903
Dù đã có nhiều tiến bộ trong vài thập niên qua, phụ nữ ở châu Á vẫn phải đối mặt với những rào cản giới tính để thành công. Những nhà lãnh đạo nữ truyền cảm hứng trong kinh doanh, chính trị, hoạt động và nghệ thuật – những người phụ nữ tiên phong đang thúc đẩy sự thay đổi.
Nicol Yap (Indonesia), Giám đốc điều hành Digitaraya
Cha mẹ của Nicole Yap chuyển từ Indonesia đến Canada trước khi cô được sinh ra. Mặc dù về thăm quê nhà thường xuyên, nhưng mãi đến khi cô tham gia Phòng thí nghiệm khởi nghiệp toàn cầu của MIT vào năm 2013, giảng dạy tinh thần kinh doanh tại Đại học Gadjah Mada ở tỉnh Yogyakarta của Indonesia, cô mới bắt đầu nghĩ về tiềm năng kinh doanh của đất nước. Cô trở về Bắc Mỹ, làm cố vấn y tế toàn cầu ở California và dành thời gian ở Nairobi tại một doanh nghiệp xã hội.
Trong chuyến đi đến Indonesia năm 2017, cô thấy mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn. Công ty khởi nghiệp non trẻ Gojek đã trở thành con kỳ lân – một công ty tư nhân trị giá hơn 1 tỷ USD – và lĩnh vực công nghệ đang xôn xao. “Tôi cảm thấy có rất nhiều vấn đề thú vị hơn cần được giải quyết ở Indonesia. Công nghệ và khởi nghiệp có thể làm nhiều hơn nữa để thực sự giải quyết những thách thức này” – cô nói.
Cùng với người đồng sáng lập Yansen Kamto, Yap đã ra mắt công cụ tăng tốc khởi nghiệp Digitaraya vào năm 2018. Gần 100 công ty khởi nghiệp từ 12 quốc gia đã tham gia các chương trình của họ cho đến nay. Digitaraya là đối tác độc quyền của cả Google cho Startups và Google Developers Launchpad ở Indonesia, đồng thời là đối tác của UBS, công ty khổng lồ Gojek của Indonesia, và nhà cho vay tư nhân lớn nhất Bank Central Asia.
Thành công của Digitaraya đã giúp Yap, 34 tuổi, trở thành nhân vật hàng đầu trong ngành công nghiệp do nam giới thống trị. Nhận thức được rằng có một mạng lưới mạnh là quan trọng đối với phụ nữ, Digitaraya đã thành lập Simona Ventures, một chương trình tăng tốc dành riêng cho các công ty khởi nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. “Chúng tôi nghĩ rằng có một cộng đồng phụ nữ mà họ thực sự có thể chia sẻ, học hỏi, kết nối thậm chí còn quan trọng hơn trong ngành này” – Yap nói.
Li Yang (Trung Quốc), Đồng sáng lập Trung tâm Giáo dục, Prop Roots
Li Yang nói rằng cô là mẹ của khoảng 200 đứa trẻ. Năm 2009, sau khi đến thăm cộng đồng Jingpo ở tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc, Li thấy mình bị cuốn vào cuộc sống của nhóm người bản địa. Là người gốc Bắc Kinh, Li bị ấn tượng bởi kiến thức của trẻ em Jingpo về thế giới tự nhiên và chiều sâu văn hóa của họ. Cô cũng phát hiện ra mặt tối của cuộc sống nơi đây.
Nghiện ma túy đầy rẫy ở Dehong, khu vực biên giới với Myanmar – nơi có phần lớn 150.000 dân Jingpo của Trung Quốc và cộng đồng đang ở giữa một cuộc khủng hoảng. Họ không còn khả năng kiếm sống với truyền thống săn bắn hàng thế kỷ của mình, nhưng bị bỏ lại phía sau trong công hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc. Li đã quyết định đứng ra giải quyết vấn đề bằng cách thành lập Trung tâm Giáo dục Prop Roots, một tổ chức phi chính phủ đã hỗ trợ 200 trẻ em địa phương.
Mỗi ngày, trẻ em đến ngôi nhà tre ở làng Yinping để lắng nghe những câu chuyện, làm bài tập về nhà và chuẩn bị cho cuộc sống thành thị thông qua đào tạo và nhập vai. Khoảng 98% học trò của Li đã tránh xa ma túy, trong khi con số đó chưa đến 50% ở các làng lân cận. Li quy sự khác biệt cho vai trò làm cha mẹ của cô. “Những gì trẻ em nông thôn thực sự cần không phải là tiền, mà là sự đồng hành của chúng ta” – cô nói.
Amina Sugimoto (Nhật Bản), Đồng sáng lập và giám đốc điều hành Fermata
Trong suốt thời thơ ấu của mình, Amina Sugimoto khao khát trở thành bác sĩ, nhưng trong quá trình đào tạo tiền y khoa, cô thấy mình không hợp. Vì vậy, cô học ngành kinh tế chăm sóc sức khỏe, lấy bằng tiến sĩ tại Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh London. Trở lại làm việc ở Nhật Bản vào cuối những năm 2000, Sugimoto gia nhập Mistletoe, một quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhật Bản của Taizo Son. Từ đó, cô được giới thiệu đến công ty khởi nghiệp Modern Fertility của Mỹ, chuyên cung cấp các xét nghiệm hormone tại nhà giúp phụ nữ hiểu rõ hơn về khả năng sinh sản của họ.
Tại công ty này, Sugimoto nhận thấy các nhà đầu tư dường như “bỏ quên” những sản phẩm liên quan phái nữ. “Các nhà đầu tư mạo hiểm, bao gồm cả những người ở Mistletoe, chủ yếu là nam giới không hiểu các sản phẩm nói về cơ thể phụ nữ. Dù lĩnh vực này rõ ràng có tiềm năng (hãng tư vấn Frost và Sullivan dự đoán thị trường có thể đạt 50 tỷ USD vào năm 2025), các nhà đầu tư vẫn không ủng hộ các công ty khởi nghiệp. Họ đang chờ xem ai sẽ đi trước” – Sugimoto nói.
Sugimoto quyết định thay đổi điều đó. Năm 2019, cùng với người đồng sáng lập Hiroko Nakamura, cô đã thành lập Fermata, một cộng đồng dành cho các doanh nhân và người dùng nữ. Dự kiến tháng 11 năm nay, họ sẽ chuyển sang hỗ trợ tích cực cho các công ty khởi nghiệp với quỹ mới 2,5 tỷ yên (23,1 triệu USD). Taizo Son là một nhà đầu tư sớm. Quỹ sẽ tìm kiếm các khoản đầu tư trên khắp châu Á và cố gắng tạo ra một thị trường mà theo Sugimoto là “chưa tồn tại”, một phần vì chủ đề sức khỏe của phụ nữ thường vẫn là điều cấm kỵ.
Eni Lestari (Hồng Kông), Chủ tịch Liên minh Người Di cư Quốc tế
Eni Lestari (Hồng Kông), Chủ tịch Liên minh Người Di cư Quốc tế
Eni Lestari luôn mơ ước được học đại học, nhưng khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra ở Indonesia, cô phải từ bỏ việc học và tìm kiếm việc làm ở nước ngoài để bảo lãnh cho gia đình thoát khỏi nợ nần.
Eni lần đầu tiên đến Hồng Kông để làm việc như một người giúp việc gia đình vào năm 1999, chỉ để thấy mình bị tước quyền lao động cơ bản. “Tôi chỉ được trả một nửa số tiền lương tối thiểu và không hề có ngày nghỉ. Tôi không biết gì về các quy định tại Hồng Kông, phải mất nhiều tháng tôi mới phát hiện ra mình thực sự bị lừa bởi chủ nhân và cơ quan này” – cô nói.
Một người bạn đã giới thiệu Eni cho tổ chức phi chính phủ cung cấp trợ giúp pháp lý và nơi trú ẩn cho người lao động nhập cư. Sống ở đó, cô tình nguyện trả lời đường dây nóng tư vấn. Năm 2000, cô thành lập Hiệp hội Lao động nhập cư Indonesia, và hiện là Chủ tịch của Liên minh Di cư Quốc tế, một hiệp hội toàn cầu với hơn 4.000 thành viên. Năm 2016, cô được chọn để phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc đầu tiên về người tị nạn và người di cư ở New York. “Kiến thức có thể là quyền lực. Trước đây, một số cô gái chỉ khóc với chúng tôi và trở về nhà không làm gì cả. Bây giờ, có một cộng đồng, cả trực tuyến và ngoại tuyến” – cô nói.
Srishti Behl Arya (Ấn Độ), Giám đốc hãng phim Netflix tại Ấn Độ
Srishti Behl Arya (Ấn Độ), Giám đốc hãng phim Netflix tại Ấn Độ
Kể từ khi được đưa vào hàng ngũ lãnh đạo của hãng phim trực tuyến quốc tế khổng lồ Netflix để đứng đầu bộ phận Ấn Độ vào tháng 5-2018, cuộc đời Srishti Behl Arya đã thay đổi. “Tôi có công việc tốt nhất trên toàn thế giới. Tôi có thể cho phép những người sáng tạo kể những câu chuyện hay nhất về cuộc sống của họ bằng dịch vụ tốt nhất họ có thể” – Behl Arya nói. Điều đó có nghĩa là ngày nào Behl Arya, 47 tuổi, cũng phải xem xét các kịch bản, sách, các ý tưởng…, trong khi tìm cách kết nối các đạo diễn và người kể chuyện. “Ấn Độ là vùng đất của những người kể chuyện và chúng tôi cảm thấy rối vì có quá nhiều” – cô nói.
Netflix ra mắt tại Ấn Độ vào tháng 1-2016, là 1 trong 30 nền tảng phát trực tuyến đang cố gắng thu hút người dùng. Năm 2019, đơn vị của Behl Arya đã công bố 17 bộ phim. Là con gái và cháu gái của các nhà làm phim – cô cũng điều hành một nhà sản xuất với anh trai trước khi tham gia Netflix. Bollywood chính là “nhà” của cô. Thần chú của Behl Arya là “có nội dung cho mọi tâm trạng”. Điều đó đòi hỏi “không chỉ đa dạng về nội dung, mà cả sự đa dạng về trí tuệ, bởi vì đó là cách bạn có được sự khác biệt thực sự” – cô nói.
Behl Arya tuyển dụng 2 nữ đạo diễn mới vào nghề, 3 nhà sản xuất nữ, cũng như nhiều nhà văn nữ đã tạo ra nhân vật nữ chính. Đây là điều hiếm thấy trong ngành công nghiệp trong nhiều thập niên hoàn toàn do đàn ông kiểm soát.
Theo: Saigondautu