Việc được cùng bạn bè, người thân ra ngoài ăn hàng quán hiện giờ là “giấc mơ xa xỉ” đối với nhiều người dân Đông Nam Á do lệnh phong tỏa vì COVID-19. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc họ từ bỏ đam mê ẩm thực.
Lối đi mới cho người bán hàng rong
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết sáng kiến của chính phủ trong hỗ trợ người bán hàng rong trải qua dịch COVID-19 có khả năng tái định hình mối quan hệ của chúng ta với thực phẩm và người sản xuất thực phẩm theo chiều hướng tích cực.
Ở Singapore, anh Melvin Chew, một người bán vịt kho và lòng lợn, đã thu được kết quả đáng kể khi tạo trang mạng xã hội Facebook hỗ trợ những người bán hàng rong như anh.
Trang “Bán hàng rong đoàn kết – Dabao 2020” của anh Melvin Chew đã nhận được 230.000 lượt theo dõi kể từ khi thành lập vào ngày 3/4, chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố phong tỏa một phần quốc gia để ngăn chặn virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Trang Facebook này giúp những người bán hàng rong có cơ hội quảng bá sản phẩm đến khách hàng qua dịch vụ giao hàng về nhà. Điều này đặc biệt hữu ích với những người bán hàng rong không tham gia ứng dụng giao thức ăn.
Những người giao hàng tự do cũng tham gia và đề nghị mức tính phí vận chuyển rẻ hơn so với các ứng dụng như GrabFood, Deliveroo và Foodpanda.
Ông Chew (42 tuổi) bán món kway chap cho biết: “Tôi cho rằng người Singapore muốn bảo vệ người bán hàng rong. Với khách hàng quen, người bán hàng rong như những người thân trong gia đình. Dù là giàu hay nghèo, bạn vẫn đến nơi tập trung nhiều hàng rong để thưởng thức đồ ăn”.
Singapore đang trải qua làn sóng COVID-19 thứ hai với số ca mắc lên trên 8.000 tính tới 20/4.
Cơ hội trong khủng hoảng
Cách Bangkok (Thái Lan) 1.800 km, ông Peangploy Jitpiyatham – chủ một khách sạn nhỏ đã biến cơ ngơi kinh doanh của bản thân thành tụ điểm vận chuyển thức ăn với ứng dụng có tên “Locall”. Khách hàng sử dụng “Locall” có thể gọi món từ 30 nhà hàng, bao gồm cả bếp ăn khách sạn nhỏ của ông Peangploy Jitpiyatham.
Ứng dụng “Locall” do chính các nhân viên của ông Peangploy Jitpiyatham phát triển. Ông Peangploy Jitpiyatham nói: “Chúng tôi muốn hỗ trợ cộng đồng và những điểm kinh doanh nhỏ không thể thích nghi với tình hình hiện nay”.
Tại nhiều nơi khác tại Thái Lan, một số người đã từ bỏ ngành nghề chính do áp lực từ dịch COVID-19 và chuyển sang bán hàng.
Tiếp viên hàng không Sasimon Chamnansarn (38 tuổi) đã không còn làm việc kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, do vậy khi ở nhà cô chuyển sang bán thịt lợn phơi nắng cho bạn bè ở Bangkok. Sasimon Chamnansarn khá bất ngờ trước mức tăng mạnh của các đơn đặt hàng.
Cô Sasimon Chamnansarn chia sẻ: “Khi quay trở lại làm tiếp viên hàng không, tôi vẫn duy trì kinh doanh món ăn này. Tôi đã liên hệ với một nhà máy ở quê mình là Udon Thani để hỗ trợ đóng gói và sản xuất. Không có gì là chắc chắn cả. Tôi luôn sẵn sàng cho thay đổi. Không thể ngờ rằng rồi cũng có ngày phi công hay tiếp viên hàng không nhận ra công việc của họ là không ổn định”.
Sự lên ngôi của món nhà nấu
Ở Malaysia, một cuộc cách mạng thực phẩm đang hình thành. Trên mạng xã hội Malaysia, nhiều người sử dụng đã đăng thông tin về “trao đổi thức ăn”. Theo đó, người giao hàng sẽ chuyển đến các gia đình những món ăn nhà nấu.
Cô Firdaus Husni cho biết cậu em trai đang là sinh viên buộc phải ở trong ký túc xá do lệnh hạn chế đi lại tránh lây lan COVID-19. Do vậy, những món ăn nhà nấu đã được chuyển đến tận tay em trai của Husni.
Cô nói: “Tôi thường lo lắng về em trai. Nhưng thật tuyệt khi có thể gây bất ngờ cho thằng bé bằng thực phẩm được chuyển đến tận nơi”. Việc “trao đổi thức ăn” đã trở thành hiện tượng mới ở Malaysia.
Husni cho biết khi cô đăng lên mạng xã hội phàn nàn đơn hàng tạp hóa bị hủy, ngay lập bức bạn bè đã gửi cho cô các món ăn họ nấu.
Firdaus Husni cho biết bạn bè đã nấu món ăn mà cô yêu thích. Do vậy, Firdaus Husni nhận định: “Giãn cách xã hội không làm gián đoạn được liên lạc giữa chúng ta với gia đình và bạn bè”.
Một luật sư tại Kuala Lumpur – anh Yudistra Darma Dorai cho biết thực phẩm đã trở thành “hình thức liên lạc” mới trong thời gian phong tỏa tại Malaysia, dự kiến kết thúc vào 28/4.
Bạn bè đã gửi cho Yudistra Darma Dorai nhiều món ăn họ nấu khi biết anh cách ly tại nhà cùng người mẹ có tuổi.
Đầu bếp nổi tiếng tại Malaysia Redzuawan Ismail đánh giá khi lệnh phong tỏa được dỡ, người dân sẽ hình thành thói quen ăn uống mới, ưa chuộng những món ăn kiểu nhà làm và ăn uống tại nhà. Ông nói: “Mọi người sẽ cẩn thận hơn về món ăn, người ngồi cạnh họ và cần nhiều thời gian hơn để lấy lại tự tin. Nhiều người lại quen với việc ăn uống ở nhà cùng gia đình vì thấy thấy thoải mái với việc ăn tại gia. Hình thức giao thức ăn sẽ phổ biến hơn”.
Theo: Baotintuc