Chia sẻ bởi Bà Minli Zhao, Phó Chủ tịch, Ngành Tiêu dùng, mảng Vật liệu Chuyên dụng của tập đoàn BASF, khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Đối với hầu hết doanh nghiệp, các sáng kiến phát triển bền vững chỉ đơn giản có ý nghĩa về mặt tài chính. Người tiêu dùng đang ngày càng xem tính bền vững là yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định mua hàng của họ. Một nghiên cứu do GlobeScan và các đối tác thực hiện vào cuối năm 2020 cho thấy 47% người tiêu dùng Việt Nam đã ủng hộ các công ty có trách nhiệm với xã hội trong năm qua, cao hơn so với mức trung bình trên thế giới là 33%. Bên cạnh đó, 81% đã tìm kiếm thông tin về lối sống thân thiện với môi trường trong năm qua, so với mức trung bình trên thế giới là 47%.
Một yếu tố không kém phần quan trọng đối với các tổ chức là nhân viên của họ. Các nhân viên đang ngày càng sẵn sàng thể hiện giá trị cá nhân trong công việc. Doanh nghiệp nào không tôn trọng những mối quan tâm của nhân viên sẽ đứng trước nguy cơ bị đánh giá là những nhà tuyển dụng kém hấp dẫn trong mắt các ứng cử viên (một vấn đề đặc biệt quan trọng trong các ngành đang đối mặt với sự thiếu hụt nhân sự lành nghề). McKinsey gần đây vừa xuất bản một bài báo với tiêu đề nêu lên vấn đề một cách ngắn gọn: “Giúp nhân viên tìm thấy mục tiêu – hoặc chứng kiến họ rời đi”.
Trong bài viết này, tác giả đã trình bày về cách làm thế nào các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo có thể mang đến cho nhân viên cảm giác thỏa mãn trong công việc. Họ cho rằng, khi thiết lập mục tiêu tổ chức, doanh nghiệp phải xem xét đến vai trò của tổ chức trong xã hội và trao cho nhân viên “những công việc có ý nghĩa giúp phản ánh nỗ lực của doanh nghiệp và tác động mà các nhân viên mang lại”.
Một nghiên cứu vào năm 2020 của Peakon – một nền tảng tương tác dành cho nhân viên –tìm hiểu về kỳ vọng và giá trị của nhân viên dành cho công việc, đã cho thấy tính bền vững được xem là ưu tiên hàng đầu. Báo cáo chỉ ra một phát hiện quan trọng là số lượng thảo luận của các nhân viên liên quan đến chủ đề về môi trường đã tăng 52% so với năm trước. Điều này thể hiện rõ ở nhóm nhân viên trẻ tuổi hơn, với nhóm Gen Z tăng 128%, trong khi nhóm Millennials cũng có mức tăng trưởng ấn tượng với 62%. Ở cấp độ ngành, rõ ràng, mối quan tâm của người tiêu dùng về tính bền vững trong việc sử dụng nguyên liệu thô và bao bì đang mang lại nhiều ảnh hưởng cho ngành Sản xuất – nhận xét của nhân viên về các chủ đề liên quan đến môi trường tăng 595%, gấp gần sáu lần mức tăng trưởng của ngành Tiêu dùng với mức tăng 106%.
Nghiên cứu này tổng hợp ý kiến từ 80 triệu nhân viên trên 160 quốc gia, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả người lao động trên toàn thế giới sẽ có cùng hệ giá trị và chia sẻ sự kỳ vọng tương tự đối với công ty của họ. Và nhóm nhân viên ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và ở Việt Nam nói riêng, cũng không phải là ngoại lệ.
Với công việc hàng ngày ở một công ty cung cấp hóa chất và nguyên liệu thô cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm sản xuất giày dép, những thông tin trên mang đến sự đồng cảm cho tôi. Tôi đã nói chuyện với đồng nghiệp của mình về chủ đề phát triển bền vững – ông Simon Zhao, Giám đốc Tiếp thị Khu vực, mảng Giày thể thao và Giày thời trang tại BASF. Chúng tôi đã thảo luận về các xu hướng bền vững giúp định hình ngành sản xuất và sự ảnh hưởng của những xu hướng này tới giá trị của mỗi cá nhân.
- Sử dụng vật liệu sinh học: Các nhà sản xuất đang nỗ lực tìm kiếm các vật liệu sinh học thay thế nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất cũng như chất lượng sản phẩm. Đồng nghiệp của tôi thể hiện rõ niềm tự hào về việc công ty đã đầu tư vào phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu thực vật hoặc dầu thầu dầu với hàm lượng cacbon sinh học có thể điều chỉnh, từ đó ứng dụng phương pháp tiếp cận cân bằng sinh khối (biomass balanced approach) nhằm thúc đẩy việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo và quy trình sản xuất bền vững.
- Giảm thiểu lượng khí thải CO2: Rất nhiều công ty đang cam kết đạt được mức khí thải ròng CO2 bằng 0. Đối với BASF, kế hoạch đầu tư hơn 4 tỷ euro trong thập kỷ tới được kỳ vọng sẽ giúp chúng tôi hoàn thành mục tiêu trên nhờ việc ứng dụng công nghệ, bao gồm nâng cấp các nhà máy sản xuất và chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, bao gồm giải pháp tạo ra chất liệu da nhân tạo Haptex của chúng tôi, thải ra ít hơn 30% khí nhà kính và sử dụng ít hơn 25% năng lượng trong quá trình sản xuất so với các sản phẩm da PU sử dụng dung môi truyền thống.
- Đẩy mạnh tái chế: Nhiều sản phẩm hiện nay được tạo ra để phục vụ cho mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhờ việc sử dụng vật liệu sinh học, khái niệm bảo tồn tài nguyên đã trở nên phổ biến. Phương pháp này liên quan tới việc tái sử dụng nhựa hoặc chất thải hữu cơ làm nguyên liệu thô, giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tài nguyên hóa thạch có thể tiếp tục tồn tại trong lòng đất.
Những chia sẻ từ đồng nghiệp đã giúp bản thân tôi nhận ra rằng, sự đầu tư của tổ chức cho các nỗ lực phát triển bền vững giúp chúng tôi nhận thức tốt hơn về mục đích, đồng thời củng cố niềm tin trong công việc mà mình đang thực hiện. Một cam kết thực tế về việc thúc đẩy bền vững không chỉ giúp cải thiện doanh thu và tạo tiền đề để các nhà sản xuất và thương hiệu thu hút nhân tài, mà còn tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực – ở đó các tổ chức giải đáp các mối quan tâm về tính bền vững từ nhân viên, và những người nhân viên sau đó sẽ giúp công ty phát triển nên các sản phẩm và giải pháp bền vững mà khách hàng họ hằng mong muốn.
Theo: Doanhnhanplus