Buổi sáng là khoảng thời gian quan trọng nhất trong ngày, là thời điểm để chúng ta nạp năng lượng để sẵn sàng cho những bất ngờ sắp sửa diễn ra. Tuy nhiên, nhiều người không hề muốn thức dậy vào buổi sáng, bởi họ không tìm thấy hứng khởi và luôn trong trạng thái căng thẳng, kiệt sức trước khi bắt tay vào chuẩn bị cho những hoạt động mới.
Vậy, đâu là những nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống vào buổi sáng? Và làm sao để thay đổi những thói quen này để có thể bắt đầu ngày mới hiệu quả hơn?
1. KHÔNG LÊN KẾ HOẠCH CHO NGÀY MỚI TRONG BUỔI TỐI TRƯỚC ĐÓ
Để bắt đầu một ngày thuận lợi hơn, cách tốt nhất là bạn nên lập kế hoạch vào ngày hôm trước. Ví dụ, bạn có thể chuẩn bị trước nguyên liệu để chế biến bữa sáng, chọn ra bộ trang phục mình sẽ mặc đi làm cho ngày hôm sau, hay đơn giản chỉ là lập một danh sách nhỏ những việc cần làm. Như vậy, bạn sẽ hình dung rõ nét những gì có thể diễn ra vào ngày mới để thực hiện mọi hoạt động một cách trơn tru hơn. Ngược lại, nếu không định sẵn kế hoạch trong buổi tối trước đó, khi thức dậy vào buổi sáng, bạn sẽ cảm thấy chán nản, thậm chí hoảng loạn vì không biết nên làm điều gì trước tiên.
2. NGỦ KHÔNG ĐỦ GIẤC
Nhiều người chọn cách thức dậy sớm để thiền định, tập thể dục hoặc làm những gì họ thích trước khi bắt đầu ngày mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngủ không đủ giấc sẽ gây khó khăn cho bạn trong việc thực hiện các hoạt động chăm sóc bản thân. Tiến sĩ Roxanne Prichard, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh đại học St. Thomas, bang Minnesota, cho rằng: “Ngủ không đủ giấc sẽ thúc đẩy hệ thống thần kinh giao cảm hoạt động quá mức, điều này dẫn đến việc tim đập nhanh hơn, khiến bạn nhìn nhận mọi thứ đều căng thẳng và choáng ngợp hơn so với thực tế”. Các chuyên gia cũng cho rằng, người lớn nên ngủ trung bình từ 7 đến 9 tiếng một ngày để có đủ năng lượng hoạt động cả ngày. Bên cạnh đó, việc sử dụng đồng hồ báo thức thông thường có thể đánh thức bạn trong cơn hoảng loạn, gây cảm giác bồn chồn và làm sản sinh hormone gây căng thẳng. Thay vào đó, chúng ta nên mặc định thời gian ngủ và thời gian thức giấc để đảm bảo thời lượng giấc ngủ một cách tốt nhất. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng loại đồng hồ thông minh có âm thanh báo thức tăng dần đều để tránh việc thức dậy trong hoảng loạn.
3. XEM ĐIỆN THOẠI NGAY KHI VỪA NGỦ DẬY
Xã hội hiện đại đi kèm với lượng thông tin được cập nhật liên tục, đòi hỏi chúng ta phải đọc tin tức mọi lúc. Tuy nhiên, việc sử dụng điện thoại ngay khi vừa ngủ dậy gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Khi vừa ngủ dậy, mắt chúng ta vẫn còn rất khô và cần thời gian điều tiết, do đó, tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng từ điện thoại sẽ khiến mắt bị lóa, gây ảnh hưởng không tốt đến thị lực nếu thực hiện trong thời gian dài. Bên cạnh đó, việc xem điện thoại vào buổi sáng làm chúng ta xao nhãng khỏi những việc quan trọng hơn. Đặc biệt, nhiều người có xu hướng dành hàng giờ để lướt mạng xã hội sau khi vừa ngủ dậy để cập nhật những sự kiện mới nhất, khiến họ quên mất việc rời khỏi giường để chuẩn bị cho ngày làm việc mới. Bên cạnh đó, một vài tin tức buổi sáng còn đem lại những cảm xúc tiêu cực, gây căng thẳng, làm ảnh hưởng đến năng lượng chung của cả ngày. Các chuyên gia cho rằng, chúng ta nên hạn chế và chia thời gian xem tin tức trên điện thoại xuống còn 30 phút vào buổi sáng và 30 phút vào buổi chiều tối. Khi đặt ra mức thời gian như vậy, chúng ta sẽ giảm tình trạng trì hoãn và xao nhãng những việc quan trọng vào buổi sáng.
4. UỐNG CÀ PHÊ NGAY KHI VỪA THỨC DẬY
Đây là điều không nên làm vì hành động này sẽ làm nảy sinh hormone cortisol, loại hormone xuất hiện mỗi khi chúng ta gặp căng thẳng. Cortisol sản sinh tự nhiên ở mức cao nhất sau khi chúng ta thức dậy và kéo dài khoảng từ 30 đến 40 phút. Do đó, việc uống cà phê sẽ đầy mức độ này tăng cao một cách đột biến, gây tăng nhịp tim và khiến chúng ta dễ lo âu, căng thẳng.
5. BỎ BỮA SÁNG HOẶC ĂN SÁNG KHÔNG LÀNH MẠNH
Bữa sáng đóng vai trò vô cùng quan trọng vì đây là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết cho một ngày làm việc hiệu quả. Do đó, việc bỏ bữa sáng dễ khiến chúng ta mệt mỏi và căng thẳng khi bắt đầu một ngày làm việc mới. Ngoài ra, các loại thức ăn nhanh, nhiều calo hoặc các loại thực phẩm chế biến sẵn là những món nên tránh trong bữa sáng. Bởi vì, những loại thực phẩm này không chứa các vitamin và khoáng chất cần thiết để cung cấp năng lượng, khiến chúng ta dễ mất tập trung và cạn kiệt sức lực.
6. KHÔNG TÌM RA NIỀM VUI MỖI KHI THỨC DẬY
Một trong những lý do khiến nhiều người chán chường khi thức dậy là họ không tìm ra những hoạt động buổi sáng khiến họ cảm thấy vui vẻ. Thói quen buổi sáng không nhất thiết phải là những hoạt động nhàm chán, đơn giản chỉ là mở một danh sách âm nhạc yêu thích khi vừa thức dậy để nhảy múa, đọc những câu nói truyền cảm hứng hay nhìn vào một bức ảnh khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Những hoạt động này sẽ thúc đẩy nguồn năng lượng tích cực bên trong để thu hút nhiều điều tốt đẹp trong ngày mới. Những hoạt động bạn yêu thích sẽ là nguồn động lực để bạn cảm thấy muốn thức dậy vào buổi sáng. Nhiều người chọn thiền định để tĩnh tâm hơn, một số khác chọn cách viết nhật ký hoặc tập những bài thể dục nâng cao sắc vóc và sức khỏe. Một hình thức khác có thể đem lại niềm vui vào buổi sáng là thực hiện lòng biết ơn. Khi bạn nhận ra và trân trọng những gì mình có được trong cuộc sống khi vừa thức dậy, bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục tiến về phía trước. Bên cạnh đó, vào buổi tối, bạn có thể viết vào nhật ký những gì làm bạn cảm thấy áp lực trong ngày, đi kèm theo một vài điều bạn cảm thấy biết ơn. Các chuyên gia cho rằng, việc làm này sẽ giúp chúng ta ngủ ngon hơn và cảm thấy nhẹ nhàng khi thức dậy vào buổi sáng.
Theo elle