Nếu trước đây, phim cổ trang Việt là của hiếm trên màn ảnh rộng thì vài năm trở lại đây, các dự án phim cổ trang liên tiếp trình làng. Nhưng khán giả háo hức mong chờ thì ít mà hoài nghi, định kiến thì nhiều. Bởi rất nhiều phim được nhà sản xuất “nổ” tận mây xanh, đến khi công chiếu thì bị chê tơi tả vì chất lượng quá tệ.
“Quỳnh hoa nhất dạ” của nhà sản xuất, diễn viên – người mẫu Thanh Hằng đang mở đợt casting để tìm kiếm ứng viên cho các vai Đinh Tiên Hoàng, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, Ngoại giáp Đinh Điền, Nội nhân chi hậu Đỗ Thích. “Quỳnh hoa nhất dạ” là bộ phim dã sử lấy cảm hứng từ cuộc đời oanh liệt của thái hậu Dương Vân Nga. Dù là nhân vật nổi tiếng nhưng thái hậu Dương Vân Nga vẫn là nhân vật còn khá bí ẩn trong lịch sử Việt Nam với nhiều giai thoại ly kỳ.
Chia sẻ về lý do làm phim, Thanh Hằng tâm sự: “Sau lần viếng thăm nơi thờ cúng thái hậu Dương Vân Nga hai năm trước, tôi rất muốn làm một bộ phim về người phụ nữ quyền lực của hai triều Đinh – Lê. Tôi muốn cùng ekip mang đến một tác phẩm không chỉ khắc họa rõ nét về người phụ nữ có vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam, mà còn ngợi ca cả sự hào hùng của đất nước vào thời điểm đó”.
Cùng với thông tin casting, đoàn phim giới thiệu bộ tranh vẽ bốn nhân vật lịch sử quan trọng trên để các ứng viên cũng như khán giả có những cảm nhận ban đầu về từng vai diễn. Ngoài dàn nhân vật chính, đoàn phim còn tìm kiếm gương mặt phù hợp cho nhiều vai diễn khác như thái tử, quan văn, võ tướng, hầu cận… Riêng vai thái hậu Dương Vân Nga sẽ do chính Thanh Hằng đảm nhận. Bộ phim được kỳ vọng là dự án cổ trang đình đám của Việt Nam khi dự kiến ra mắt vào năm sau.
Cũng đang trong quá trình tuyển chọn diễn viên là “Huyết rồng” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Đây là phim cổ trang thứ hai của anh sau series phim cung đấu “Phượng Khấu”. Phim lấy bối cảnh thời Tiền Lê, xoay quanh bốn năm trị vì của ông vua tai tiếng nhất lịch sử Việt Nam Lê Long Đĩnh. Đặc biệt, kịch bản sẽ xoáy sâu vào thời khắc chuyển giao quyền lực đẫm máu từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý vào năm 1009.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh hy vọng phim mang lại một góc nhìn mới về vị vua bị mang danh là Lê Ngọa Triều như lời anh tâm sự trong ngày họp báo ra mắt dự án: “Là bậc hoàng đế, đứng trên vạn người nhưng cô độc. Ngai vị ấy không thể mang lại hạnh phúc cho chính quân vương. Và cuộc đời của Lê Long Đĩnh vui vẻ không mấy chốc, những chiến công hiển hách trong bốn năm trị vì đều bị lu mờ bởi những dòng dã sử hai chiều đối nghịch”.
Cuối năm 2020, nhà sản xuất – diễn viên Trương Ngọc Ánh gây chú ý khi ra mắt dự án “Trưng Vương” kể về cuộc đời hào hùng của hai bà Trưng. Trương Ngọc Ánh sẽ đảm nhiệm vai Trưng Trắc. Đây là dự án mà cô cùng Janet Ngô – nhà sản xuất người Australia, phát triển hơn ba năm qua. Do dịch bệnh, đến nay phim chưa thể bấm máy nhưng vẫn tích cực tương tác với khán giả bằng những thước phim hoạt hình mô phỏng nhân vật và tìm kiếm diễn viên để sớm khởi động trong năm nay. Ekip làm việc với các nhà sử học và 10 họa sĩ để tìm hiểu, sáng tạo trang phục, hoa văn, vật dụng, vũ khí thời hai bà Trưng. Riêng phần kỹ xảo sẽ có sự hỗ trợ của các đơn vị nước ngoài.
Có thể nói lịch sử Việt Nam là kho tàng chất liệu khổng lồ cho giới làm phim. Các nhân vật lẫn câu chuyện lịch sử nước ta hấp dẫn và cuốn hút không thua kém bất kỳ nước đồng văn nào. Đọc tiểu thuyết “Ấn kiếm hồng nhan” của nhà văn Hồng Thái, mới đây, đạo diễn Victor Vũ không kiềm nổi ý định trở lại dòng phim cổ trang lịch sử. Victor Vũ từng thành công với “Thiên mệnh anh hùng” nên ý định của anh nhanh chóng được nhiều người ủng hộ. Theo Victor Vũ, lịch sử Việt quá hay nhưng còn quá ít người khai thác. Nếu theo đuổi dòng phim này, nhà làm phim có rất nhiều đất để dụng võ. Hướng đi đó không chỉ nêu cao tinh thần dân tộc, giúp công chúng hiểu hơn về lịch sử cha ông, mà còn giúp điện ảnh Việt có thêm nguồn kịch bản quý giá trong tình hình khan hiếm kịch bản hay hiện nay.
Hấp dẫn là vậy nhưng không phải ai cũng dám làm phim cổ trang vì nó quá mạo hiểm. Nói như đạo diễn Đỗ Thành An: “Làm phim cổ trang khó trăm bề. Tất tần tật mọi thứ, từ kinh phí cao ngất ngưởng, bối cảnh thiếu thốn, tư liệu lịch sử hạn chế, tự thiết kế trang phục sao cho chuẩn sử với số lượng khổng lồ rồi đến kỹ xảo, võ thuật các kiểu…
Trong đó khó khăn lớn nhất là định kiến của khán giả với dòng phim này”. Thói quen xem những bộ phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc… được đầu tư khủng, diễn viên chuyên nghiệp, trang phục mãn nhãn, kỹ xảo hoành tráng đã khiến khán giả Việt khó chấp nhận những bộ phim Việt chất lượng kém, kỹ xảo qua loa. Có lẽ vì thế nên bao năm qua, phim cổ trang Việt cứ ì ạch, loay hoay mãi chẳng thành đường.
Phim cổ trang nước ta thường xuyên bị công chúng kêu ca về kịch bản, diễn xuất, kỹ xảo lẫn trang phục. “Mỹ nhân kế”, “Mỹ nhân”, “Tấm Cám- Chuyện chưa kể”, “Trạng Quỳnh” hay gần đây là “Phượng Khấu”, “Kiều”, “Trạng Tí”… đều bị khán giả chỉ ra vô số hạt sạn. Hầu hết khi ra mắt, các dự án này đều được người xem kỳ vọng sẽ làm nên chuyện bởi lời hứa hẹn lẫn độ chịu chơi của nhà sản xuất. “Phượng Khấu” từng được mong chờ sẽ trở thành bộ phim chân thực nhất về cuộc đời thái hậu Từ Dụ.
Chưa bấm máy nhưng phim đã gây sốt ở khắp các diễn đàn yêu điện ảnh khi đoàn phim mời các nhà sử học uy tín cố vấn nội dung. Phần trang phục cũng được chăm chút từng đường kim mũi chỉ để sát sử nhất có thể. Đầu tư đến độ đó thì người thờ ơ nhất với phim cổ trang Việt cũng hy vọng “Phượng Khấu” sẽ làm nên chuyện, bởi lâu nay phim cổ trang Việt thường bị chê về khâu trang phục nhiều nhất. Thế nhưng, chỉ mới lên sóng tập đầu tiên, phim đã khiến khán giả bước hụt.
“Phượng Khấu” chỉ ghi điểm ở khâu trang phục và nội dung, còn phần diễn xuất và kỹ xảo thì dở tệ. Mới đây nhất là “bom xịt” “Kiều”. Diễn xuất non nớt của diễn viên đóng vai Kiều và những thêm thắt quá tay vào nhân vật Thúc Sinh đã khiến “Kiều” trở thành thảm họa điện ảnh, phá nát tinh thần nguyên tác.
Việc sử dụng chữ quốc ngữ trong phim thay cho chữ Nôm, chữ Hán cũng là một lỗi sai sơ đẳng đến mức hài hước. “Quỳnh hoa nhất dạ” mới trình làng vài hình ảnh đầu tiên của vai thái hậu Dương Vân Nga nhưng đã bị cư dân mạng la ó phụng bào na ná trang phục vua chúa nhà Mãn Thanh.
Theo đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, có thể hiểu tại sao khán giả lại quá khắt khe với phim cổ trang “made in Việt Nam”. “Ở nước ta, phim cổ trang còn quá mới mẻ. Khán giả đòi hỏi khắt khe với phim cổ trang Việt cũng bởi họ quá khát khao có một bộ phim “ra tấm ra món” về lịch sử cha ông. Từ trước đến nay, số lượng phim cổ trang của chúng ta không những quá ít ỏi mà còn nhiều sai sót, chất lượng chưa tới. Lâu dần khiến khán giả mang nặng định kiến với phim cổ trang Việt” – anh phân tích.
Quá hiểu định kiến này nên khác với tiêu chí “sát sử nhất có thể” của “Phượng Khấu”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh khéo léo chọn hướng đi hư cấu cho phim “Huyết rồng” trong bối cảnh có quá ít sử liệu ghi chép về thời kỳ này. Hệ thống sự kiện và nhân vật lịch sử chỉ là chất liệu tham khảo để ekip có thể tung tẩy sáng tạo. Thậm chí, các nhân vật trong “Huyết rồng” sẽ được đổi tên để tránh những tranh cãi không đáng có.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh khẳng định người làm phim cổ trang là những người rất dũng cảm. Và đã làm thì đừng có sợ sai, đừng sợ khán giả phê bình, chỉ trích. Bởi có đi thì mới thành đường, có lời góp ý thì mới tiến bộ. Ai đi tiên phong, nhất là tiên phong ở bước dò đường ban đầu mà chẳng vấp phải cái sai.
Điều quan trọng là anh rút ra kinh nghiệm gì từ cái sai đó để những bộ phim sau này hay hơn, cuốn hút hơn. Sự xuất hiện của nhiều dự án phim cổ trang thời gian gần đây là một dấu hiệu tích cực chứng tỏ nhà làm phim đã mạnh dạn hơn với thể loại này và sẵn sàng đương đầu với sóng gió dư luận.
Theo: CAND