Số lượng người giàu và siêu giàu tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Và khi sở hữu nhiều tiền, những người giàu rất quan tâm đến việc quản lý và đầu tư sao cho đúng cách. Nắm bắt tâm lý đó, trong vài năm gần đây, các ngân hàng trong nước đã mở ra các dịch vụ ngân hàng chỉ dành riêng cho các cá nhân có mức thu nhập cao hoặc có tài sản lớn.
Theo báo cáo Wealth Report của hãng tư vấn Knight Frank, năm 2020, Việt Nam có 19.419 triệu phú USD, đứng thứ tư Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Indonesia và Thailand. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam sẽ có hơn 500 người siêu giàu với tài sản hơn 30 triệu USD và hơn 25.800 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD. Điều này, mở ra cơ hội phát triển cho ngành dịch vụ ngân hàng cá nhân (private banking) như quản lý tài sản cũng như các dịch vụ đặc biệt khác của ngân hàng dành riêng cho phân khúc khách hàng này.
Các ngân hàng đều tung ra các dịch vụ đặc quyền dành cho khách hàng. Ảnh: SONG ANH
Các ngân hàng như VPBank, MB, Techcombank, HSBC, SeABank đều tung ra các dịch vụ đặc quyền dành cho khách hàng như VPBank Diamond, MB Private, Techcombank Priority, HSBC Premier, SeAPremium Diamond. Đây là một loạt các dịch vụ từ bảo hiểm tín dụng, hoạch định tài chính, quản lý đầu tư cho đến các ưu đãi độc quyền về các loại hình chăm sóc sức khỏe, đổi thưởng dặm bay, giải trí tại các sân golf, resort… Nhưng làm sao để các ngân hàng giữ chân được khách hàng và thu hút được nhiều tài sản hơn. Dưới đây là một số xu hướng các ngân hàng hướng tới trong năm 2022.
Đầu tiên là sự kết hợp giữa phương pháp tư vấn truyền thống và công nghệ để tiếp cận thế hệ khách hàng mới trẻ hơn. Trải qua hai năm đại dịch, chuyển đổi số đã được thúc đẩy một cách mạnh mẽ khi phương pháp tư vấn truyền thống phải tương tác từ xa với khách hàng 100%. Hiện tại, mặc dù các ngân hàng đã cung cấp giải pháp đa kênh để tiếp cận, tư vấn cho khách hàng nhưng với những người giàu có, việc tương tác một cách trực tiếp, mặt đối mặt vẫn rất quan trọng. Nó mang lại trải nghiệm độc quyền giữa ngân hàng với khách hàng. Vì thế, các ngân hàng cần kết hợp cả việc tư vấn trực tiếp cho khách hàng với các dịch vụ tự động.
Tiếp theo, để mang lại trải nghiệm độc quyền cho khách hàng, các ngân hàng cần cung cấp các dịch vụ “siêu cá nhân hóa” cho khách hàng. Để làm được điều này, các ngân hàng cần phải có kiến thức sâu sắc về mỗi khách hàng. Các ngân hàng cần đầu tư vào nền tảng phân tích và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để thu thập dữ liệu, tăng cường hiệu quả cố vấn nhằm tạo được lợi thế cạnh tranh với đối thủ. Dựa trên thói quen, sở thích, lựa chọn trước đó của khách hàng, họ có thể xây dựng chiến lược đầu tư riêng và đề xuất các sản phẩm tốt nhất, hài lòng khách hàng nhất.
Song song với hai vấn đề trên, các ngân hàng cũng hướng tới những tài sản kỹ thuật số. Hiện tại, đây là danh mục đầu tư đang được quan tâm. Nhiều cơ quan quản lý trên thế giới đang từng bước thiết lập các khuôn khổ pháp lý để khắc phục những rủi ro trong tài sản kỹ thuật số. Khi có một khung pháp lý vững chắc thì sự nhanh nhạy trong việc cung cấp danh mục đầu tư mới trong lĩnh vực tài sản số, đa dạng hóa tài sản sẽ giúp cho ngân hàng có được nhiều cơ hội hơn trong việc giữ chân khách hàng. Hiện tại, có hàng trăm loại tiền mã hóa có thể lựa chọn. Hay NFT (Non-fungible token – tài sản không thể thay thế, được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối – blockchain) mở ra cơ hội cho nhà đầu tư sở hữu một phần tài sản trong thế giới thực như các tác phẩm nghệ thuật, xe ô-tô cổ, đồng hồ…
Nắm bắt và khai thác nhu cầu đầu tư ESG (Environmental, Social & Governance – Môi trường, Xã hội & Quản trị doanh nghiệp) cũng là một yếu tố giúp ngân hàng hút khách. Đầu tư ESG là việc xem xét đánh giá, ra quyết định đầu tư dựa trên các yếu tố môi trường – xã hội – quản trị công ty. Ngược lại với tính chất biến động của một số loại tiền số, đầu tư ESG là đầu tư bền vững, nó là cơ hội tuyệt vời để giữ chân và thu hút khách hàng vì nó dung hòa được mối quan tâm tài chính và những giá trị bền vững mà khách hàng tin tưởng. Bằng cách sàng lọc các công ty mà họ đầu tư dựa trên các tiêu chí đạo đức, xã hội và quản trị, các ngân hàng sẽ giúp bảo vệ khoản đầu tư của khách hàng khỏi các sự kiện bất lợi trong tương lai như các quy định khắt khe hơn. Hơn nữa, bằng cách lựa chọn các công cụ đầu tư theo mục tiêu bền vững, khách hàng được trao quyền để đặt tài sản của họ ở nơi họ có thể tạo ra sự khác biệt.
Cuối cùng là việc đầu tư công nghệ áp dụng điện toán đám mây và phần mềm dưới dạng dịch vụ SaaS (dịch vụ mang đến cho người dùng đầu cuối sử dụng dựa trên công nghệ đám mây). Đây là mô hình kinh doanh sẽ san bằng sân chơi giữa những ngân hàng, các công ty dịch vụ tài chính. Nó cung cấp nhiều lợi thế cạnh tranh, từ thời gian đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường nhanh hơn, cũng như khả năng mở rộng tốt hơn và tính bảo mật cao hơn. Đây là con đường thích hợp cho các doanh nghiệp tài chính thuộc mọi quy mô có thể chấp nhận được chi phí về công nghệ thông tin và bảo vệ lợi nhuận của mình.
Trong hai năm vừa qua, tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực ngân hàng giảm xuống do tác động của đại dịch đối với nền kinh tế. Chính điều này cũng khiến các ngân hàng chú ý nhiều hơn đến phân khúc khách hàng giàu có và giá trị ròng cao. Và những xu hướng trên chính là cơ hội để các ngân hàng giữ chân khách hàng và thu hút được nhiều tài sản hơn.
Theo: Nhandan