Nếu mắc những lỗi này trong quá trình giáo dục con thì bố mẹ nên sửa ngay kẻo hối hận.
Sai lầm khi dạy trẻ là điều mà không ít các bậc phụ huynh thường xuyên mắc phải. Sai lầm khiến kết quả của giáo dục không đi theo đúng hướng. Nuôi dạy một đứa trẻ phát triển và trưởng thành là chuyện khiến phụ huynh gặp nhiều khó khăn và áp lực. Không phải phương pháp giáo dục nào cũng đúng. Dưới đây là những sai lầm mà phụ huynh thường mắc phải. Hãy nhanh chóng thay đổi để giúp trẻ phát triển toàn diện, có cơ hội thành công cao khi bước ra ngoài xã hội.
1. Chăm con là việc của mẹ, bố chỉ cần kiếm tiền
Mẹ ở nhà chăm sóc và nuôi dạy con cái, còn bố ra ngoài xã hội kiếm tiền là tiêu chuẩn của nhiều gia đình. Điều này ảnh hưởng xấu đến quá trình khôn lớn của con, người bố thường vắng mặt, không hình thành tính cách cho con. Việc giáo dục con cái cần sự chung tay của cả bố và mẹ mới có thể nuôi dạy nên một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Vì vậy, các ông bố hãy sắp xếp thời gian để cùng vợ giáo dục con, đừng phó mặc việc dạy dỗ con là của người phụ nữ.
Sau 12 năm nghiên cứu, các nhà Tâm lý học đã chỉ ra, những ông bố tham gia vào việc giáo dục con sẽ giúp con đạt điểm số ở trường tốt hơn và có cơ hội thành công cao trong cuộc đời. Khi bố dạy con sẽ bổ sung và bù đắp những thiếu sót ở mẹ. Với sự dịu dàng của mình, mẹ sẽ dạy con tính cẩn thận, chăm chỉ, biết quan tâm người khác. Còn bố sẽ hình thành tính tự lập, dũng cảm và đưa ra định hướng cho con. Vì vậy, người bố đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình khôn lớn của mỗi đứa trẻ.
2. Yêu con là đáp ứng mọi yêu cầu của con
Nhiều gia đình rất nuông chiều con cái, họ đặt ra chủ trương “yêu con vô điều kiện”, nghĩa là đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ. Mọi thứ đều xoay quanh trẻ, họ đáp ứng mong muốn của trẻ một cách mù quáng. Điều này có thể khiến trẻ trở nên kiêu ngạo, khó hoà đồng với các bạn. Trẻ sẽ hình thành suy nghĩ: “Con muốn gì là sẽ có ngay”.
Điều này gây nguy hại cho trẻ bởi lớn lên, khi không đạt được mong muốn, trẻ sẽ tỏ thái độ chống đối, không chịu hợp tác. Khi đó, trẻ sẽ khó thích nghi được với môi trường xung quanh. Vì vậy, trong quá trình giáo dục con, bố mẹ cần hiểu rõ giữa nhu cầu của con, đồng thời khuyến khích con cố gắng để đạt được mong muốn. Tránh việc nuông chiều con quá mức khiến con sinh hư.
3. Đặt áp lực cho con vì muốn con “hoá rồng hoá phượng”
Tất cả các ông bố bà mẹ đều mong muốn con mình thành công trên đường đời, có vị thế trong xã hội. Vì đặt nhiều kỳ vọng vào con nên ngay khi con học mẫu giáo, bố mẹ đã lên kế hoạch học tập, định hướng công việc. Họ mong con mình trở nên nổi bật, xuất sắc hơn các bạn khác.
Chẳng hạn như đứa trẻ nhà bên cạnh được 100 điểm trong kỳ thi thì họ cũng mong con cũng phải đạt số điểm như vậy. Trong chuyện học tập hay bất kể ở lĩnh vực nào, họ đều không chấp nhận việc con mình thua kém. Điều này khiến trẻ phải sống trong môi trường cạnh tranh từ nhỏ, có thể hình thành suy nghĩ tiêu cực: “Mình phải chiến thắng, nếu thất bại sẽ thành người bất tài, kém cỏi”.
Bố mẹ cần hiểu rằng trong bất cứ môi trường nào cũng có người tài giỏi, xuất chúng. Đừng so sánh rồi bắt con phải thành “ông nọ, bà kia”. Điều quan trọng nhất là giúp con cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, biết trân trọng những gì mình đang có. Đồng thời, hãy khuyến khích con phát triển bản thân theo cách của riêng con. Phiên bản hoàn hảo của mỗi người là tốt hơn chính mình của ngày hôm qua, chứ không cần phải so sánh với bất kỳ ai.
4. Dạy trẻ nghe lời tuyệt đối mới là ngoan
Nhiều cha mẹ cho rằng, trẻ em vâng lời người lớn tuyệt đối mới là ngoan. Chính điều này đã khiến những đứa trẻ trở nên thiếu tính sáng tạo, chính kiến, tự chủ. Dưới góc nhìn của giáo dục hiện đại, việc dạy trẻ “vâng lời” là cách giáo dục sai lầm, không có lợi cho sự phát triển của trẻ.
Dạy trẻ vâng lời tuyệt đối đôi khi khiến trẻ gặp nguy hiểm. Khoảng cách tuổi tác giữa những đứa trẻ và người lớn luôn tồn tại. Nếu dạy trẻ vâng lời tuyệt đối sẽ khiến trẻ không dám đặt câu hỏi hoặc nhờ sự trợ giúp với người lớn tuổi. Như vậy, trong trường hợp trẻ gặp nguy hiểm, người lớn sẽ không biết để giúp đỡ trẻ.
Theo: phunuvietnam