Không nghiêm túc, cũng chẳng còn quá đỗi hào nhoáng hay sang trọng, cuộc “gặp gỡ” của địa hạt thời trang và thế giới gấu bông sẽ đưa chúng ta đến một vùng đất của niềm vui, của sự mơ mộng, và cả sự ngây thơ như ở những ngày tháng tuổi thơ.
Thời trang vốn dĩ là nơi “cường điệu hóa”, “hào nhoáng hóa” tất cả mọi thứ trong cuộc sống, từ những giá trị cao cả đến những điều thường nhật nhất. Đó là thế giới biệt lập để chúng ta đắm chìm và tận hưởng cái đẹp. Tuy nhiên, vẻ đẹp hào nhoáng và sự hoàn mỹ của “vùng đất” này không ít lần trở thành chủ đề gây ra nhiều tranh cãi. Và cũng đã có nhiều nhà thiết kế thẳng thắn bày tỏ quan điểm bằng cách cho sự ngây thơ và vui vẻ cũng những món đồ chơi tuổi thơ “giao thoa” với ngôn ngữ thiết kế riêng biệt của bản thân, và rồi đem đến những “tác phẩm” hoàn chỉnh mang theo đó là sự “chế nhạo” về vẻ đẹp hoàn hảo đến nhàm chán, thậm chí là không chân thật của thế giới thời trang. Đối với một số nhà thiết kế, một bộ váy lộng lẫy được chế tác tỉ mỉ sẽ chẳng còn là thứ khiến người xem phải bất ngờ. Nhưng một chiếc váy hay một chiếc áo khoác xa xỉ có thú nhồi bông được đính kết trên đó là một điều hoàn toàn khác!
Vẻ ngoài dễ thương và đáng yêu khác biệt hoàn toàn với sự xa xỉ đặc thù của thế giới thời trang cao cấp này vốn được bắt nguồn từ Nhật Bản, từ cái nôi của văn hóa Kawaii và phong cách thời trang Harajuku nổi tiếng. Phong cách Kawaii và Harajuku đều gây ấn tượng bởi những bộ cánh màu sắc được đính kết hoặc có kiểu dáng của các món đồ chơi, đặc biệt là thú nhồi bông. Mối “duyên tình” đặc biệt giữa thế giới gấu bông và địa hạt thời trang được “hâm nóng” một phần còn nhờ vào độ phổ biến của #plushtoy trên nền tảng TikTok với 3 tỷ lượt xem. Hay chiếc quần baggy jeans gắn đầy thú bông của cô nàng Rosé (BLACKPINK) đang nổi đình nổi đám, khuấy động cả cộng đồng yêu thích thời trang. Từ đó, thú nhồi bông lại một lần nữa trở thành một “vũ khí” hoàn hảo để các thương hiệu và giám đốc sáng tạo thu hút sự chú ý – một thủ thuật hiệu quả khiến người tiêu dùng “siêu lòng” vì chúng giúp họ tạm rời khỏi tấn áp lực từ cuộc sống, để du hành ngược thời gian đến những kỉ niệm ngọt ngào nhất trong quá khứ. Nói không ngoa, theo dòng chảy thời trang, vẻ ngoài lấy cảm hứng từ những món đồ yêu thích của trẻ em, nhất là gấu bông đã được tạo ra vô số, đến mức chúng ta đếm không xuể. Gần đây nhất, chúng ta có bộ mascot chú hổ khổng lồ từ màn bắt tay của Slam Jam và Trudi – một thương hiệu đồ thể thao nước Ý và một thương hiệu đồ chơi đình đám.
Tuy nhiên, từ những năm 1980, món đồ chơi mềm mại này đã bắt đầu chinh phục sự tò mò của các nhà thiết kế nổi tiếng lúc bấy giờ. Ở bộ sưu tập đầu tiên của Franco Moschino, chú gấu teddy đình đám đã xuất hiện “chễm chệ” trên hàng loạt thiết kế, nào là đầm, váy, là áo khoác,… Cho đến năm 2013, người trị vì mới – Jeremy Scott đã tạo ra một chai nước hoa nức tiếng với tạo hình là một gấu bông teddy và cả những chú gấu teddy mặc áo phông trắng có dòng chữ “This is not a Moschino toy” được gắn trên cổ áo của một chiếc đầm trễ vai nữ tính. Kể từ năm 1990, sau khi nhận được một món quà là một chú gấu bông Steiff mặc áo polo, Ralph Lauren – nhà thiết kế người Mỹ đã có ý tưởng tích hợp nó vào các bộ sưu tập của mình. Cũng trong những năm đó, Jean-Charles de Castelbajac – nhà thiết kế người Pháp đã đem lên sàn diễn hàng loạt thiết kế được làm hoàn toàn từ thú nhồi bông, từ chiếc áo khoác ếch Kermit cho đến chiếc áo khoác Snoopy.
Có lúc thịnh thì phải có lúc suy. Vào những năm 1990, thú nhồi bông đã hoàn toàn biến mất khỏi sàn catwalk, do sự thống trị của phong cách thanh lịch và tối giản. Nhưng với sự xuất hiện đầy ngỗ ngược của kỷ nguyên thời trang mới – The Naughties, thời trang đã quyết định “lôi” chúng ra khỏi một góc nào đó của ký ức. Ở thời đại này, thú nhồi bông được “hồi sinh” bằng một tinh thần táo bạo và sáng tạo hơn. Tỉ dụ, bộ sưu tập FW98 của Anna Sui đã lấy cảm hứng từ chính những bộ đồ cải trang hay chiếc mặt nạ động vật mà trẻ em yêu thích, để tạo ra những chiếc mũ sang trọng có hình cá sấu, gấu bông, thỏ và sói. Chia sẻ ở cánh gà sân khấu, nhà thiết kế cho biết thêm rằng bà đã được truyền cảm hứng sáng tạo từ những bức tranh minh họa trong sách trẻ em cũ và một câu nói mà bà đã được nghe từ nhỏ: “Bạn đã quá già để đọc truyện cổ tích.”
Vài năm sau, trong biểu trình diễn vào mùa Xuân Hè 2003, bộ đôi nhà thiết kế Dolce&Gabbana đã khiến cả làng mốt thích thú với một chiếc váy denim ngắn được đính kết hàng loạt chú gấu bông kích cỡ nhỏ. Chiếc váy độc đáo đó cũng đã từng được nữ rapper huyền thoại Lil Kim diện trên trang bìa của tạp chí Tạp chí Nylon 2003. Cho đến năm 2005, giám đốc nghệ thuật lúc bấy giờ của Louis Vuitton, Marc Jacobs, đã cho ra mắt chú gấu bông DouDou đình đám với bản monogram trứ danh của nhà mốt. Vào năm 2021, nhà thiết kế quá cố Virgil Abloh cũng một lần nữa khơi dậy tinh thần vui nhộn đầy tinh nghịch của trẻ thơ bằng bộ sưu tập Menswear Xuân Hè, tràn ngập các thiết kế được đính kết thú nhồi bông, và có cả sự xuất hiện của chú gấu DouDou. Tại Heaven by Marc Jacobs, chúng ta cũng có một chú gấu bông “tinh quái” hơn với hai chiếc đầu được may dính vào nhau.
Ngày nay, vẻ ngoài vui vẻ của tuổi thơ từ thú nhồi bông vẫn luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dạo trong thế giới thời trang, nhất là khi nhân loại vừa trải qua một khoảng thời gian “đen tối” bởi đại dịch. Khi sức khỏe tinh thần bị tổn hại nặng nề, con người chúng ta thường muốn quay về quá khứ tươi đẹp để chữa lành. Và cuộc gặp gỡ của địa hạt thời trang và thế giới gấu bông đầy màu sắc chính là một trong những cách giúp người mốt giải tỏa được căng thẳng. Bởi lẽ, đã là món đồ chơi của trẻ em thì sự vui vẻ và năng lượng tích cực vẫn luôn là trọng tâm để các nhà thiết kế dùng làm chất liệu thiết kế chủ đạo.
Nguồn: nssgclub (theo: stylerepublik)