Khi gia nhập Công ty General Motors (GM) vào năm 1980, Mary Barra vẫn còn là một cô sinh viên thực tập ở xưởng chế tạo với nhiệm vụ kiểm tra chất lượng xe tại chi nhánh sản xuất xe hơi Pontiac của hãng này.
Tuy lúc đó chỉ mới 18 tuổi nhưng Mary Barra đã có linh cảm rằng: chính từ những ngày tháng đầu tiên làm việc bên dây chuyền sản xuất xe hơi Pontiac là bước khởi đầu cho chặng đường gắn bó suốt mấy thập niên với GM sau đó; đồng thời giúp Barra để lại những dấu ấn lịch sử cho công ty cũng như sự nghiệp cá nhân của mình.
Sau 34 năm, Barra bước lên vị trí “thuyền trưởng” của “con tàu” GM, trở thành nữ tổng giám đốc (CEO) đầu tiên của GM và cũng là nữ CEO đầu tiên trong lĩnh vực sản xuất xe hơi.
Vào thời điểm Barra nhậm chức CEO, GM đang gặp sự cố về sự an toàn của bộ phận khởi động khiến 124 người chết, 275 người bị thương và công ty bị thiệt hại hơn 2 tỉ USD chi phí. Dưới sự lèo lái của Barra, GM đã lấy lại những bước phát triển chưa từng có trong lịch sử hoạt động của công ty.
Những năm qua, GM đã đầu tư hàng tỉ USD cho các dòng xe điện, xe hơi tự lái và dịch vụ đi xe chung có tên gọi Maven, tất cả tạo nên nền tảng vững mạnh cho tương lai của công ty.
Bên cạnh những thành tích nổi bật như tạo ra doanh thu 145,5 tỉ USD cho GM trong năm 2018, Barra cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và phản ứng từ dư luận trong thời gian gần đây khi GM công bố kế hoạch sa thải 14.000 nhân viên ở Bắc Mỹ nhằm tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển các công nghệ mới.
Dẫu vậy, một lần nữa nữ CEO này lại được vinh danh vào danh sách “Những phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018” của tạp chí Forbes với vị trí thứ tư (ba vị trí đứng đầu thuộc về Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May và Christine Lagade, Tổng giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IFM). Xét riêng trong lĩnh vực kinh doanh, Barra là nhà lãnh đạo nữ quyền lực nhất.
Là một trong 27 nhà lãnh đạo doanh nghiệp nữ có mặt trong danh sách nói trên của Forbes năm nay, Barra đã có một bước nhảy ngoạn mục khi vượt lên vị trí thứ 4 từ vị trí thứ 19 vào năm ngoái. Một trong những nỗ lực đáng ghi nhận của vị “nữ tướng” này ở GM trong những năm qua chính là việc thay đổi quan niệm của nhân viên công ty, vốn từng cố gắng che đậy những vấn đề về an toàn của công ty càng nhanh càng tốt để tiếp tục hoạt động. “Văn hóa chính là cách hành xử của con người”, Barra chia sẻ.
Geoff Colvin, biên tập viên cao cấp của tờ Fortune, đã từng viết về Barra trong cách hành xử với những sự cố nói trên của GM: “Barra đã làm điều ngược lại, cô ấy nói với toàn thể nhân viên trong một “cuộc họp tại sảnh lớn” của công ty rằng: “Tôi không bao giờ muốn để chuyện này rơi vào quên lãng. Tôi muốn kinh nghiệm đau thương này luôn nằm trong trí nhớ của tất cả chúng ta”. Đó là một thông điệp rất rõ ràng và đã gây sốc cho không ít nhân viên của GM lúc đó”.
Đã có rất nhiều bài viết về Barra, tuy nhiên Colvin cho rằng có những triết lý sau của nhà lãnh đạo doanh nghiệp nữ này đáng để các doanh nhân học hỏi.
1. Xem phản hồi của nhân viên là một món quà. Khi giữ vị trí giám đốc nhân sự của GM giai đoạn 2009-2011, Barra luôn rất nghiêm túc trong đánh giá nhân sự và đưa vào áp dụng một hệ thống đánh giá mới.
“Tôi xem phản hồi của nhân viên là một món quà. Bất cứ nhân viên nào cũng có thể cải thiện công việc của mình, dù chỉ làm việc một ngày hay trên 40 năm. Tôi luôn nói với nhân viên trong các cuộc họp rằng: Nếu bạn có một buổi họp đánh giá hiệu quả làm việc với sếp và sếp bạn không đưa ra một điểm nào mà bạn cần phải cải thiện thì bạn đừng nên rời văn phòng của sếp”.
2. Không cảm thấy ngạc nhiên hay lo lắng khi không ngồi vào hàng ghế lãnh đạo công ty. Khi một số người cho rằng Barra gặp những rào cản nhất định trong việc thay đổi văn hóa của công ty vì quyền lực bị phân chia, nhưng bà đã phản hồi: “Tôi luôn có được sự ủng hộ từ hội đồng quản trị, kể cả chủ tịch Tim Solso (hiện nay là Dan Ammann).
Ông ấy hiểu rất rõ trách nhiệm điều hành, quản lý doanh nghiệp của tôi. Tôi cũng cảm thấy mình được hội đồng quản trị trao quyền rất nhiều và tôi chẳng có điều gì phải lo lắng”.
3. Không đi tìm sự thỏa hiệp. Một cựu lãnh đạo cấp cao của GM đã từng nói: “Rick Wagoner (CEO của GM từ 2000-2009) là một người luôn muốn đi tìm sự đồng thuận từ những người xung quanh. Đó là một quá trình mất nhiều thời gian nhưng chưa chắc có đạt được thành công hay không. Mary thì không có sự kiên nhẫn để làm điều đó”.
4. Mạnh dạn nhìn vào sự cố của doanh nghiệp. Khi GM gặp sự cố về bộ phận khởi động xe hơi, nhiều nhân sự của công ty đã tìm cách né tránh. Nhưng Mary Barra mạnh dạn nhìn thẳng vào vấn đề. “Đó là cái gật đầu của GM, một hiện tượng khi tất cả mọi người cùng đồng thuận với một kế hoạch hành động được đưa ra, nhưng không hề có ý định thực hiện nó. Đó là một biểu hiện vô nghĩa”, Barra chia sẻ.
5. Phong cách lãnh đạo quân đội. Thomas Kolditz, một sĩ quan quân đội Mỹ đã về hưu từng đào tạo kỹ năng lãnh đạo ở West Point và hiện đang giảng dạy tại Trường Quản lý Yale, nói về Barra: “Tôi là một người rất hâm mộ Mary Barra và tôi nghĩ rằng cô ấy là một nhà lãnh đạo rất tài giỏi. Phải mất một thời gian để sửa đổi mọi việc và đưa chúng vào đúng quỹ đạo. Nhưng Barra đã làm rất tốt điều đó”.
Theo: Doanhnhanplus