Bài toán tối ưu hóa chuỗi cung ứng và dòng tiền
Bà Lưu Thị Nga, CEO chuỗi thời trang Elise khẳng định: Với sự tham gia của nhà đầu tư ngoại và nguồn lực được bổ sung từ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, Elise sẽ sớm triển khai nhiều thương hiệu thời trang cao cấp mới trong năm nay. Trong năm năm tới, Elise vẫn tập trung vào phân khúc thị trường thời trang nữ của Việt Nam trong độ tuổi 20-45. Theo bà Nga, thị trường này có quy mô giá trị khoảng 2 tỉ USD vào năm 2022 và có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%/năm.
Ảnh minh hoạ.
Theo khảo sát năm 2017 của Công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus, giới trẻ Việt hiện gia tăng đáng kể chi tiêu cho trang phục. Có 26% người được khảo sát mua sắm quần áo 2-3 lần mỗi tháng, 52% cho biết thường mua sắm trang phục mỗi tháng một lần. Ước tính, giá trị tiêu dùng hàng dệt may Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 5-6 tỉ USD, tương đương gần 120.000-140.000 tỉ đồng. Các doanh nghiệp cho rằng thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều, bởi trên thị trường hiện nay hàng không rõ xuất xứ, hàng nhái, hàng xách tay… cũng được tiêu thụ mạnh mẽ, đặc biệt ở những vùng nông thôn. Theo báo cáo quý II-2018 của Nielsen, thị trường thời trang Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 15 – 20%/năm.
Hai năm qua, cùng với sự đổ bộ của các thương hiệu toàn cầu như Zara, H&M, Pull & Bear, Stradivarius… hoạt động khởi nghiệp, mua bán sáp nhập, mở rộng của các doanh nghiệp ngành thời trang Việt Nam càng lúc càng sôi động. Dù nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp hoặc thậm chí biến mất sau thời kỳ phát triển nhanh chóng nhưng cũng không ít thương hiệu mới với tư duy mới, cách làm mới xuất hiện và nhanh chóng được người tiêu dùng chú ý.
So với hàng ngoại, các thương hiệu như Yvy Moda, Canafi, NEM… đang được đánh giá khá cao về mối tương quan hợp lý giữa mức giá, thiết kế và chất lượng vải.
Dù thị trường chung tiềm năng là thế, việc mở rộng thị phần ở Việt Nam thực chất không hề dễ dàng với cả doanh nghiệp ngoại lẫn nội. Các hãng thời trang ngoại sau khi nhanh chóng giành được thành công ở vài thành phố lớn hầu hết đều chững lại, không vươn ra được các tỉnh thành khác do mức giá còn khá cao và kiểu dáng chưa phù hợp với thị hiếu của phần lớn người Việt. Hành trình mở rộng của các thương hiệu thời trang Việt còn gian nan hơn khi không ít người tiêu dùng vẫn chuộng hàng không rõ xuất xứ, hàng nhái… Đặc biệt, nhiều công ty thời trang ở Việt Nam vẫn đang quản trị theo mô hình gia đình, do đó khả năng cạnh tranh về tốc độ ra mẫu mới không cao.
Theo chia sẻ của bà Trần Mai Hương, người sáng lập thương hiệu thời trang Coco Sin, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp này không phải là việc chạy theo xu hướng thời trang hay phong cách mới, mà là bài toán về tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng như dòng tiền. Để tồn tại được, các thương hiệu luôn cần tung ra các mẫu mã mới. Mỗi khi bán được một bộ sưu tập, doanh nghiệp phải ngay lập tức tái đầu tư vào bộ sưu tập mới hơn. Ngoài ra, áp lực ra sản phẩm mới nhanh cũng buộc doanh nghiệp phải đầu tư và sở hữu nhà xưởng riêng, bởi nếu thuê gia công, doanh nghiệp sẽ luôn bị động về tiến độ và chất lượng sản phẩm.
Thoát khỏi tư duy kinh doanh thời trang cũ
Bên cạnh đó, khả năng thực hiện khảo sát về thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng cũng là chìa khóa quan trọng mà doanh nghiệp Việt phải học được trong bối cảnh vòng đời sản phẩm thời trang ngày càng ngắn như hiện nay. Chính thực tế trên đã buộc các tập đoàn thời trang toàn cầu phải đầu tư mạnh hơn vào công nghệ Big Data. Big Data giúp nhà bán lẻ định hướng từ đầu là cần sản xuất mẫu thời trang nào, số lượng bao nhiêu, nên giảm giá vào lúc nào… Tại Việt Nam, doanh nghiệp thời trang chủ yếu vẫn dựa vào các dự đoán và dữ liệu với độ trễ nhất định.
Có thể thấy những thương hiệu thời trang Việt phát triển mạnh trên thị trường trong vài năm qua đều có tư duy kinh doanh mới mẻ và nắm vững thị hiếu, đặc tính của người tiêu dùng trong nước. Trước sự xuất hiện của các nhãn hàng quốc tế, bà Đoàn Ngọc – CEO của thời trang Canifa cho rằng đây là cơ hội để nhân viên công ty học hỏi về dịch vụ, tiếp cận cách thức vận hành cửa hàng. Tuy nhiên, các công ty thời trang trong nước muốn khẳng định vị trí thì không thể bắt chước mẫu của thời trang quốc tế, mà phải tạo được sự khác biệt.
Chẳng hạn, Canifa chọn mức giá phù hợp với số đông và điều mà nhãn hàng này muốn tạo sự khác biệt là độ bền. Bà Đoàn Ngọc cho biết, nếu như bộ sưu tập của các nhãn hàng quốc tế tập trung vào màu sắc và họa tiết, nhằm thu hút khách hàng bằng tính thời trang thì Canifa chọn tính chất thời trang vừa đủ (tức là vẫn bắt kịp xu hướng nhưng sản phẩm phải có vòng đời sử dụng dài hơn, được thể hiện bằng chất liệu tốt và không có sự thay đổi lớn về mẫu mã). Chiến lược này phù hợp với hoàn cảnh, thu nhập của phần đông người tiêu dùng Việt Nam còn khiêm tốn và nhu cầu khác biệt trong trang phục chưa quá lớn.
Nhắm đến phân khúc cao cấp hơn, Yvy Moda cũng là một thương hiệu thành công với cách làm mới mẻ, đột phá. Nếu trên thế giới, lâu nay các hãng thời trang lấy việc tổ chức show diễn thời trang theo mùa trong năm làm cơ hội truyền thông và tiếp cận khách hàng, đối tác, công chúng một cách nhanh, mạnh nhất thì ở Việt Nam hoạt động này vẫn còn xa lạ. Gần ba năm qua, Yvy Moda đã đi đầu trong việc tổ chức những show diễn thời trang theo mùa, kết hợp với các chương trình thời trang trên đài truyền hình. Đặc biệt, thương hiệu này vừa gây nhiều chú ý qua sự kết hợp với nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Graeme Armour trong bộ sưu tập Thu-Đông 2018.
Song song với marketing mạnh tay, Ivy Moda cũng đưa công nghệ cao vào logistics thông qua công nghệ RFID: quản lý chip điện tử đối với từng mã hàng, giúp tăng năng suất của các giai đoạn: kiểm kho, điều phối, vận chuyển hàng hóa… Sẽ chỉ mất ba ngày thay vì 10-15 ngày như trước đây để các thiết kế mới nhất có mặt trên hệ thống gần 70 cửa hàng trên toàn quốc… Nhà thiết kế Phương My từng cho biết: “Khi tôi làm thời trang, thiết kế chỉ chiếm khoảng 1% thời gian trong năm thôi. Còn 99% thời gian còn lại là kinh doanh, quản lý con người, bài toán tài chính, mở rộng thương hiệu” – đó chính là thực tế của các công ty thời trang hiện nay!
Theo: Nguoidothi