặt giá trị bản thân cao hơn nhãn hàng.
Do đó, doanh nghiệp cần có những phương pháp sử dụng hợp lý. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền vào các dự án đào tạo KOC để tìm kiếm những gương mặt phù hợp với doanh nghiệp của mình để xây dựng thương hiệu và bán hàng. Cuộc thi KOC Việt Nam do Lazada tổ chức hay dự án KOC Co-founder của F Fresh Spray đang triển khai với mục đích giúp các bạn trẻ định hướng, trang bị những kỹ năng cần thiết để trở thành một người tiêu dùng “có tâm và có tầm”.
Stylist Kye Nguyễn – đồng sáng lập dự án KOC Co-founder cho rằng, điều các bạn trẻ thiếu là cách kiểm soát và điều tiết sự sáng tạo, tư duy đột phá của mình sao cho hợp lý. Do đó, các doanh nghiệp có thể tạo ra những sân chơi, các dự án với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ, đội ngũ chuyên gia để định hướng và giúp các bạn trẻ phát huy tối đa khả năng sáng tạo trên nền tảng số cũng như hiểu đúng về công việc KOC. Sau mỗi dự án, doanh nghiệp cũng tìm được nơi uy tín để “chọn mặt gửi vàng”.
Ngoài cách trên, “phát triển KOC dựa trên lực lượng tiêu dùng thật của chính nhãn hàng cũng là một giải pháp hiệu quả. Doanh nghiệp có thể đào tạo KOC nội bộ bằng việc tuyển dụng khách hàng cũ, khách hàng lâu năm hoặc những người thật sự muốn kiếm thêm thu nhập trên mạng xã hội và có thích thú với việc trải nghiệm dịch vụ công ty cung cấp. Điều này vừa tạo ra một đội ngũ KOC nội bộ hiểu rõ sản phẩm, trung thành với nhãn hàng, vừa góp phần giảm rủi ro từ việc thuê KOC ngoài”, bà Trân nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên nhìn nhận rõ giá trị cuối cùng mình cần là niềm tin của khách hàng. Không phải bất cứ vụ việc KOC cảm nhận, đánh giá không tốt về nhãn hàng đều là lỗi lầm của KOC, mà đôi lúc cũng đến từ doanh nghiệp. Nên doanh nghiệp cũng phải liên tục cải thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ để tránh tình trạng “review toàn màu hồng, nhưng trải nghiệm thực tế toàn màu đen”. Đồng thời, KOC muốn hợp tác lâu dài với doanh nghiệp cần có thái độ làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật và trách nhiệm đối với người xem, doanh nghiệp và chính bản thân họ.
Theo: DNSG