Thị trường tài chính toàn cầu chịu áp lực từ việc tăng lãi suất và nỗi lo lạm phát cao là một trong những nguyên nhân khiến khối tài sản của các tỷ phú bị “thổi bay” tới hơn 1.000 tỷ USD.
Theo chỉ số tỷ phú Bloomberg, 500 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 1.400 tỷ USD trong năm nay. Đáng lưu ý, chỉ tính riêng hôm 13/6, nhóm này đã mất tới 206 tỷ USD.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu chịu áp lực từ việc tăng lãi suất và nỗi lo lạm phát cao, theo Bloomberg đưa tin.
Những gì xảy ra ở hiện tại trái ngược so với cùng kỳ năm ngoái, khi thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, qua đó thúc đẩy số lượng dân số toàn cầu sở hữu giá trị tài sản ròng cao tăng lên khoảng 8%, theo báo cáo của Capgemini World Wealth công bố ngày 14/6.
Dữ liệu cho thấy thứ hạng của nhóm người giàu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ tăng 4,2% – xếp sau khu vực châu Âu và tụt lại sau so với Bắc Mỹ, sau khi thống trị sự gia tăng số lượng người giàu trong một thập kỷ qua.
Việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt quy định với các công ty công nghệ và thị trường bất động sản nội địa có thể là một phần nguyên nhân dẫn tới điều này.
Dù vậy, việc giới tỷ phú mất cả nghìn tỷ USD phản ánh sự biến động mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ, nơi từng thổi phồng giá trị mọi thứ, từ tiền điện tử đến giá trị tài sản. Điều đó hiện đang nhanh chóng “đảo chiều” khi lạm phát gia tăng, gây ra lo ngại về việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất mạnh trong thời gian tới.
Báo cáo của Capgemini World Wealth cũng chỉ ra mức độ mà đại dịch Covid-19 và chính sách tiền tệ đã mang lại lợi ích cho giới thượng lưu và nơi họ sinh sống.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Đức vẫn nằm trong số những quốc gia có số lượng người giàu sinh sống lớn nhất thế giới. Báo cáo của Capgemini cho thấy, bốn nước này là nơi sinh sống của gần 64% người có giá trị tài sản ròng cao trên toàn cầu.
Trong số những cá nhân nắm giữ khối lượng tài sản ròng có giá trị lớn trên thế giới, người thuộc nhóm siêu giàu là đối tượng nhận được nhiều lợi ích nhất.
Những người sở hữu khối tài sản ròng có thể đầu tư từ 30 triệu USD trở lên chứng kiến ”chiếc ví” dày tới 9,6% so với năm 2020, tốc độ nhanh nhất trong số các nhóm được theo dõi bởi Capgemini. Trong khi đó, nhóm người sở hữu khối tài sản ròng giá trị từ 1 – 5 triệu USD cũng có mức tăng trưởng tài sản chậm nhất ở mức 7,8%.
Báo cáo của Capgemini cũng chỉ ra, trong tất cả nhóm đối tượng, phụ nữ có thể thừa hưởng 70% giá trị khối tài sản ròng trên toàn cầu trong hai thế hệ tiếp theo. Khối tài sản khổng lồ được tạo ra từ việc công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp được định giá cao ngất ngưởng cũng góp phần sinh ra nhiều cá nhân trẻ và giàu hơn, bao gồm cả trên thị trường tiền điện tử.
Theo: thuongtruong24h