Dù không đạt thỏa thuận, song việc hai nhà lãnh đạo đồng ý gặp lại nhau chỉ sau hơn 8 tháng kể từ hội nghị lần một ở Singapore đã là một thành công.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai diễn ra trong hai ngày 27/02 và 28/02 tại Hà Nội đã kết thúc sớm hơn chương trình nghị sự ban đầu. Dù không thể đạt được thỏa thuận, song việc hai nhà lãnh đạo đồng ý gặp lại nhau chỉ sau hơn 8 tháng kể từ hội nghị lần một ở Singapore đã là một thành công. Bên cạnh đó, với việc hai nhà lãnh đạo đều khẳng định có mối quan hệ cá nhân tốt và mong muốn tiếp tục đàm phán để giải quyết bế tắc là cơ sở để cộng đồng quốc tế kỳ vọng vào một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Post |
Tín hiệu quan trọng nhất được chính Tổng thống Donald Trump phát đi ngày 1/3, khẳng định quan hệ giữa ông với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un “rất tốt đẹp” mặc dù hai bên không đạt được một thỏa thuận nào tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội. Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Donald Trump viết: “Rất vui khi trở về từ Việt Nam, một nơi tuyệt vời. Tôi đã có các cuộc đàm phán rất quan trọng với ông Kim Jong-un, chúng tôi biết những gì phía Triều Tiên muốn và họ biết những gì chúng tôi phải có”.
Trước đó, ngày 28/2, phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay từ Hà Nội đến Manila, Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần hai, Chủ tịch Kim Jong-un đã tái khẳng định rằng ông đã sẵn sàng để phi hạt nhân hóa. Triều Tiên sẽ không tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Đây là những điều tốt, là một trụ cột và nền tảng quan trọng cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Tiếp đó, phát biểu trong cuộc họp báo khi đang ở thăm Philippines, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Mỹ nóng lòng muốn quay trở lại bàn đàm phán để có thể tiếp tục các cuộc thảo luận với kỳ vọng sẽ phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng như mang lại hòa bình, ổn định và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nước này.
Trong khi đó, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 1/3 nhận định, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội đã “thành công”, hai bên sẽ duy trì đối thoại tích cực để mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã hứa với Tổng thống Donald Trump về một hội nghị thượng đỉnh khác.
Về vấn đề này, ông David Kim, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á, hiện là chuyên gia cao cấp Trung tâm Stimson, có trụ sở ở Washington cho biết ông không tin hội nghị thượng đỉnh thứ ba sẽ sớm diễn ra, nhưng vẫn có những động lực ngoại giao từ cả hai phía. Chuyên gia David Kim cho rằng, hiện có đủ ý chí và những động lực chính trị từ cả hai bên để giữ vững bầu không khí ngoại giao hiện nay.
Biểu hiện cụ thể, đó là tại hội nghị vừa qua, đã có một cam kết, ít nhất là bằng lời nói, rằng Triều Tiên sẽ chấm dứt thử hạt nhân và tên lửa. Trong khi Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ tiếp tục đình chỉ các cuộc tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên, điều mà Bình Nhưỡng luôn xem là hành động khiêu khích. Theo chuyên gia David Kim, đó là điều rất quan trọng và có ý nghĩa theo nhiều cách khác nhau.
Will Ripley, phóng viên chuyên trách mảng quốc tế của kênh truyền hình CNN cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã bất ngờ kết thúc sớm hơn dự kiến, nhưng thế giới hiện nay vẫn an toàn hơn so với giai đoạn “trút lửa và giận dữ”. Dù hai bên không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào nhưng vẫn để ngỏ cho giải pháp ngoại giao là điều quan trọng.
Chuyên gia Harry Kazianis, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Triều Tiên thuộc Trung tâm lợi ích quốc gia Mỹ nhận định, hiện vẫn còn cơ hội để thúc đẩy các cuộc đàm phán và đảm bảo rằng Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Theo chuyên gia Kazianis, đây là thời điểm để Chính phủ Hàn Quốc tham gia và dẫn dắt các cuộc đàm phán Mỹ-Triều nhằm thu hẹp khoảng cách giữa hai bên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể là người duy nhất có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán Mỹ-Triều và ông cũng cần lắng nghe quan điểm từ cả hai phía.
Có thể thấy rằng các ý kiến từ chính giới, truyền thông và chuyên gia đều cho thấy mặc dù không đạt được một thỏa thuận nhưng cuộc gặp tại Hà Nội đã tiếp tục đặt cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo và triển vọng đạt được đàm phán là vẫn còn. Sẽ không thể giải quyết vấn đề Triều Tiên ngay được mà từng bước tiến nhỏ sẽ góp phần mang lại tiến triển trong quá trình đàm phán.
Với việc cả Mỹ và Triều Tiên tiếp tục chứng tỏ thiện chí, để ngỏ khả năng cho giải pháp ngoại giao cùng với đó là cam kết ủng hộ các bên liên quan, nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, vẫn còn cơ hội để Washington và Bình Nhưỡng đạt được một thỏa thuận nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên./.
Theo: VOV