Trang chủ Bài viết HOT Những chất hoá học độc hại trong mỹ phẩm và “Sự thật”

Những chất hoá học độc hại trong mỹ phẩm và “Sự thật”

bởi admin

Paraben, silicone, sulfate… có thực sự gây hại cho làn da và mái tóc bạn?

Nhiều quan niệm cực kỳ phổ biến về các chất sử dụng trong sản phẩm làm đẹp hoá ra lại hoàn toàn sai lầm. Chẳng hạn sulfate trong dầu gội về lâu dài sẽ làm khô tóc hay paraben gây ung thư. Những quan niệm này được một số nhãn hàng thổi phồng lên trong chiến lược marketing của mình. Hiện nay lại không có quy định nào chặt chẽ kiểm soát những tuyên bố của các thương hiệu mỹ phẩm. Đến khi chúng trở nên quá phổ biến, các nhãn hàng khác lại phải thay đổi để “thích nghi”, vì người mua sẽ ưa dùng những sản phẩm không có các chất được cho là không độc hại.

KHÔNG CÓ MỸ PHẨM “CHEMICAL-FREE” (KHÔNG CÓ HOÁ CHẤT)

Tất cả mọi mỹ phẩm đều chứa chất hoá học. Ngay cả nước cũng là một chất hoá học. Vì thế, không phải cứ sản phẩm đến từ thiên nhiên thì có nghĩa là “không có hoá chất” và an toàn. Những người quảng bá sản phẩm sử dụng cụm từ này có lẽ mong người dùng hiểu rằng hoá chất ở đây là hoá chất nhân tạo. Tuy nhiên, những sản phẩm “hữu cơ” và “đến từ thiên nhiên” thực chất chỉ nói lên nguồn gốc của nguyên liệu sản phẩm, chứ không nói lên được các chất đó có thực sự an toàn hay không. 

Hoá chất được tổng hợp trong phòng thí nghiệm thường được thử nghiệm trước khi đưa vào sử dụng. Có vô số nghiên cứu được các nhãn hàng tài trợ để tìm ra sản phẩm hữu hiệu, an toàn nhất cho người dùng. Đương nhiên, người dùng vẫn phải sáng suốt khi lựa chọn sản phẩm cho mình. Vì các sự thật khoa học liên tục thay đổi mỗi ngày và các công ty thì thường ưu ái những nghiên cứu cho thấy sản phẩm của họ đáng sử dụng hơn.

PARABEN VÀ CHẤT BẢO QUẢN NÓI CHUNG

Paraben là nguyên liệu mỹ phẩm “độc hại” nổi tiếng nhất trong giới làm đẹp. Mọi người tin rằng paraben là chất bảo quản gây hại cho sức khoẻ, liều lượng tích tụ nhiều năm có thể dẫn đến ung thư. Trên thực tế, dược sĩ mỹ phẩm Kelly Dobos từ Ohio, Mỹ, nói rằng: “Mỹ phẩm cần những chất bảo quản bảo vệ chúng khỏi vi khuẩn, quá trình lên men và nấm mốc. Paraben là một loại chất bảo quản được sử dụng lâu đời và an toàn, nhưng gần đây bị mang tiếng xấu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh cơ thể chuyển hoá và bài tiết paraben bình thường. Vì thế chúng là loại chất bảo quản an toàn và hiệu quả.”

Để đáp ứng nhu cầu và xu hướng thị trường, nhiều nhà sản xuất đã phải thay thế paraben bằng những chất bảo quản khác. Bản thân những chất thay thế cũng có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Chẳng hạn, dầu và vitamin từ thiên nhiên có khả năng bảo quản được dùng để thay thế paraben, nhưng thời gian bảo quản sẽ thấp hơn. Hơn thế nữa, để đạt hiệu quả bảo quản, dầu và vitamin tự nhiên phải được điều chế với dung lượng lớn, có thể gây kích ứng cho da.

Một loại chất bảo quản thay thế paraben khác là Sodium Benzoate. Chất này cũng khiến các nhà khoa học lo ngại vì sản xuất ra chất gây ung thư benzene khi kết hợp với vitamin và tiếp xúc với môi trường nóng bức. Có cách để ức chế phản ứng này nhưng hậu quả của việc sử dụng liên tục sản phẩm vẫn khôn lường.

SULFATE

Sulfate là nguyên liệu dùng trong sản phẩm tẩy rửa, rất hữu hiệu trong việc loại bỏ chất nhờn trên bề mặt da. Chính vì hiệu quả tẩy rửa nhanh chóng này, sulfate đôi khi là thủ phạm gây kích ứng, làm mất cân bằng độ ẩm trên da, hoặc làm phai màu tóc nhuộm rất nhanh. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi bạn có làn da nhạy cảm, hoặc sử dụng sản phẩm chứa loại sulfate có khả năng tẩy rửa mạnh để làm sạch da và tóc. 

Các chất thay thế sulfate thường có giá cao hơn nhiều. Vì thế sản phẩm dầu gội, hay sữa tắm không có sulfate thường đắt đỏ hơn. Bên cạnh đó, bạn sẽ phải tắm rửa hoặc gội đầu lâu hơn một chút để đạt được hiệu quả làm sạch của sulfate. Tuỳ vào khả năng và nhu cầu cơ thể, bạn nên thử nghiệm nhiều loại để tìm ra sản phẩm phù hợp nhất với mình.

SILICONE

Silicone và sulfate là bộ đôi cùng bị tẩy chay khi nói đến các sản phẩm chăm sóc tóc. Silicone thường được dùng trong dầu gội, dầu xả vì khả năng bao bọc từng sợi tóc bằng một lớp khoá ẩm, khiến mái tóc vào nếp, bóng mượt hơn. Vấn đề là, khi silicone tích tụ, sợi tóc sẽ không hấp thu được dưỡng chất, càng ngày khô xơ và mất đi sức sống. Hơn nữa, để ngăn sự tích tụ silicone, cần sử dụng sản phẩm chứa sulfate. Ngoài ra, silicone không có tác hại nào đối với sức khoẻ.

Dù một số người nhận thấy sự khác biệt khi loại bỏ hoàn toàn chu kỳ tẩy rửa – phủ bóng của sulfate và silicone, nhiều tín đồ làm đẹp cũng không thể chia tay với cặp đôi này. Với những cô nàng có chất tóc xoăn hay khô tự nhiên, silicone thực sự có tác dụng làm tóc mượt và dễ chải hơn. Và nếu nàng sử dụng loại dầu gội có sulfate dịu nhẹ và phù hợp với da đầu, thực sự không có vấn đề gì phải lo lắng cả.

Theo elle

Có thể bạn sẽ thích