Phụ nữ thành đạt ở Thuỵ Điển
Khi xã hội hướng tới bình đẳng giới, đồng nghĩa với sự ghi nhận lẽ công bằng trong phân chia công việc giữa các lao động nam và nữ. Song, thực tế chỉ ra rằng, phụ nữ có xu hướng thành công trong sự nghiệp lại chịu áp lực cao hơn về gia đình so với đàn ông. Nói cách khác, họ có thể cảm thấy khó khăn hơn khi phải cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống gia đình.
Thuỵ Điển là một quốc gia đi đầu trong chính sách bình đẳng giới. Song, theo một nghiên cứu mới nhất về phụ nữ nước này cho thấy, phụ nữ càng thành đạt trong sự nghiệp của họ càng có nhiều gặp nhiều mối lo lắng trong quan hệ gia đình hơn.
Cách đây 30 năm, tỷ lệ giáo dục đại học của phụ nữ Thụy Điển đã vượt qua so với đàn ông và việc tham gia vào lực lượng lao động của họ đạt đến mức tương tự. Ngày nay, tỷ lệ nữ là CEO, thành viên hội đồng quản trị và nghị sĩ cấp cao nhất thuộc hàng cao nhất thế giới.
Và phụ nữ sau khi trở thành CEO sẽ bắt đầu ly hôn với tốc độ cao hơn rõ ràng so với những người đàn ông có cùng sự chuyển đổi nghề nghiệp. Ly hôn sau khi thăng chức ở các vị trí hàng đầu dường như là nỗi ám ảnh của phụ nữ trong lĩnh vực tư nhân.
Nguyên nhân ly hôn tại nước này được cho là sự thăng tiến trong công việc ở phụ nữ dễ tạo ra những xích mích do giữa họ không cân bằng được kinh tế và tình trạng hôn nhân, phụ nữ dành thời gian cho công việc nhiều hơn là thời gian cho gia đình.
Xét thấy, một “nút thắt” dẫn đến ly hôn gia tăng ở người phụ nữ khi thành công trong công việc là do ít dành thời gian cho gia đình. Quan điểm người phụ nữ phải “nữ công gia chánh” có lẽ không chỉ riêng ở Thụy Điển mà hầu hết tại các nước khác ngay cả Việt Nam.
Bình đẳng giới chưa thực sự hiệu quả khi không làm thay đổi nhận thức của con người khi họ phải đứng giữa hai ranh giới sự nghiệp và gia đình. Cùng là một vị trí, nhưng người đàn ông khi tham gia việc xã hội sẽ được giảm bớt trách nhiệm trong việc chăm sóc gia đình, con cái, còn người phụ nữ thì không được như vậy.
Bởi vậy, khi phụ nữ hy sinh quá nhiều cho sự nghiệp, họ có xu hướng phải đánh đổi bằng hôn nhân – gia đình do những định kiến về văn hóa – xã hội và vai trò giới truyền thông. Quan niệm từ xưa tới nay của giới truyền thống là phụ nữ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nội trợ, bếp núc, chăm sóc con cái, gắn chặt họ với thiên chức của người mẹ, người vợ, người con, khiến vị trí lãnh đạo trên chiến trường của họ thường đứng sau nam giới. Thông thường, họ phải nỗ lực làm việc gấp đôi mới được thừa nhận.
Có nhiều người chồng chỉ yêu cầu vợ ở nhà chăm sóc con cái, gia đình, nội trợ; còn vấn đề kinh tế là việc của chồng. Điều này có thể là một sự “giam cầm” đối với những người phụ nữ thông minh, tài năng và có tham vọng vươn lên trong cuộc sống.
Mặt khác, họ vẫn cần cả gia đình và công việc. Nếu gặp người chồng yêu thương, thông cảm, vị tha, tôn trọng cùng xây đắp gia đình, những phụ nữ này có xu hướng cân bằng hơn trong cuộc sống. Nhưng ngược lại, người chồng không thể thấu hiểu và chia sẻ với vợ là một áp lực tâm lý lớn đối với phụ nữ nói chung, không riêng phụ nữ thành đạt.
Phụ nữ hoàn toàn có thể làm nên sự nghiệp như đàn ông. |
Nguyên nhân chính dẫn đến sự đổ vỡ trong quan hệ hôn nhân gia đình đa phần từ những vấn đề không thể hoà giải giữa hai vợ chồng, sau đó mới nhắc tới mối quan hệ của phụ nữ với những thành viên khác trong gia đình.
Không còn là hy sinh và đánh đổi
Việc có thể cân bằng giữa sự nghiệp và các mối quan hệ gia đình là một mục tiêu của nhiều người. Tuy tỷ lệ ly hôn ở phụ nữ có sự nghiệp thành công tại Thụy Điển xếp hạng cao, nhưng họ cũng có khả năng kết hôn và sinh con như nhau. Nói cách khác, phụ nữ có thành công trong sự nghiệp không cần phải từ bỏ việc có gia đình.
Một định kiến phổ biến trước đây cho rằng phụ nữ phải lựa chọn và hy sinh, hoặc có gia đình hoặc có sự nghiệp. Thực tế xã hội hiện đại cho thấy điều này không còn đúng với mọi tình huống, người phụ nữ có thể chủ động lựa chọn bạn đời phù hợp và cùng xây dựng một mái ấm hạnh phúc, đồng thời đạt được đỉnh cao trong công việc.
Chia sẻ với báo chí, bà Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, cho rằng: “Giữa hai khía cạnh này không có sự cân bằng tuyệt đối mà ta phải biết ưu tiên trong từng giai đoạn cuộc đời, giai đoạn nào sẽ cần ưu tiên cái gì hơn, mỗi người phụ nữ nên đặt ra mục tiêu và cân đối những mục tiêu đó trong từng thời điểm”.
Do đó, một người phụ nữ thành công phải có mục tiêu và kế hoạch rõ ràng. Đừng để công việc cuốn mình đi theo, cũng đừng vì gia đình mà đánh mất ước mơ hay đam mê trong công việc.
Các nhà khoa học cho rằng phụ nữ có thể đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau. Họ có thể vừa là người mẹ, người vợ vừa là nhà khoa học, nhà chính trị và nhà quản lý. Từ đó, phụ nữ có thể lựa chọn, quyết định và làm tốt vai trò của mình trong gia đình và xã hội với tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức nghề nghiệp tốt. Đây cũng là nét khác biệt đáng chú ý trong cách thức lãnh đạo và quản lý giữa nam và nữ.
Một trong số những người phụ nữ quyền lực trên thế giới có cuộc sống gia đình hạnh phúc và sự nghiệp thành công như bà Wojcicki – Giám đốc điều hành của Youtube và cũng là mẹ của 5 con nhỏ, từng chia sẻ bí quyết cân bằng giữa gia đình và công việc theo cách vô cùng độc đáo: “Khi ở nhà, tôi luôn có quy tắc là không kiểm tra email từ 6 đến 9 giờ tối.
Sẽ luôn có công việc ở đó chờ bạn, nhưng điều quan trọng là hãy học cách ngắt kết nối nếu cần thiết”. Đối với bà Wojcicki, đây không chỉ là cách tốt để dành thời gian cho gia đình mà đó còn là một chiến lược giúp bà sắp xếp thời gian hợp lí và làm việc năng suất hơn trước khi trở về nhà.
Phá vỡ định kiến về giới
Nền kinh tế càng phát triển, phụ nữ càng có nhiều cơ hội hơn. Nó phá vỡ sự phân công lao động cứng nhắc theo giới, cho phép phụ nữ tham gia vào nền kinh tế thị trường và khiến nam giới phải chia sẻ trách nhiệm chăm sóc gia đình, tiến tới một thời đại bình đẳng trong công việc, và gia đình, đề cao năng lực lãnh đạo và tôn trọng quyền lực của người phụ nữ trong xã hội.
Đàn ông có thể chia sẻ công việc nhà với người phụ nữ để xóa bỏ định kiến việc nhà với người phụ nữ. |
Theo thống kê tại Bản đồ tham chính của phụ nữ thế giới năm 2014 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Quỹ Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) cho thấy, “phái yếu” đang tham gia ngày càng sâu rộng hơn trong đời sống chính trị – xã hội của các nước. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội các nước Bắc Âu đứng đầu thế giới với 42.1% khiến khu vực này luôn chiếm thứ hạng cao về chỉ số quyền lực của phụ nữ và bình đẳng giới.
Từ giai đoạn 2016 – 2017, tỷ lệ phụ nữ tham chính càng ngày càng tăng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê mới đây nhất, đến tháng 6/2018, trong số 7 quốc gia (Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, Lào, Cộng hòa dân chủ Ả rập Xarauy, Tuốc-mê-nit-xtan và Việt Nam), Việt Nam đứng thứ 3 về tỷ lệ phụ nữ tham chính cấp quốc gia. (24,4%).
Đó là kết quả của những nỗ lực, cố gắng của bản thân các nữ cán bộ nói riêng và cả hệ thống chính trị ở nước ta thời gian qua nói chung. Trong số các đại biểu của Quốc hội Việt Nam, tổ chức quyền lực cao nhất, phụ nữ chiếm 27,3% và được Liên Hiệp Quốc đánh giá là: “Phụ nữ Việt Nam tham gia hoạt động chính trị cao nhất thế giới”.
Người phụ nữ có quyền lực không chỉ thành công trên mặt trận “tham chính” mà còn họ còn là những người luôn tự chủ, độc lập trong tài chính và sự nghiệp của mình, nắm giữ những vị trí quan trọng trong công việc.
Theo một nghiên cứu mới nhất về chủ đề “Phụ nữ trong kinh doanh” năm 2019, tỉ lệ phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo trong doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 36%, đứng thứ hai ở Châu Á và cao hơn mức trung bình của thế giới là 29%. Có thể thấy, nữ giới ngày càng khẳng định năng lực của mình trên chiến trường chính trị và hoàn toàn có năng lực lãnh đạo, làm việc và thành công trong sự nghiệp như nam giới.
Theo: Baophapluat