Dịch COVID-19 đã thúc đẩy hoạt động mua sắm của người dân theo xu hướng có kế hoạch, chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý.
Người dân cũng ưu tiên lựa chọn những mặt hàng chất lượng có giá cả phù hợp, cũng như săn hàng khuyến mãi, giảm giá… để tiết kiệm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Do đó, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh… đang đối mặt với bài toán thị trường sau giãn cách xã hội để nhanh chóng bắt kịp thói quen tiêu dùng mới của người dân.
Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, Tp. Hồ Chí Minh đã nới lỏng giãn cách xã hội; hoạt động thương mại, kinh doanh và mua sắm bắt đầu từng bước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Ngày càng nhiều người dân thành phố tăng nhu cầu mua sắm và mở rộng nhóm ngành hàng tiêu dùng thiết yếu của bản thân, gia đình khi những trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng… mở cửa trở lại trên địa bàn thành phố.
Chị Liên Phương, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, cuối tuần vừa qua chị cùng con gái đã đến một số trung tâm thương mại để mua sắm quần áo, giày dép… Gia đình khá đông thành viên, nhất là có nhiều trẻ con nên có nhiều nhu cầu mua sắm những mặt hàng quần áo, giày dép; nhưng do thời gian giãn cách xã hội kéo dài nên trước đây gần như không có cơ hội tiêu dùng những ngành hàng này.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thái, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong hai ngày cuối tuần cũng đã tranh thủ thời gian đến các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm để lựa chọn và mau sắm những sản phẩm cần thiết. Trong thời gian giãn cách xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh, những sản phẩm này dù được gia đình mua sắm dự phòng nhưng cũng đã sử dụng hết.
Ghi nhận ý kiến người dân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 diễn biến khó lường nên đây là thời điểm thuận lợi để người dân tranh thủ mua sắm những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho bản thân và gia đình. Trong giai đoạn mở cửa hoạt động trở lại, hàng loạt trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng… đã thực hiện khuyến mãi, giảm giá đa dạng ngành hàng, dẫn đến thị trường giá cả tương đối tốt cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.
Người dân tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm 2021, nên thời điểm này cũng là giai đoạn phù hợp để mua sắm những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho gia đình chuẩn bị Lễ/Tết, chứ không chỉ tập trung vào những nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… Đặc biệt, với những mặt hàng có thể dự phòng hoặc sử dụng trong thời gian lâu dài như hàng điện tử – điện máy, đồ trang trí nội thất, thời trang may mặc, hóa mỹ phẩm… thì người tiêu dùng có thể mua sắm để tận dụng cơ hội khuyến mãi, giảm giá từ đa dạng nhãn hàng, thương hiệu…
Trong khi đó, để đón đầu nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, hầu hết trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng… đã phối hợp cùng các nhãn hàng, thương hiệu trong và ngoài nước triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá lên đến 50%. Những đơn vị này còn thực hiện phong phú hình thức kích cầu tiêu dùng như mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1; tặng phiếu giảm giá cho hóa đơn kế tiếp, phiếu mua hàng mệnh giá mặc định; bán hàng theo combo gồm sản phẩm chính kèm quà tặng…
Khảo sát thực tế, hầu hết trung tâm thương mại chủ yếu đón khách có “Thẻ xanh COVID-19” và đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19 giúp khách hàng an tâm mua sắm. Điển hình, tại Vincom Đồng Khởi, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh ngày càng đón lượng khách hàng tăng cao dần khi phối hợp với hàng loạt nhãn hàng, thương hiệu thực hiện khuyến mãi, giảm giá.
Tuy mua sắm trực tiếp tại các trung tâm thương mại, nhưng mức giảm giá tương đương hoặc giảm hơn cả mua sắm trực tuyến nên không ít người tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh khá phấn khởi. Nhiều mặt hàng khuyến mãi, giảm giá là sản phẩm của một số nhãn hàng, thương hiệu nổi tiếng nên tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tương tự, nhiều quầy hàng tại trung tâm thương mại, đại siêu thị… cũng thu hút lượng khách có mức thu nhập trung bình và khá với hoạt động giảm giá dao động ở mức từ 5-49%, tùy sản phẩm. Hoạt động giảm giá này, được áp dụng luân phiên từng nhóm sản phẩm nên khách hàng bất cứ lúc nào đến quầy hàng tham quan và mua sắm đều có thể lựa chọn những mặt hàng phù hợp với giá cả phải chăng.
Còn những nhãn hàng, thương hiệu đã xây dựng được hệ thống chuỗi cửa hàng trên khắp địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như Juno, Vascara, Biti’s, PNJ… trở lại thị trường với hoạt động khuyến mãi, giảm giá “sốc” cho khách hàng thân thiết. Điển hình, Vascara – thương hiệu thời trang ba lô, túi xách, giày dép, mắt kính… đang chạy chương trình ưu đãi 100.000 đồng với hóa đơn 1 triệu đồng khi mua sản phẩm mới và kể cả một số sản phẩm đã áp dụng khuyến mãi từ 20-50%.
Theo dự báo của doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh, nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, cùng với việc tăng cường hoạt động kích cầu tiêu dùng thì có thể kỳ vọng thị trường bán lẻ sẽ khởi sắc trong những tháng còn lại của năm 2021. Về phía đơn vị bán buôn có thể tìm đầu ra thuận lợi cho hàng hóa, sản phẩm bị tồn kho trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua. Riêng người tiêu dùng không chỉ được thỏa mãn nhu cầu mua sắm mà được tiêu dùng những sản phẩm có giá tốt hơn thời điểm bình thường.
Tuy vậy, không phải doanh nghiệp, nhà bán lẻ, đơn vị sản xuất kinh doanh nào cũng có cơ hội đối với thị trường sau giãn cách xã hội, mà điều kiện thuận lợi chỉ dành cho một số nhóm ngành hàng nhất định và nhu cầu thị trường đang tăng cao. Bên cạnh đó, tận dụng được cơ hội sản xuất kinh doanh trên thị trường hay không, còn phụ thuộc vào chiến lược kích cầu tiêu dùng và kế hoạch sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, từng nhóm ngành hàng…
So với thời điểm cuối tháng 9/2021, thị trường tiêu dùng tại Tp. Hồ Chí Minh hiện nay được các chuyên gia đánh giá là sôi động hơn nhiều và có những tín hiệu tích cực nhất định. Cụ thể, từ ngày 16/9, một số nhóm ngành thuộc các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) đã được mở cửa trở lại. Đồng thời, hình thức vận chuyển hàng hóa có ứng dụng công nghệ cũng được phép hoạt động liên quận. Tuy nhiên, các đơn vị được mở cửa trong giai đoạn hiện nay phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 nên số lượng điểm kinh doanh vận hành lại chưa nhiều so với thời điểm hiện nay.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2021 của Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạt 30.982 tỷ đồng, giảm 1,6% so với tháng trước và giảm 65,2% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung chung quý III/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Tp. Hồ Chí Minh đạt 104.689 tỷ đồng, giảm 58,3% so với quý trước và giảm 60,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, quý III/2021 – tức là thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên toàn địa bàn (kể từ 0 giờ ngày 9/7/2021), nhu cầu mua sắm của người dân chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… nên hầu như doanh thu các nhóm mặt hàng và dịch vụ khác giảm mạnh. Trong quý này, Tp. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi hàng loạt chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19, tránh được tình trạng khan hiếm hàng hóa diễn ra khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội.
Cộng dồn 9 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Tp. Hồ Chí Minh đạt 636.306 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo: Baotintuc