673
Cùng với thời trang bền vững, xu hướng thời trang thuần chay đang dần khẳng định vị thế của mình trong bức tranh tương lai của làng mốt thế giới.
Nếu gõ cụm từ “thời trang thuần chay” (vegan fashion) trên thanh tìm kiếm Google, bạn sẽ ngạc nhiên vì những con số ấn tượng trên màn hình. Không chỉ đơn thuần là một xu hướng thời trang, thời trang thuần chay đang trở thành một phong cách sống thân thiện với môi trường mà hàng triệu người trẻ đang theo đuổi.
(Ảnh: Gucci)
Thời trang thuần chay (vegan fashion) là xu hướng khai thác các chất liệu thiết kế “nói không với động vật”, thân thiện với môi trường, cân bằng giữa tư duy kinh doanh với các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội. Thay vì ứng dụng các chất liệu có nguồn gốc từ động vật như lông, da, lông vũ… thời trang thuần chay tạo ra các thiết kế từ những nguyên liệu thay thế nhân đạo hơn. Thời trang thuần chay hướng đến việc truyền cảm hứng và nâng cao nhận thức cho những người yêu thời trang về sự tác động tiêu cực của ngành công nghiệp thời trang đối với tự nhiên nói chung và các loài động vật nói riêng.(Ảnh: Net-a-Porter)
(Ảnh: Stella McCartney)
Bắt nguồn từ chiến dịch Veganuary (thử thách người tham gia duy trì chế độ ăn chay trong 1 tháng), xu hướng thuần chay dần len lỏi trong từng nhịp thở của dòng chảy thời trang đương đại và bùng nổ mạnh mẽ kể từ năm 2015. Ngày càng nhiều thương hiệu tập trung vào phân khúc thị trường đầy triển vọng này, từ các nhà mốt tên tuổi như Stella McCartney, Vivienne Westwood, Gucci cho đến dòng thời trang nhanh và các nhãn hiệu tầm trung như Kuma Design, Labante London, Shrimps.Vivienne Westwood, Gucci, Stella McCartney… là những thương hiệu lớn tiên phong trong việc khai thác xu hướng thời trang thuần chay. (Ảnh: lovepunkfashion)
(Ảnh: Gucci)
(Ảnh: Shrimps)
Mỗi thương hiệu có cách thức riêng để tiếp cận xu hướng thời trang thuần chay. Là một trong những gương mặt tiên phong trong xu hướng này, Stella McCartney đã gầy dựng “đế chế” thời trang bền vững khi ứng dụng công nghệ trong việc tạo ra các chất liệu lông thú nhân tạo, da giả, tơ sợi, len, cashmere…Bên cạnh đó, Stella McCartney cũng sử dụng rác thải để tái tạo nên các thiết kế cao cấp.(Ảnh: Irishtimes)
Sợi cashmere được nhà mốt Stella McCartney tái tạo từ cashmere đã qua sử dụng tại Ý. (Ảnh: Stella McCartney)
Trong khi nhiều “ông lớn” như Gucci, Michael Kors, Ralph Lauren, Burberry… chọn sử dụng lông thú nhân tạo trong các bộ sưu tập thì các thương hiệu nhỏ hơn như Labante London, Kuma Design thiết kế dòng túi xách, phụ kiện dành cho tóc từ rác thải nhựa tái chế. Gần đây nhất, nữ ca sĩ Miley Cyrus “bắt tay” thương hiệu Converse cho ra mắt BST gồm 25 thiết kế quần áo và giày thể thao từ chất liệu thuộc da giả.(Ảnh: Independent)
(Ảnh: Converse)
Với sự lan tỏa mạnh mẽ của các giá trị đạo đức và bền vững trong ngành thời trang, nhiều ngôi sao nổi tiếng đã chọn thời trang thuần chay như một hình thức khuyến khích thay đổi tư duy của làng mốt. Emma Watson, Miley Cyrus, Rooney Mara và Serena Williams là những tên tuổi đi đầu trong việc đưa thời trang thuần chay cũng như thời trang bền vững đến gần hơn với công chúng.Paris Jackson và Miley Cyrus diện thiết kế đầm “thuần chay” từ thương hiệu Stella McCartney tại Met Gala 2018. (Ảnh: Yahoo)
Sự ra đời của Tuần lễ thời trang thuần chay đầu tiên trên thế giới được ví như sự đáp đền xứng đáng cho những nỗ lực của nhiều thương hiệu thời trang, loạt ngôi sao cũng như các nhà hoạt động vì động vật. Được tổ chức vào tháng 2 tại Los Angeles, tuần lễ thời trang thuần chay được kì vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên của làng mốt quốc tế trong tương lai. Với những tín hiệu đáng mừng trong thời gian vừa qua, thời trang thuần chay đang dần chinh phục các tín đồ sành mốt trên khắp thế giới. Không chỉ là một xu hướng thời trang, thời trang thuần chay đang trở thành phong cách sống mới, hướng về thiên nhiên và lối sống bền vững trong tương lai.Theo : ELLE