Bên cạnh những ưu điểm như tiện lợi, hạn chế tiếp xúc hoặc đến nơi đông người, việc mua thực phẩm trên mạng xã hội cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn vệ sinh.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, người tiêu dùng có xu hướng chuyển từ thói quen mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến, đặc biệt là mua sắm thông qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử. Hiện nay, tất cả các loại nhu yếu phẩm, từ thực phẩm tươi sống đến các thực phẩm đã chế biến sẵn đều được rao bán và quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội với những lời chào mời hấp dẫn. Chỉ cần có chiếc smartphone trong tay, người tiêu dùng có thể thỏa sức “đi chợ online” mà không cần đến tận nơi như trước đây.
Trong thời điểm dịch bệnh, việc mua thực phẩm trên mạng là một sự lựa chọn phù hợp nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch. Đồng thời, đây cũng là giải pháp hiệu quả giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm có thể duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, thị trường thực phẩm trên mạng nở rộ cũng mang đến nhiều nguy cơ cho người tiêu dùng khi mua sắm và sử dụng thực phẩm.
Nguy cơ khi lựa chọn thực phẩm qua mạng xã hội
Do tính chất của việc mua hàng trên mạng không được tận mắt chứng kiến, kiểm tra sản phẩm, nên có rất nhiều cơ sở kinh doanh lợi dụng hình thức mua sắm này để kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thường các cơ sở kinh doanh qua mạng xã hội đa số là các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình, cá nhân nên không có giấy phép kinh doanh, chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chưa được cấp giấy đăng ký Công bố sản phẩm hay đăng ký xác nhận nội dung Quảng cáo sản phẩm.
Chất lượng sản phẩm được người kinh doanh cam kết bằng miệng, khó kiểm chứng và không có cơ sở để khiếu nại. Người mua cũng không kiểm chứng được nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, dễ mua phải sản phẩm kém chất lượng.
Ngoài ra, các sản phẩm kinh doanh trên mạng thường được quảng cáo thổi phồng chất lượng, công dụng của sản phẩm, khiến người mua dễ dàng bị thu hút bởi những lời “có cánh”. Nhiều người bán hàng cam kết bán thực phẩm sạch, 100% “nhà trồng”, không có chất bảo quản nhưng không đưa ra được bằng chứng đảm bảo.
Trong khi đó, nhiều người bán hàng quảng cáo các loại thực phẩm với công dụng “thần thánh”, quảng cáo thực phẩm như thuốc chữa bệnh nhưng thực tế trong quá trình sử dụng thường chất lượng sản phẩm không như mong đợi, gây thất vọng cho người tiêu dùng, dễ làm lung lay niềm tin vào sản phẩm đang tìm kiếm sử dụng.
Cần lưu ý gì khi mua thực phẩm trên mạng xã hội?
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sắm các loại thực phẩm qua mạng xã hội.
Khi chọn mua thực phẩm, cần lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đầy đủ nhãn mác theo quy định. Đối với những loại thực phẩm tươi sống, trái cây… không có nhãn mác, cần lựa chọn những cơ sở kinh doanh uy tín, đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm.
Với các sản phẩm như thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng, trước khi mua hàng cần tìm hiểu kỹ xem sản phẩm đã được đăng ký công bố chất lượng chưa, nội dung quảng cáo có phù hợp với công dụng và chất lượng của sản phẩm không, sau đó mới mua hàng.
Người tiêu dùng cũng lưu ý không nên thanh toán tiền trước khi nhận hàng, chỉ mua hàng tại những trang web cho phép kiểm tra chất lượng sản phẩm khi nhận hàng và được đổi trả nếu sản phẩm không đúng với chất lượng quảng cáo. Lưu ý lựa chọn những cơ sở có số hotline, dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt để dễ phản ánh về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Để giảm tối đa khả năng mua phải sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng nên tham khảo các phản hồi về chất lượng sản phẩm của những người đã mua, đồng thời mua với số lượng ít trước để kiểm tra chất lượng trước khi có ý định mua với số lượng nhiều.
Theo: VTC