Các nhà lãnh đạo thành công nhất không chỉ phụ thuộc vào một phong cách lãnh đạo duy nhất, mà họ linh hoạt chuyển đổi giữa nhiều phong cách khác nhau tùy vào từng tình huống kinh doanh.
Jack Ma từng nói: “Tôi cũng giống như mọi người, tôi cảm thấy bản thân mình bình thường hơn cả mức bình thường, hoàn cảnh gia đình cũng không có gì là tốt, không tiền, không quyền, nhà cũng không có ai làm quan, ngày hôm nay tôi đạt được những vinh quang như vậy, trong thâm tâm tôi luôn tràn đầy lòng biết ơn”.
Từ đó có thể thấy, nhân tố ảnh hưởng đến thành công của Jack Ma không phải là IQ, cũng không phải nhờ hoàn cảnh gia đình hay trình độ giáo dục vậy rốt cuộc là dựa vào cái gì? Đó chính là EQ.
Trong một nghiên cứu của công ty tư vấn Hay/McBer, dựa trên một mẫu ngẫu nhiên 3.871 nhà lãnh đạo được lựa chọn từ cơ sở dữ liệu gồm hơn 20.000 Giám đốc điều hành trên toàn thế giới, đã giúp khám phá ra nhiều sự thật thú vị về những nhà lãnh đạo hiệu quả. Nghiên cứu đã tìm ra 6 phong cách lãnh đạo vượt trội, dựa trên Trí tuệ xúc cảm (Emotional Intelligence).
Mỗi phong cách có một tác động khác nhau đến môi trường làm việc của công ty, của từng phòng ban, đội nhóm và ngược lại, chúng sẽ tác động đến hoạt động tài chính của tổ chức. Có lẽ phát hiện quan trọng nhất trong nghiên cứu này là đã cho thấy rằng, các nhà lãnh đạo thành công nhất không chỉ phụ thuộc vào một phong cách lãnh đạo duy nhất, mà họ linh hoạt chuyển đổi giữa nhiều phong cách khác nhau tùy vào từng tình huống kinh doanh.
Vậy 6 phong cách lãnh đạo đó là gì?
Có lẽ không quá bất ngờ, thật ra, mỗi phong cách này sẽ có thể phù hợp với bất kỳ ai trong bộ máy tổ chức, dù là người có vai trò dẫn dắt đội ngũ hoặc người được dẫn dắt, hoặc cả hai – và thường thì chúng ta sẽ đảm nhiệm cùng lúc cả hai vai trò đó.
1. Phong cách “Lãnh đạo theo mệnh lệnh” (The coercive style)
Đây là cách tiếp cận: “Hãy thực hiện theo những gì tôi nói”. Phong cách “Lãnh đạo theo mệnh lệnh” có thể rất hiệu quả trong một vài tình huống cấp bách như gặp các sự cố thiên tai, hoặc khi làm việc với những nhân viên thực sự có vấn đề. Nhưng trong hầu hết các tình huống, sự cưỡng chế trong lãnh đạo sẽ làm ức chế tính linh hoạt của tổ chức và làm giảm động lực của nhân viên.
2. Phong cách “Lãnh đạo theo mục tiêu” (The authoritative style)
Một nhà lãnh đạo theo mục tiêu sẽ dùng cách tiếp cận: “Theo tôi”. Họ khẳng định mục tiêu tổng thể một cách quyết liệt và ít khi để người khác góp ý, nhưng cho phép mọi người tự do lựa chọn cách giải quyết riêng để cuối cùng miễn sao công việc được hoàn thành. Phong cách này hoạt động rất tốt khi doanh nghiệp đang trong tình trạng mất phương hướng cần người cứng rắn để dẫn đường. Nhưng nó ít hiệu quả hơn khi nhà lãnh đạo phải làm việc với một nhóm các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm hơn.
3. Phong cách “Lãnh đạo kết nối” (The afliative style)
Điểm nổi bật của nhà lãnh đạo có phong cách kết nối là tinh thần đề cao đội nhóm. Phong cách này đặc biệt hữu ích cho việc xây dựng một đội ngũ hòa hợp và vun đắp tinh thần tích cực. Nhưng nếu chỉ tập trung vào việc khen ngợi có thể dẫn đến tình trạng giảm hiệu suất làm việc, thậm chí là đi chệch hướng mà không kịp sửa chữa. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo có phong cách kết nối thường ít đưa ra lời khuyên hoặc định hướng nên sẽ khiến nhân viên gặp khó khăn.
4. Phong cách “Lãnh đạo dân chủ” (The democratic style)
Tác động của phong cách này đến tinh thần làm việc của tổ chức không quá tích cực như nhiều người tưởng tượng. Bằng cách cho người lao động có tiếng nói trong các quyết định, các nhà lãnh đạo dân chủ sẽ tạo ra tính linh hoạt và chia sẻ tinh thần trách nhiệm với tất cả mọi người trong tổ chức, bên cạnh đó là khuyến khích sáng tạo ra các ý tưởng mới. Nhưng đôi khi cái giá phải trả là tình trạng họp hành liên miên và nhân viên bối rối vì cảm thấy không được người lãnh đạo dẫn đường.
5. Phong cách “Lãnh đạo kiểu mẫu”(The pacesetting style)
Đây là những nhà lãnh đạo đặt ra những tiêu chuẩn cao và có xu hướng yêu cầu mọi người đều phải trở nên tích cực và hoàn hảo giống họ – mọi người nên có động lực làm việc từ bên trong và tài năng hiếm có. Đôi lúc những điều này sẽ khiến nhân viên cảm thấy choáng ngợp bởi những đòi hỏi cao ngất ngưỡng – dẫn đến cảm giác tiêu cực, tức giận và chống lại xu hướng đó của nhà lãnh đạo.
6. Phong cách “Lãnh đạo khai vấn” (The coaching style)
Phong cách này tập trung nhiều vào sự phát triển cá nhân hơn là những nhiệm vụ liên quan đến công việc.
Phong cách Lãnh đạo khai vấn hoạt động tốt khi nhân viên đã nhận thức được những yếu kém của họ và muốn cải thiện, tuy nhiên phong cách này sẽ bị phản tác dụng nếu chính nhân viên không muốn thay đổi.
Theo cafebiz