Người từng đi du học ở Israel, Úc, người làm tiến sĩ ở Nhật Bản, tháng 12/2021, vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Đức Chinh bất ngờ từ bỏ công việc nhiều người mơ ước trước sự ngỡ ngàng của gia đình và bạn bè để về ven đô khởi nghiệp trồng rau quả sạch.
Chị Nguyễn Thị Duyên quê ở Thái Bình, có bằng thạc sĩ nông nghiệp tại Australia, quyết định bỏ phố về quê khi đang là chuyên viên một viện nghiên cứu nông nghiệp lớn. Tháng 6/2021, chồng chị Duyên là anh Nguyễn Đức Chinh, tiến sĩ sinh học tại Nhật, cũng nối gót vợ nghỉ việc, toàn tâm toàn ý với nghề trồng rau hữu cơ trên mảnh ruộng đi thuê khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Chia sẻ về hành trình của mình, tiến sĩ Nguyễn Đức Chinh cho biết, trước đây khi còn là công chức ở cơ quan nhà nước. Trong quá trình làm việc, anh nhận thấy vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với rau xanh vô cùng cấp thiết.
“Năm 2015, từ Australia về Việt Nam sau khóa học thạc sĩ, vợ tôi được cơ quan phân công tham gia dự án quốc tế về rau hữu cơ. Chúng tôi mượn mảnh vườn bỏ hoang rộng 1.000 m2, cỏ mọc ngang lưng, làm chỗ thực hành.
Mảnh vườn hình thành sau hơn một tháng thức khuya dậy sớm. Không có tiền thuê nhân công, vợ chồng tôi được hai đồng nghiệp cùng cơ quan giúp sức. Chúng tôi ủ phân hữu cơ từ phân bò, phân trâu rồi mua bã nấm sò, ngâm cá, ốc để thay thế đạm hóa học. Vài tháng sau, lứa rau đầu tiên được thu hoạch, ai nhìn cũng chê vì thấy toàn sâu. Nhưng khi ăn, vị ngọt khiến mọi người bất ngờ, người nọ mách người kia. Số tiền từ bán rau đủ cho chúng tôi duy trì khu vườn thí nghiệm.
Khi đó, tôi làm đề tài nghiên cứu hữu cơ, thấy rằng nhu cầu về những thực phẩm hữu cơ rất thiết thực, nhất là khi trực tiếp đi giao hàng, tôi gặp nhiều người có con nhỏ, phụ nữ đang mang bầu, có nhu cầu thực sự về rau sạch mà khả năng tiếp cận sản phẩm hữu cơ lại ít. Đó là động lực giúp chúng tôi bỏ việc mở trang trại trồng rau hữu cơ với cái tên Genxanh”, anh Chinh chia sẻ.
Giai đoạn đầu, vợ chồng anh Chinh cũng đối diện với nhiều khó khăn, nhưng cho đến giờ anh Chinh vẫn khẳng định nếu chọn lại anh vẫn chọn về trồng rau sạch.
“Trước đây, vừa đi làm ở viện nghiên cứu lại vừa làm ở trang trại rau hữu cơ, nhưng một thời gian nhận ra không thể làm một lúc 2 việc, tháng 8/2020, vợ tôi xin nghỉ ở cơ quan, tập trung trồng rau. Tháng 6/2021, bỏ qua cơ hội thăng tiến, tôi nối gót vợ, trở thành nông dân thực thụ. Dầm mưa dãi nắng nhiều, có giai đoạn vợ tôi sụt 5 kg, còn tôi trở nên đen nhẻm.
Khi tôi quyết định nghỉ việc, nhiều người bảo tôi là ngu dại, dở hơi. Cũng dễ hiểu thôi bởi công việc đó nhiều người mong không được còn mình thì lại quyết định bỏ. Nhưng vì đau đáu một tâm huyết về trồng sản phẩm hữu cơ nên tôi vẫn quyết tâm nghỉ”, anh Chinh chia sẻ thêm.
Anh Chinh kể, giai đoạn đầu, sau khi anh và các cộng sự của mình thuê 2ha đất ở huyện Phúc Thọ thì mọi người vừa làm ở viện nghiên cứu vừa làm ở trang trại nên cũng vất vả.
“Thuê đất xong, nhìn đồng không mông quạnh, cỏ ngập đầu, chúng tôi bắt tay vào cắt cỏ, thiết kế cơ sở hạ tầng đường điện, nước, sau khi hoàn thành thì vốn liếng hết, trồng cây ra bán không hết vì người tiêu dùng chưa biết đến.
Có những lúc vất vả trồng được lứa rau muống rất tốt nhưng phải cắt bỏ làm phân vì bán không kịp, rồi nhân lực mỏng vì không có tiền thuê nhiều người nên chỗ này làm chưa xong chỗ khác cỏ đã mọc um tùm. Suốt một năm đầu lập trang trại, tháng nào cũng lỗ.
Rồi đợt đỉnh điểm của dịch bệnh cũng thế, mọi nơi đều nội bất xuất ngoại bất nhập, xung quanh dân không được ra đồng, 2 vợ chồng làm không xuể.
Hà Nội vừa nới lỏng giãn cách, chưa kịp mừng thì tháng tiếp theo, trời mưa không ngớt. Trang trại tan hoang, nước ngập trắng ruộng. Thời điểm này, ngày cũng như đêm, vợ chồng cầm cuốc đi khơi thông rãnh nước cứu rau, nhưng làm vẫn không kịp.
Tôi nhớ mãi cảnh vợ bật khóc khi đứng giữa cơn mưa, còn tôi chẳng biết làm gì, chỉ vỗ vai vợ, động viên nhau”, anh Chinh nhớ lại.
Nhưng rồi, vợ chồng anh cũng vượt qua khó khăn, vất vả, dần hái thành quả ngọt từ vườn rau chính tay mình trồng.
Anh Chinh khẳng định: “Rau trồng tại đây được chúng tôi đưa ra với tiêu chí 5 không (không thuốc bảo vệ thực vật hoá học, phân bón hoá học, thuốc diệt cỏ, chất kích thích sinh trưởng, biến đổi gen).
Tôi trồng rau thuận tự nhiên và tôi thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn nên không hối hận trước quyết định làm rau hữu cơ. Tôi chấp nhận những khó khăn trước mắt, thậm chí có thể công không cao nhưng chúng tôi tin chắc đến một thời gian nào đó sản lượng sẽ tăng cao và sản phẩm hữu cơ sẽ phát triển bền vững có giá trị kinh tế”.
Làm nông sản, điều mà nhiều người lo ngại đó chính là sản phẩm trồng ra không phân phối được. Tuy nhiên, dù giá rau hữu cơ của anh Chinh cao hơn rau thường, nhưng anh Chinh cho biết hiện tại rau hữu cơ của vợ chồng anh trồng không đủ để cung cấp cho khách hàng.
Đơn cử như ổi ngoài thị trường chỉ có giá từ 5-10.000 đồng/kg, trong khi ổi tại vườn anh trồng có giá 40.000 đồng/kg, thế nhưng cũng không đủ sản lượng để bán ra thị trường.
Khách hàng của vợ chồng anh chủ yếu là khách hàng lẻ, cũng có một số bếp ăn đặt rau ở vườn anh. Anh Chinh cho biết vườn có rau thì giao cho khách, nếu không có thì thôi chứ anh không nhập rau nơi khác về giao cho khách hàng. Đây cũng là điểm yếu khiến anh không ký được hợp đồng lớn.
Điều khiến vợ chồng anh Chinh làm việc quên cả mệt mỏi chính là phản hồi của khách hàng, khách hàng tin tưởng, cộng đồng ghi nhận nên anh chị thấy con đường mình lựa chọn là đúng đắn.
Hiện tại trang trại rau của vợ chồng anh Chinh có 4 anh em cộng sự, tạo công việc cho 9 công nhân.
“Hiện tại, chúng tôi cũng đang mở rộng diện tích trồng thực phẩm hữu cơ, tôi cũng mong muốn mô hình của mình thành công và sẵn sàng chuyển giao công nghệ lại cho nhiều người”, anh Chinh nói.