Khi đại dịch COVID-19 lan khắp thế giới, đặc biệt ở châu Âu và Mỹ hiện nay, một cuộc tranh giành khẩu trang và thiết bị y tế toàn cầu đang diễn ra trên toàn cầu. Nhiều nước cáo buộc Mỹ cố “nẫng tay trên” đặt hàng của họ.
Pháp gọi đây là “chiến tranh khẩu trang”. Các quan chức Đức cuối tuần qua cáo buộc Mỹ có hành động như “cướp biển hiện đại” khi lô 200.000 khẩu trang đáng lẽ dành cho cảnh sát Berlin đã bị chuyển hướng sang Mỹ ngay trong lúc quá cảnh ở Bangkok.
“Đây không phải cách các ông đối xử với các đối tác xuyên Đại Tây Dương” Andreas Geisel, quan chức cấp cao của Đức, nói. Quan chức này cho rằng “ngay cả trong thời buổi khủng hoảng toàn cầu cũng không nên dùng những cách hoang dã như thế này”.
Báo chí Đức đưa tin công ty tiếp nhận đơn hàng của Berlin là hãng khẩu trang 3M của Mỹ. 3M nói với CNN rằng công ty này “không có bằng chứng cho thấy số khẩu trang nói trên đã bị lấy mất. 3M không nhận được bất kỳ đặt hàng khẩu trang nào từ Trung Quốc cho cảnh sát Berlin”.
Việc chính phủ Mỹ kích hoạt Đạo luật Sản xuất quốc phòng khiến các nhà cung cấp gặp khó khăn với những hợp đồng nước ngoài. Đạo luật từ năm 1950 trao quyền cho chính phủ Mỹ chỉ đạo sản xuất công nghiệp trong tình huống khủng hoảng. Tổng thống Donald Trump chỉ trích 3M vẫn tiếp tục xuất khẩu đồ bảo hộ y tế. Đáp lại, 3M nói rằng việc dừng xuất khẩu khẩu trang và mặt nạ phòng độc sản xuất tại Mỹ có thể khiến các nước khác trả đũa và làm tương tự.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng bác bỏ thông tin Mỹ chặn 3M xuất hàng sang Mỹ Latin và Canada.
Khi hàng trong kho vơi đi, các nước đang lao vào cuộc đua mà một quan chức Pháp gọi là “cuộc săn kho báu toàn cầu”. Các chính phủ không muốn cho xuất khẩu đồ bảo hộ.
Hôm 3/4, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Arancha González Laya nói rằng đơn đặt mua máy thở mà họ thanh toán trước đã bị chặn lại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều quan chức Pháp kêu khó bảo đảm các đơn hàng được giao. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tuần trước nói về tình trạng đã đặt hàng nhưng không được giao vì nhu cầu từ Mỹ, châu Âu và cả thế giới đặt mua từ Trung Quốc quá lớn.
Một số lãnh đạo vùng của Pháp cáo buộc các khách hàng Mỹ cố tìm cách trả giá cao gấp 3-4 lần để “hớt tay trên” hàng của họ.
Ông Renaud Muselier, lãnh đạo vùng Sud, nói rằng đơn hàng của một vùng đã bị người Mỹ mua lại. Chuyến bay dự kiến hạ cánh ở Pháp cuối cùng chuyển hướng sang Mỹ. Khi được hỏi có phải số khẩu trang đó bị mua lại ngay tại sân bay Trung Quốc, ông Muselier nói với kênh BFM-TV: “Chính xác”.
Theo: Tienphong