Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn cho rằng Xuân Bắc đang ảo tưởng quyền lực và sức mạnh bản thân khi tự đặt người nghệ sĩ ở một vị trí cao hơn khán giả.
Phiến diện khi so sánh bánh chưng với Gặp nhau cuối năm
Với bất cứ ai, khi bị chê là điều không dễ dàng tiếp nhận. Nghệ sĩ có chút tên tuổi, luôn được coi trọng và quen với việc được khen lại càng khó hơn. Phản ứng, đáp trả là tâm lý thường trực của con người. Nhưng việc Xuân Bắc mượn chuyện bánh chưng để ám chỉ khán giả “ăn cháo đá bát” thì vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường.
Hiểu theo ngụ ý của người viết thì chuyện mắng mỏ là nhằm bảo vệ chương trình Gặp nhau cuối năm vừa diễn ra đêm 30 Tết 2023, chê nhưng năm nào cũng ngóng, ngóng xong vẫn chê. Những phản biện đó cũng dành cho chương trình chứ không đả kích cá nhân nghệ sĩ nào. Trong khi đó, Xuân Bắc và Công Lý là hai nghệ sĩ thường được khen ngợi về diễn xuất nhiều hơn cả, là bộ đôi “cầm trịch” cho cả chương trình. Thế nên việc Xuân Bắc phản ứng với khán giả trong hoàn cảnh không phải bị chê trực diện khiến nhiều người bất ngờ là “chưa khảo đã xưng”, tự vạch áo cho người xem lưng… Lẽ ra chỉ nhằm vào những người chê mình hoặc chê Gặp nhau cuối năm thì Xuân Bắc lại cho cả làng “ăn tát”.
Thật ra, chuyện Gặp nhau cuối năm bị chê nhạt cũng… đến hẹn lại lên như cách chương trình xuất hiện hàng năm vào đêm 30 Tết. Đến mức nhiều người cũng không còn mấy quan tâm đến chuyện khen chê ra sao nữa. Chuyện thành thường tình rồi, không hiểu sao năm nay Xuân Bắc lại “nhảy dựng” lên như thể lần đầu chương trình bị phản ứng. Nếu có lên tiếng, ở đây là đạo diễn, là lãnh đạo đài. Xuân Bắc chỉ là nghệ sĩ diễn theo kịch bản, theo chỉ đạo của đạo diễn. Khép tấm màn nhung là sản phẩm thuộc về khán giả, còn nghệ sĩ đã làm xong bổn phận của “kiếp tằm nhả tơ”. Mang sự hằn học ở đời thường để đôi co với khán giả là điều tối kỵ và từng khiến không ít nghệ sĩ điêu đứng.
Năm 2017 MC, diễn viên hài Trấn Thành từng hứng phải làn sóng chỉ trích tương tự như Xuân Bắc khi vướng vào hàng loạt lời chê diễn xuất, dẫn chương trình ngày càng dễ dãi. Nam diễn viên đã có phát ngôn đầy thách thức: “Nếu khán giả thấy hài nhảm, hãy tắt tivi”, khiến anh trở thành mục tiêu tấn công của dư luận.
Đàm Vĩnh Hưng cũng từng có tuyên bố đầy ngạo mạn: “Đàm Vĩnh Hưng là vùng cấm”, khi bị tài khoản Lê Hoài Anh đăng hình ảnh anh chụp chung với Nguyễn Hữu Linh – người bị cơ quan công an quận 4 (TP.HCM) ra quyết định khởi tố trong vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy với chú thích: “Trong bức ảnh này, giờ ai nổi tiếng hơn ai nhỉ?”.
Ngay lập tức, ca sĩ này đã “đăng đàn” yêu cầu chủ tài khoản facebook phải xóa bài đăng với những lời lẽ mang tính dọa dẫm và chợ búa.
Sau này, khi vướng vào lùm xùm yêu cầu sao kê tài khoản từ thiện, Trấn Thành và Đàm Vĩnh Hưng như lĩnh hội được sức mạnh của khán giả nên ứng xử cũng bình tĩnh và cẩn trọng hơn trước sự quá khích của một bộ phận cộng đồng mạng.
Nghệ sĩ đích thực luôn trân trọng khán giả
Nhìn vào những lần đối đầu với khán giả này tưởng là vạ miệng nhưng cũng phản chiếu tư duy và phông văn hoá của người phát ngôn. Nó có một phần nguyên nhân đến từ sự ảo tưởng bản thân, do được khán giả nuông chiều, được tôn vinh quá lớn. Nghệ sĩ kể cả cực tài năng cũng đều dựa vào khán giả. Ngược lại, khán giả được thụ hưởng từ nghệ sĩ. Sòng phẳng ra không ai hàm ơn và mắc nợ ai để phải nói “ăn cháo đá bát”.
Xuân Bắc là nghệ sĩ có sức ảnh hưởng không chỉ với khán giả lớn tuổi mà còn với cả trẻ em. Ngoài diễn hài, anh còn đắt show ở nhiều lĩnh vực như MC, quảng cáo, đại diện thương hiệu… Sự nổi tiếng và catse có thể nói là lớn nhất trong các nghệ sĩ tham gia Gặp nhau cuối năm. Anh còn là Giám đốc một nhà hát, đang trong thời gian chờ phong NSND. Lẽ ra với vị trí, sức ảnh hưởng và kinh nghiệm đời diễn phải khiến anh cẩn trọng hơn trong phát ngôn thì lại làm khán giả sốc với lối so sánh vô cùng khập khiễng: Gặp nhau cuối năm ý nghĩa như bánh chưng ngày Tết, chỉ được ăn chứ không được quyền chê.
Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch hãng quản trị Berlin Crisis Solutions (BCS) cho rằng Xuân Bắc đang ảo tưởng quyền lực và sức mạnh bản thân khi coi thường những phê bình từ công chúng. “Xuân Bắc tự đặt người nghệ sĩ ở một vị trí cao hơn, là “người cha, người mẹ” và khán giả là “con”. “Cha mẹ” là người ban phát, có quyền quyết định tất cả. “Con cái” không có quyền nêu quan điểm, ý kiến, hay phán xét, chê bai theo hướng ngược lại”, ông Sơn nói.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, sức ảnh hưởng của nghệ sĩ không còn giới hạn ở sàn diễn hay trên truyền thông chính thống. Với tài khoản có hàng triệu người theo dõi, nghệ sĩ luôn được tung hô đã tạo nên thứ “quyền lực mềm” cho người nổi tiếng. Thực chất, nó không khác gì con dao hai lưỡi. Nếu không đủ sáng suốt, nghệ sĩ rất dễ bị dẫn dụ bởi những lời khen này và trở nên ảo tưởng quyền lực bản thân. Đã là người của công chúng, ngoài trau dồi tài năng, nghệ sĩ còn phải giữ chuẩn mực đạo đức mới nhận được tình cảm lâu bền của công chúng.
Một nghệ sĩ từng khuyên: “Đừng ảo tưởng vị trí của mình trong lòng khán giả. Có những nghệ sĩ có tay nghề hoặc không có tay nghề, chỉ cần buông lỏng, với những hành vi, lời nói sai trái thì sớm muộn sẽ mất hình ảnh đẹp trong mắt công chúng, bị công chúng từ bỏ”. Lúa trĩu bông là lúc uốn cong. Người nghệ sĩ đích thực được ví như bông lúa, càng lên cao càng khiêm nhường trước khán giả. Show diễn 30.000 người ở SVĐ Mỹ Đình, Mỹ Tâm gọi lên là Tri âm. Ngoài thành công lớn nhất từ trước đến nay, hành động quỳ gối trước khán giả của hoạ mi tóc nâu mới là câu chuyện gây xúc động được bàn tán nhiều ngày sau đó cả trên báo chí lẫn mạng xã hội.
Rapper Đen vâu làm show lấy tên là Đồng âm. Anh cảm ơn từng lượt nghe, từng lượt chia sẻ, những bình luận giãi bày tâm tư, những bài viết của các anh chị báo đài đã làm rõ thêm tinh thần bài hát và đưa nó đến tai nhiều người nghe.
Nghệ sĩ hay người nổi tiếng nói chung hãy tiếp tục khiêm nhường như thế, không chỉ với khen mà cả lời chê để luôn nhận được sự yêu thương, trân trọng thay vì đặt mình ở vị trí là người nổi tiếng để giao tiếp với khán giả.
Theo: suckhoedoisong