Số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, trong năm 2021 số lượng ô tô cá nhân từ 9 chỗ trở xuống do người dân mua và đăng kiểm lần đầu tại Nghệ An và Hà Tĩnh lần lượt xếp thứ 4 và thứ 8 cả nước. Cụ thể, số xe mua mới ở Nghệ An là 14.628 xe còn Hà Tĩnh là 8.262 xe. Con số này thậm chí còn nhiều hơn cả một số tỉnh thành thuộc top địa phương giàu nhất cả nước như Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu hay Đà Nẵng.
Xe ô tô trên phố ở Thành phố Vinh, Nghệ An thậm chí còn đông hơn cả xe máy. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Đáng nói hơn là ở việc đây lại là 2 tỉnh thuộc nhóm “nghèo” nhất Việt Nam. Báo Lao Động đưa tin, năm 2021, Nghệ An cấp giấy chứng nhận hộ nghèo cho 34.161 hộ, cấp giấy chứng nhận hộ cận nghèo cho 53.990 hộ. Tại Hà Tĩnh, tổng số hộ nghèo của tỉnh năm 2021 là 17.848 hộ, hộ cận nghèo có 19.420 hộ.
Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người tại Nghệ An đạt 47,01 triệu đồng (cuối năm 2020 đạt 44,01 triệu đồng). Con số này của Hà Tĩnh là 67,03 triệu đồng/người/năm.
Xe ô tô đậu kín quanh một khu dân cư ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Kinh Tế Và Môi Trường)
Báo Tuổi Trẻ có viết, phong trào mua ô tô lan rộng ở những địa phương này là do thời gian qua, nhiều người đi làm ăn ở các nơi khác, xuất khẩu lao động… có tiền gửi về cho gia đình xây nhà, mua ô tô. Còn về phía chủ xe, họ cho rằng ô tô là phương tiện phục vụ đi lại thiết yếu nên dù trả thẳng hay trả góp thì vẫn cố để mua.
Nói về vấn đề này, ông N.K.H. ở xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh, Nghệ An đưa ra ý kiến: “Ô tô là phương tiện đi lại, mua xe là nhu cầu chính đáng của mọi người. Tỉnh nghèo không có nghĩa là toàn dân đều nghèo. Mua ô tô, người dân đã đóng góp nhiều khoản thuế, phí, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước…”
Phần lớn xe được người Hà Tĩnh và Nghệ An mua đều có mức giá tầm trung, ít xe sang. (Ảnh: Báo Nghệ An)
Ngoài ra, bà con cũng đổ xô đi mua ô tô khi Nhà nước giảm 50% lệ phí trước bạ. Những mẫu xe phổ thông được mọi người chọn mua phần nhiều nằm trong tầm giá từ 400 – 700 triệu đồng. Chỉ cần trả trước 30% giá trị là một người đã có thể có xe lăn bánh.
Anh L.V.S. ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh cũng chia sẻ do đặc thù công việc cần đi lại nhiều nên đã tích góp số tiền 400 triệu đồng và vay thêm 200 triệu đồng để mua được ô tô: “Nhiều năm trước đây, đối với tôi để mua ôtô hơn nửa tỉ đồng là cả ước mơ. Nhưng hiện nay đời sống đã tăng, việc mua ôtô cũng không khó khăn như trước. Mình góp được một số tiền, vay mượn thêm sắm chiếc xe đi lại đỡ mưa nắng.” – anh S. nói.
Bên cạnh đó, việc đầu tư mua ô tô đã phần nào cho thấy quan niệm về cuộc sống của bà nơi những tỉnh này cũng dần thay đổi. Từ lối sống chắt chiu, cần kiệm, đa số người ở Nghệ An – Hà Tĩnh đã hướng đến lối sống chất lượng, biết hưởng thụ hơn.
Tuy nhiên trường hợp số ô tô tăng lên quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông chưa kịp đáp ứng đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên. Cùng với đó, tại khu vực đô thị, số ô tô dùng động cơ xăng dầu càng nhiều thì càng khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này đã trở thành bài toán mà các địa phương đang phải tính toán để có biện pháp ứng phó, thích nghi.
Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An thường xuyên trong cảnh đông đúc người chờ tới lượt bấm biển số ô tô. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Việc chất lượng cuộc sống của mọi người được nâng cao là điều đáng mừng trong thời buổi kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Mặc dù vậy, trước khi sở hữu ô tô, chủ xe cũng cần phải tìm hiểu kĩ về các thủ tục liên quan cũng như đảm bảo việc nắm bắt các kĩ năng sử dụng xe cần thiết.
Nguồn : thethaovanhoa